Trừng phạt Nga, phương Tây thừa nhận thất bại?

07:00 | 09/01/2015

6,956 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai cường quốc châu Âu là Pháp và Đức vừa ra điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Đâu là nguyên nhân khiến các nước này không muốn tiếp tục cuộc “so găng” với Nga xung quanh vấn đề Ukraina?

Năng lượng Mới số 389

Mới đây thôi, trung tuần tháng 12/2014, EU cùng Mỹ vẫn còn đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Washington phong tỏa tài sản của bất kỳ cá nhân và công ty nào liên quan tới Crưm. EU thì cấm doanh nghiệp của mình đầu tư vào kinh tế Crưm, mua bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ du lịch tại Crưm. Ngoài ra, còn có hạn chế về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho giao thông vận tải, viễn thông và ngành năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Crưm.

Thế mà ngày 5/1, nói chuyện trên  Đài Phát thanh France Inter, Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố: “Tôi sẽ đến Astana, thủ đô Kazakhstan ngày 15/1/2015 để tìm giải pháp cho cuộc chiến tại Ukraina, với một điều kiện. Đó là đạt được thêm một số tiến bộ. Nếu hội nghị chỉ là để gặp gỡ, nói chuyện với nhau mà không tiến triển, thì đó là điều vô ích. Tuy nhiên tôi cho rằng sẽ có tiến bộ”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande

Ngày 29/12/2014, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko mời lãnh đạo các nước Nga, Pháp và Đức đến họp thượng đỉnh tại Astana để giúp tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh tại Ukraina. Trong một thông điệp được cho là nhắn gửi đến Tổng thống Nga Putin, ông Hollande nhấn mạnh rằng, nếu có tiến bộ tại hội nghị Astana, thì các biện pháp trừng phạt đối với Moskva phải được gỡ bỏ.

Berlin cũng đề ra điều kiện. Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel xác định: “Một cuộc họp như vậy chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta có thể thực sự tiến bộ”. Đối với phía Đức, có thể được coi là tiến bộ thực thụ việc các bên “thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk, ngừng bắn thực sự và lâu dài, thiết lập một tuyến liên lạc giữa hai vùng do chính quyền Ukraina và do phiến quân kiểm soát và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực”.

Lâu nay EU và Mỹ vẫn đưa ra những điều kiện như vậy với Nga, nhưng thực tế các điều kiện này rất mù mờ, chưa nói đến việc Nga luôn nói không phải là một bên tham chiến tại Ukraina nên chẳng có nghĩa vụ gì phải đáp ứng các yêu cầu của phương Tây.

Nhưng dù gì thì qua những tuyên bố trên có thể thấy EU đang cảm thấy thua thiệt trong cuộc so găng cấm vận với Nga. Từ cuối năm 2013 cho đến nay, Mỹ và châu Âu đã đưa ra tổng cộng 5 đợt trừng phạt nhằm vào nước Nga từ nhẹ như cấm vận đi lại của một số quan chức trong chính quyền Moskva cho tới nặng như cấm các công ty dầu khí của Nga tiếp cận thị trường vốn phương Tây và các các biện pháp hạn chế kinh tế khác. Gần đây nhất là việc phương Tây cấm vận cả bán đảo Crưm.

Kinh tế Nga bây giờ mới thấm những đòn đánh kinh tế của phương Tây. Ngày 24/11/2014, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo, ước tính Nga bị thiệt hại mỗi năm 40 tỉ USD do lệnh cấm vận phương Tây. Số tiền trên sẽ chẳng thể làm nước Nga suy thoái nhưng ngặt một nỗi đúng vào thời điểm này, giá dầu thế giới lại giảm gần một nửa trong vòng 6 tháng qua, khiến nguồn thu ngân sách của Nga, chủ yếu từ dầu mỏ và khí đốt, bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại 90-100 tỉ USD riêng trong 3 tháng cuối năm. Đồng rúp của Nga đã bị mất giá trên 80% trong năm 2014. Dự báo tăng trưởng GDP Nga chỉ đạt 0,3% năm 2014 và 0% năm 2015.

Nhưng đối với mỗi gói trừng phạt của phương Tây, Nga đều có các đợt trả đũa tương ứng. Đây là nguyên tắc bình thường trong ngoại giao. Và nếu như Nga bị thiệt hại khoảng 40 tỉ USD do lệnh trừng phạt, thì sự mất mát của EU do các biện pháp trả đũa của Nga là khoảng 50 tỉ USD chỉ riêng trong năm nay. Điều này đã được Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố hôm 10/12, khi trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình hàng đầu của Nga. Ông Medvedev nói thêm rằng, theo ước tính của các nhà kinh tế Nga, các nền kinh tế châu Âu trong năm tiếp theo sẽ bị thiệt hại khoảng 60 tỉ USD. Thủ tướng Medvedev nói rằng lệnh trừng phạt là bất lợi cho tất cả các bên, lệnh trừng phạt "không cần cho ai và theo thông lệ, có xu hướng không kết thúc bằng điều gì cả".

Và để chống đỡ, Nga gia tăng hợp tác với các nước Châu Á - Thái Bình Dương trong đó phải kể đến Trung Quốc. Hợp đồng khí đốt trị giá 50 tỉ USD với Trung Quốc được coi là cứu cánh của Moskva vào lúc này. Bên trong nước Nga cũng có nhiều chuyển biến tích cực “nhờ” vào sự cấm vận của phương Tây. Sức ép ngoại bang đã vô tình khiến sản xuất nội địa của Nga tăng trưởng. Mấy tháng qua, sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng: Tăng 2,9% vào tháng 10 và 3% vào tháng 11/2014. Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi rất nhiều từ các lệnh bao vây của phương Tây bởi Chính phủ Nga đã đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp châu Âu.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel mới đây cũng bày tỏ quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt Nga, được áp dụng từ tháng 3/2014. Theo ông, có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn “khuất phục” Nga nhưng việc trừng phạt Moskva chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm.

Nhiều nước như Ý, Hungary, Slovakia cũng hy vọng sớm dừng việc cấm vận Nga. Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo Hans-Werner Sinn cảnh báo nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu.

Cuộc đối đầu Nga - phương Tây - Ukraina đang gây thiệt hại cho tất cả các phía. Ukraina chưa thấy nhận được gì từ chính sách thân phương Tây thì đã thấy mất miền Đông, kinh tế khủng hoảng, chính trị chia rẽ. Nga cũng điêu đứng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây về mặt kinh tế. Đồng tiền Nga mất giá, kinh tế ngày càng khó khăn. Nhưng Mỹ và EU không phải không bị ảnh hưởng bởi những đòn trả đũa của Nga.

Một trong những lý do khác giải thích sự thay đổi thái độ của EU với Nga là tình hình nội bộ chính trị tại Mỹ đang trong lúc giao thời. Ngày 1/5/2015, Quốc hội mới bắt đầu nhóm họp và dự báo sẽ “trói chân tay” của Tổng thống Obama cả về đối nội lẫn đối ngoại. Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội nên họ sẽ có tiếng nói quyết định đối với các chính sách của chính quyền Dân chủ Obama. EU tận dụng thời điểm này để thay đổi quan điểm mà không bị Mỹ gây sức ép trong vấn đề trừng phạt Nga như những lần trước đây.

S.Phương(tổng hợp)