Triều Tiên và Trung Quốc tổ chức hội đàm cấp cao
Ông Choe Ryong-hae (trái), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên, tới sân bay Bắc Kinh ngày 22/5/2013 trong chuyến thăm Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ đồng minh
Vài ngày sau khi Washington và Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng phải có những hành động cụ thể để tiến tới mở lại các cuộc đàm phán chính thức, hôm qua, 17/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sẽ thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên vào ngày 19/6.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại sẽ tiếp quan chức ngoại giao cao cấp Triều Tiên Kim Gye-Kwan, một nhân vật đã quá quen thuộc với các chuyến đi Bắc Kinh để đàm phán về hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cuộc tiếp xúc trao đổi trên nằm trong khuôn khổ “đối thoại chiến lược” giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Mối quan hệ đồng minh giữa hai nước đã bị phai nhạt đi ít nhiều sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa và thử hạt nhân gần đây, thậm chí Bắc Kinh còn lên tiếng dọa sẽ bỏ rơi Bình Nhưỡng.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cử một đặc phái viên đến trao tận tay bức thư riêng của ông gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến đi này, phái viên Choe Ryong Hae đã bày tỏ với Chủ tịch Trung Quốc rằng Triều Tiên sẵn sàng có “hành động tích cực” để thông qua đối thoại giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên . Đáp lại, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh với đại diện Triều Tiên về sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên giữa hai miền Triều Tiên vẫn chưa có được sự tin cậy lẫn nhau. Seoul và Washington cho biết bất cứ cuộc hội đàm nào liên quan đến Bình Nhưỡng cần phải căn cứ trên việc “Triều Tiên sẽ tiến đến thực hiện đúng với những ràng buộc và nghĩa vụ” về giải trừ hạt nhân và vũ khí hạt nhân.
Hiện giới quan sát vẫn chưa rõ chủ đề của cuộc hội đàm lần này. Tuy nhiên, người ta tin rằng các cuộc họp của ông Kim Gye-Kwan tại Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bình Nhưỡng, là nhằm giúp Triều Tiên giảm căng thẳng mà không liên quan đến yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này.
S.Phương (Theo AFP)
-
Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ
-
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong huy động và sử dụng dòng vốn nội bộ
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
-
Chuyến thăm 4 nước của Tổng Bí thư tạo thêm động lực và nguồn cảm hứng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới