Trở lại Thanh Chăn

15:48 | 24/11/2022

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chúng tôi trở lại Thanh Chăn huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên vào một ngày đầu đông tháng 11. Con đường nối từ đường lộ vào trung tâm xã đã trải nhựa phẳng khoe sắc màu bởi những giàn hoa giấy được trồng hai bên lối đi, đường liên thôn bản được bê tông hoá khang trang, sạch đẹp. Xã cũng đã xây dựng được khu thi đấu thể thao giúp người dân rèn luyện sức khoẻ. Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học… cũng đều được xây mới. Nhiều ngôi trường học nơi đây đã được cấp chuẩn quốc gia. Diện mạo Thanh Chăn hôm nay đã khác xa của Thanh Chăn 10 năm trước khi được chọn là 1 trong 11 xã điểm Nông thôn mới do Ban Bí thư chỉ đạo, đại diện cho nông thôn vùng Tây Bắc.
Trở lại Thanh Chăn
Con đường bê tông sạch đẹp tại thôn Việt Thanh 4, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên

Có một Thanh Chăn đã khác

Thanh Chăn là xã biên giới nằm về phía tây lòng chảo Điện Biên, có đường biên giới với nước CHDCND Lào dài 4 km, diện tích đất tự nhiên 2.229,68 ha, trong đó diện tích đất canh tác 605 ha. Dân số toàn xã là 1.220 hộ với 5.171 nhân khẩu. Là xã thuần nông, Thanh Chăn không có ngành nghề truyền thống, do vậy trong những năm qua, việc phát triển kinh tế – xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, trong 11 xã của 11 tỉnh, thành phố trong cả nước để chỉ đạo điểm “chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Thanh Chăn là địa phương khó khăn nhất, bởi xã có 4 dân tộc gồm: Thái, Kinh, Tày, Nùng quen nếp ăn, ở theo cách riêng của mình. Đã thế, năng lực cán bộ cũng rất hạn chế. Quỹ đất để mở rộng quy mô SX hạn hẹp, hộ nghèo khó còn nhiều, tệ nạn ma tuý, lây nhiễm HIV/AIDS khá nặng nề…

Và ngày hôm nay, nói về Thanh Chăn, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn hồ hởi: “Thanh Chăn hôm nay khác hẳn ngày trước, ấy là lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy cao độ. Người dân thực sự làm chủ bản làng của mình. Mọi việc đều được người dân vào cuộc ngay từ đầu. Kế hoạch, lịch trình Thanh Chăn xây dựng NTM nhằm tạo ra những giá trị mới của nông thôn hiện đại về kinh tế, văn hoá, xã hội và tổ chức cộng đồng, thì hết thảy người dân nơi đây đều được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và được hưởng thụ thực sự".

Với việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản cùng tham gia xây dựng NTM. UBND xã tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền đến các cán bộ thôn, bản tại các cuộc họp UBND xã; cán bộ tăng cường, cán bộ xã xuống dự họp tại các thôn, bản tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM.

Trở lại Thanh Chăn
Trường THCS Thanh Chăn đạt chuẩn quốc gia năm 2016

Tiếp tục câu chuyện về Thanh Chăn ngày hôm nay, ông Vĩnh nói: Xây dựng NTM mà cơ sở hạ tầng có to, có đẹp đến mấy nhưng đời sống nhân dân nghèo đói thì không được. Thanh Chăn luôn xác định đời sống bà con phải được nâng cao, cũng vì thế chúng tôi chú trọng việc thay đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường. Mấy năm nay, nhờ bàn bạc, nhờ đổi thay cách làm, Thanh Chăn đã có thêm vụ đông xuân trên diện tích gần 300 ha, xưa chỉ chuyên 2 vụ lúa. Các giống lúa chất lượng cao được đưa vào SX như giống Bắc thơm, Hương thơm số 1... Còn vụ đông phát triển khoai tây, ngô, đậu tương, khoai lang. Cùng đó, dựa vào Viện Khoa học miền núi phía Bắc, Thanh Chăn đã đưa giống lúa, giống cỏ, nấm ăn, nấm dược liệu và giống chè năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế cho giống cũ thoái hoá.

Chưa dừng lại đó, việc chăn nuôi đại gia súc, tận dụng thế mạnh của đồi rừng cũng bắt đầu phát triển. Lợi dụng mặt nước, Thanh Chăn đã lập HTX thuỷ sản, gồm 12 hộ dân, với số vốn ban đầu tự đóng góp là 342 triệu đồng. Hơn một năm nay, HTX này đã nuôi ươm bán đủ cá giống cho các hộ gia đình nuôi trên 33 ha mặt nước, và bán cho bà con bên nước bạn Lào cận kề biên giới. Mùa vụ nay đều làm đất bằng cơ giới hoá, cả xã đã có tới 50 máy cày, máy bừa, 30 máy tuốt, 12 máy xát…

Tôi hỏi ông Vĩnh, đến giờ Thanh Chăn có gặp khó khăn gì? Ông Vĩnh cho biết: Nếu chiếu theo bộ tiêu chí thì rất cần nhiều vốn. Chẳng hạn như việc làm đường, nếu không có Nhà nước hỗ trợ 70% thì rất khó thực hiện, bởi bà con dân cư thưa thớt, làm một con đường hết nhiều tiền, trong khi để bà con đóng góp thì không đủ. Hiện xã rất khó gỡ về một số tiêu chí như tỉ lệ hộ nghèo còn 5% (hiện còn chiếm 8%) và dịch chuyển cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp về mức 45% là rất khó. Bởi lẽ, Thanh Chăn có đến 95% làm nông nghiệp, ngoài SX nông, lâm nghiệp, người dân chẳng biết bám víu vào đâu để "vực" kinh tế phát triển trong khi ngành nghề truyền thống không có. Và để giải được bài toán đó thì Agribank Chi nhánh Điện Biên đã “vào cuộc” đúng lúc. Nguồn vốn của Agribank đã là “bà đỡ” cho bà con Thanh Chăn đổi đời, đi lên thoát nghèo.

Nhiều nông dân đã trở thành triệu phú

Theo chân ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch xã Thanh Chăn, chúng tôi tìm đến hộ gia đình anh Phạm Minh Tiệp (đội 5). Tại gia đình anh, ngoài diện tích ao nuôi cá, chăn thả thuỷ cầm và trồng các loại rau màu, anh Tiệp còn đầu tư xây dựng trên 100m2 chuồng trại, ngăn chia thành gần 20 chuồng nhỏ để chăn nuôi nhím. Anh Tiệp hồ hởi kể: Trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào làm ruộng và nuôi cá. Nhưng nhận thấy thu nhập từ 2 nghề trên không cao, lại phụ thuộc nhiều nào yếu tố tự nhiên (khí hậu, thời tiết...) nên anh đã chuyển đổi sang chăn nuôi nhím. Năm 2004, anh Tiệp vay vốn của Agribank Huyện Điện Biên 20 triệu đồng mua một đôi nhím giống để khởi nghiệp. Sau 5 năm, đàn nhím của gia đình anh đã lên tới trên 40 con. Từ năm 2007, đàn nhím đã cho gia đình anh giá trị kinh tế bước đầu. Hằng năm, từ việc bán nhím giống cho bà con trong xã và các hộ chăn nuôi từ các huyện phụ cận, gia đình anh có thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Đến nay, mô hình nuôi của anh đã nhân rộng với gần 1000 con, sau khi trừ các chi phí chăn nuôi, gia đình anh sẽ thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

Bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh Tiệp cho biết: nhím là loài động vật ăn tạp nên có thể tận dụng các loại rau củ quả trong vườn làm thức ăn, do đó chi phí thức ăn cho nhím không cao. So với chăn nuôi thuỷ cầm, chi phí thức ăn cho đàn nhím thấp hơn nhiều. Hiện tại mỗi ngày gia đình anh chỉ bỏ ra trên dưới 20 ngàn/ngày mua rau, cám, củ quả cho đàn nhím. Hơn nữa, khả năng miễn dịch của nhím lại cao, chỉ cần tuân thủ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì nhím sẽ khoẻ mạnh, phát triển tốt; thời gian chăm sóc, công chăn nuôi nuôi nhím cũng không mất nhiều nên có thể tranh thủ làm những việc khác cho thu nhập thêm. Chu kỳ sinh sản của nhím ngắn nên khả năng nhân giống thành bầy đàn rất mau.

Học tập mô hình chăn nuôi nhím hiệu quả từ gia đình anh Tiệp, nhiều hộ dân trong xã Thanh Chăn đã phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi nhím và đã có không ít “triệu phú” nổi danh nhờ con nhím. Ông Trần Văn Yên (51 tuổi, ở đội 7) là một ví dụ. Năm 2007 ông Yên đã bỏ ra hơn trăm triệu đồng để mua 3 đôi nhím giống. Từ số nhím ít ỏi ban đầu, sau 4 năm, đàn nhím của gia đình ông đã có số lượng gần 30 con. Ông Yên nhẩm tính, trung bình một con nhím trưởng thành đẻ 2 đến 3 lứa/năm nên một, hai năm nữa, số nhím của gia đình sẽ tăng gấp 3, gấp 4 so với hiện tại. Mỗi một đôi nhím bán ra thị trường cũng có trên 12 đến 15 triệu. Ông Yên cho biết, riêng khoản thu nhập mỗi năm từ đàn nhím cũng đạt từ 70 đến 100 triệu đồng.

Dọc suốt chiều dài liên thôn, nhiều hộ gia đình ở hai bên đường thuộc các đội 5, đội 7, đội 13 của xã Thanh Chăn...trong một vài năm trở lại đây đã tìm đến mô hình chăn nuôi nhím trong bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế gia đình. Ông Vĩnh, cho biết: Hiện toàn xã có hàng trăm hộ dân chăn nuôi nhím theo hướng quy mô, trang trại có thâm niên với số lượng lớn và hàng chục hộ bắt đầu chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong số đó, kinh tế nhiều hộ so với trước kia đã phát triển khá hơn nhiều. Mặt bằng đời sống của người dân và diện mạo kinh tế xã ngày một đổi thay.

Nhiều những hộ dân trong xã cũng muốn chuyển đổi kinh tế theo mô hình chăn nuôi nhím nhưng không dám thực hiện bởi lý do: muốn tạo dựng được một mô hình chăn nuôi nhím phải có nguồn vốn tích luỹ ban đầu khá lớn nên họ rất cần được hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng để xây dựng chuồng trại, mua con giống...Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi nhím của người dân phần lớn là học hỏi những người đi trước chứ không được qua đào tạo nên. Nên khi có Agribank chi nhánh Huyện Điện Biên tiếp sức khắc phục được những hạn chế về vốn, người dân nơi đây yên tâm, mạnh dạn hơn trong việc phát triển trang trại chăn nuôi nhím với số lượng lớn hơn.

Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại của ông Lò Văn Oai (bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên) trồng bưởi, nuôi cá, trồng rừng… trừ chi phí cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm; Ông Lò Văn Oai cũng là người đã từng đại diện cho hơn 1.000 hội viên Hội Nông dân xã Thanh Chăn về dự hội nghị nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Điện Biên lần thứ 2.

Bước vào khởi nghiệp làm kinh tế với mô hình VAC từ những năm 2008 với 1.000 m2 ao thả cá; 1,4 ha trồng rừng; 20 gốc bưởi Diễn và số ít gia cầm... Sau khoảng 6 năm ông Oai nhận thấy hiệu quả từ việc trồng bưởi và nuôi cá là cao và ổn định. Đến năm 2017, ông Oai đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng từ Agribank mua thêm đất đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Hiện ông Oai đang có gần 4.000m2 ao thả cá; 5.000m2 đất trồng cây ăn quả; 3,3 ha trồng rừng; làm chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn và gia cầm. Đến nay mô hình VAC của ông Oai đã mang lại kết quả cao cho gia đình. Từ hơn 4.000 m2 ao thả cá rô phi đơn tính, thả xen cá trắm và cá trôi của ông Oai mỗi năm xuất bán từ 10 đến 12 tấn cá, thu hơn 300 triệu đồng.

Trở lại Thanh Chăn
Mô hình vay vốn nuôi cá của hộ gia đình ông Lò Văn Oai - bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên

Trên diện tích 5.000 m2 được trồng hơn 200 gốc bưởi da xanh và bưởi Diễn, mỗi năm ông Oai thu từ 80 đến 100 triệu đồng. Cây bưởi da xanh do ông tự ươm ghép mắt giống theo điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vì vậy cây bưởi sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho năng suất và chất lượng quả ổn định qua các năm.Ông Oai còn chia sẻ giống cây trồng giúp đỡ các hộ nông dân trong xã cùng trồng và nhân giống cây bưởi da xanh và giống cây trồng, vật nuôi khác.Ngoài ra ông Oai đầu tư vốn làm thêm nghề mua bò vỗ béo rồi bán; nuôi lợn thương phẩm và ngan, gà lấy thịt. Mỗi năm, ông xuất bán và thu về hơn 100 triệu đồng. Tận dụng lợi thế từ mô hình VAC của gia đình, ông Oai đã sử dụng nguồn phân từ chăn nuôi ủ trấu dùng để bón cho cây bưởi da xanh. Tận dụng diện tích đất trồng cây bưởi để nuôi thả gà, diện tích ao cà được dùng để nuôi thả ngan. Ông Oai cũng dùng luôn nguồn nước ao để tưới cho toàn bộ diện tích trồng bưởi. Với cách làm trang trại bài bản, mặc dù ở miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng ông Lò Văn Oai đã xây dựng được trang trại VAC cho thu nhập cao, nhiều người ví trang trại VAC của ông Oai là trang trại "sơn thủy hữu tình". Theo ông Oai, từ khi chuyển sang làm trang trại tổng hợp VAC, gia đình ông đã thoát được nghèo, mức sống của gia đình được tăng lên, con cháu có điều kiện ổn định để học hành. Thời gian tới ông sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và trồng trọt, phát triển mô hình sản xuất của gia đình.

Khi có ngân hàng đồng hành cùng nông dân

Trong những năm trở lại đây, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực “tam nông” đã được ban hành. Đơn cử Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư. Trên cơ sở đó, Agribank chi nhánh Điện Biên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với mô hình tổ vay vốn, Agribank Điện Biên đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đến người dân vùng sâu, vùng xa.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, những năm qua dư nợ cho vay hộ sản xuất, cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt trên 7000 tỷ đồng (bao gồm cả quy đổi ngoại tệ). Trong đó, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 60% với 17.046 khách hàng dư nợ. Agribank Chi nhánh Điện Biên cũng chủ động thực hiện các biện pháp gỡ khó cho khách hàng trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng có nhu cầu vay vốn sẽ được phân theo các chương trình cho vay: Chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn...

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên, việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần đa dạng ngành nghề, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến đến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Tiếp cận nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Từ đó đã góp phần phát triển kinh tế hộ, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc trong kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Agribank Chi nhánh Điện Biên phấn đấu đến cuối năm dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tối thiểu 70% trở lên. Để dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được khơi thông, thời gian tới đơn vị chủ động tăng cường các biện pháp huy động vốn, mở rộng lĩnh vực cho vay, chú trọng mở rộng đối tượng cho vay. Đồng thời, tăng cường duy trì mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để phát triển thị trường, thị phần cho vay hộ sản xuất và cá nhân, cho vay theo thỏa thuận, cho vay theo tổ và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Thi Nhân

Agribank tự hào là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022Agribank tự hào là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022
Deal xịn cho khách hàng trải nghiệm Ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ Agribank DigitalDeal xịn cho khách hàng trải nghiệm Ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ Agribank Digital
Tổ vay vốn – Nhịp cầu nối tín dụng tam nôngTổ vay vốn – Nhịp cầu nối tín dụng tam nông
Ngân hàng số Agribank tiến tới “phủ sóng” địa bàn cả nướcNgân hàng số Agribank tiến tới “phủ sóng” địa bàn cả nước
Agribank triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tới tiểu thươngAgribank triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tới tiểu thương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps