Trung Quốc gửi “Thỏ Ngọc” lên Mặt Trăng

14:38 | 02/12/2013

490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung Quốc vừa thực hiện cuộc phóng tên lửa đưa một xe tự hành lên Mặt Trăng vào lúc một giờ rưỡi sáng nay. Đây là bước tiến mới nhất trong kế hoạch khám phá vũ trụ đầy tham vọng của nước này nhằm chứng tỏ vị thế mới của mình trên thế giới.

Hằng Nga 3 mang theo Thỏ Ngọc được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương lên Mặt Trăng để thực hiện sứ mệnh đầu tiên của Trung Quốc.

Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc đã trình chiếu cảnh phi thuyền Hằng Nga 3 mang theo rô bốt tự động “Thỏ Ngọc” được phóng thành công tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương lúc 1 giờ 30 phút sáng giờ địa phương ngày 2/12.

Tàu thăm dò dự tính sẽ hạ cánh vào Mặt Trăng khoảng giữa tháng 12 này để khám phá bề mặt hành tinh này và tìm kiếm các khoáng sản tự nhiên.

Trung Quốc là quốc gia thứ ba trên thế giới gửi tàu do thám đến Mặt Trăng, sau Mỹ và Liên Xô vài thập kỷ.

Trung Quốc gửi tàu thăm dò vũ trụ đến quỹ đạo của Mặt Trăng vào năm 2007 và 2010.

Kể từ 2003, nước này đưa 10 phi hành gia vào vũ trụ và mở trạm nghiên cứu vụ trụ Tiangong-1.

Chương trình vũ trụ do quân đội phát triển của nước này muốn lập một trạm vũ trụ cố định và đưa người đến Mặt Trăng vào năm 2020.

Tên rô bốt do thám “Thỏ Ngọc” được chọn từ một cuộc thăm dò trực tuyến có 3,4 triệu người tham gia. Nó có tên từ một câu truyện thần thoại của Trung Quốc về con thỏ của Hằng Nga.

Thỏ Ngọc mang theo một bộ phận tinh vi hơn trước, gồm radar nhìn xuyên xuống đất, giúp thu thập dữ kiện đo lường về đất đá và lớp địa tầng của Mặt Trăng.

Theo các nhà thiết kế thuộc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Hệ thống Không gian Thượng Hải, xe tự hành Thỏ Ngọc nặng 120 kg có thể leo được dốc nghiêng 30 độ và di chuyển 200 m mỗi giờ.

Truyền hình quốc gia chiếu cảnh tên lửa phi vào không trung và những người quan sát có thể nghe tiếng thông báo rằng mọi việc trên tàu vũ trụ diễn ra “bình thường”.

Trưởng Thiết kế tàu do thám Mặt trăng, Sun Zezhou, cho biết nhiệm vụ này sẽ đóng vai trò cho viêc phát triển một số công nghệ vũ trụ, trong đó sẽ có một số được áp dụng phục vụ người dân.

Nh.Thạch

AFP