Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Cười mỉm, giấu dao

06:00 | 22/07/2013

759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ tiếp tục là cường quốc số một thế giới về kinh tế (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) khi GDP đạt 15.684 tỉ USD, Trung Quốc trụ vững vị trí thứ hai với 12.674 tỉ USD, còn Ấn Độ, Nhật Bản và Nga lần lượt xếp thứ ba, thứ tư và thứ năm với mức 4.793 tỉ USD, 4.490 tỉ USD và 3.380 tỉ USD. Bảng xếp hạng này cho thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động tại Biển Đông và biển Hoa Đông để thực hiện chiến lược trở thành cường quốc số một thế giới về kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ “linh hoạt xử lý” các tranh chấp và mâu thuẫn ở Biển Đông và biển Hoa Đông bởi các nước hữu quan đang bất bình với cách hành xử của Bắc Kinh.

Cố tình đánh lạc hướng dư luận

Ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) lại một lần nữa cáo buộc Manila đã thờ ơ với quyền và lợi ích của Bắc Kinh trong việc cố ý đưa tranh chấp Biển Đông ra trọng tài quốc tế. Đồng thời cáo buộc Philippines chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và rạn san hô trong quần đảo Trường Sa, là nguyên nhân trực tiếp của tranh chấp Trung Quốc - Philippines hiện nay.

Theo giới chuyên môn, Bắc Kinh đã cố tình đánh lạc hướng dư luận bằng việc không đề cập bản chất vụ kiện của Philippines - từ kiện Trung Quốc "áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông thông qua “đường lưỡi bò” vô lý và phi pháp” thành việc đưa "tranh chấp Biển Đông" ra trọng tài quốc tế.Nhưng trong khi cố gắng tìm cách bác bỏ tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 15/7, bà Hoa Xuân Oánh lại cố tình bỏ qua nội dung đặc biệt quan trọng khiến Manila “kiệt sức” trong nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc một cách hòa bình qua kênh chính trị, ngoại giao. Đồng thời đổ lỗi cho Philippines "gây rối", "bóp méo sự thật", "bôi nhọ Trung Quốc". Bắc Kinh phản đối Manila sử dụng Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) để giải quyết vấn đề.

Mỹ - Philippines tiến hành diễn tập quân sự liên hợp Balikatan - 2013

Theo Hãng Kyodo News (dẫn tài liệu mật của Chính phủ Philippines), Manila luôn cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bởi Trung Quốc luôn duy trì ít nhất 2 đến 3 tàu hải giám và 1 tàu khu trục nhỏ trong vùng lân cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và ít nhất 2 tàu chiến, 1 tàu đổ bộ cùng 4 tàu hải giám và ngư chính tại Biển Đông. Có tin nói rằng, Philippines đang gấp rút lên kế hoạch phòng ngừa, tăng cường năng lực quân sự trên biển vì lo ngại Trung Quốc sẽ phong tỏa, thậm chí chiếm bãi Cỏ Mây bởi Manila không muốn lặp lại kịch bản bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Theo đó, Manila đang nâng cấp các trang thiết bị quân sự, cùng lực lượng hải quân và không quân để tăng cường khả năng của quân đội Philippines trong vùng biển tranh chấp.

Tạp chí Liêu vọng (Trung Quốc) vừa đăng bài “Dục vọng của Philippines - Ý đồ của quân đội đứng thứ 31 thế giới” để giễu cợt khả năng quân sự của Philippines. Thậm chí còn cho rằng, Manila lấy vấn đề Biển Đông làm cái cớ để gia tăng ngân sách cho quốc phòng nhằm tìm sự ủng hộ của quân đội Philippines... Trong khi đó trang mạng "Học giả ngoại giao" Nhật Bản đưa tin (12/7), từ sự trùng hợp về tần suất, quy mô và thời gian diễn tập để phán đoán các cuộc diễn tập quân sự tổ chức gần đây ở biển Hoa Đông, rất dễ để đưa ra kết luận: Quan hệ tại khu vực này đang tiếp tục leo thang, đặc biệt là căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Khai đình xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc

Ngày 16/7, phiên tòa xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã chính thức bắt đầu tại The Hague, Hà Lan. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã có buổi họp đầu tiên hôm 11/7 với chương trình nghị sự chính là thông qua các quy định về tiến trình xét xử. Theo đó, Philippines và Trung Quốc sẽ phải đưa ra phản hồi về các quy định kể trên trước ngày 5/8. Theo giới truyền thông, trong vài tháng tới, thậm chí là nhiều năm tới vụ kiện này sẽ diễn ra tại Hague, Hà Lan và là tâm điểm chú ý của dư luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez cho biết, Manila đưa vụ việc ra tòa án quốc tế bởi thấy có lợi thế khi dựa vào quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Theo ông Raul Hernandez, lập trường của Philippines luôn là: Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc mang tính bành trướng, quá đáng và vi phạm luật pháp quốc tế.

Trung Quốc lại vừa có thêm một bước đi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi ngang nhiên tổ chức lễ cấp phát giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” hôm 17/7. Phó thị trưởng Phùng Văn Hải tuyên bố, sau đợt cấp phát này sẽ đẩy nhanh tiến độ, từng bước tiến tới cấp phát cho các điểm dân cư khác trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cũng trong ngày 17/7, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động uy hiếp tàu cá Việt Nam và đòi bồi thường cho các ngư dân. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sáng 7/7/2013, tàu Trung Quốc số hiệu 306 đã truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho người lên tàu khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản khi hai tàu này đang hoạt động nghề cá bình thường.

Trước đó (15/7), ông Raul Hernandez đã liệt kê 8 sự việc để phản bác lại tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra hôm 12/7 khi cáo buộc Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario “lừa dối dư luận” tại cuộc thảo luận bàn tròn về vấn đề Biển Đông hôm 9/7 ở Brussels (Bỉ). Trong đó nhấn mạnh, Philippines và Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi về tranh chấp Biển Đông từ khi hai bên tổ chức tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông lần thứ nhất năm 1995. Nhưng sau hơn 17 năm tham vấn, hai bên không đạt được tiến triển nào. Từ khi tàu Trung Quốc xâm nhập bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (tháng 4/2012), Manila đã tham gia gần 50 cuộc tham vấn với Bắc Kinh.

Ngày 15/7, tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) đăng bài viết của nhà nghiên cứu Tiết Lý Thái, tại Trung tâm Hợp tác và An ninh quốc tế, Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng, cuộc diễn tập quân sự liên hợp Carat-2013 trên Biển Đông giữa Mỹ và Philippines cho thấy, trong tương lai, bất kể ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hay bãi Cỏ Mây, Philippines không những sẽ không dễ dàng nhượng bộ, mà lập trường có thể kiên định hơn, cùng thái độ cứng rắn hơn. Bởi Manila cho rằng, một khi Trung Quốc và Philippines xảy ra xung đột quân sự do tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, khả năng Mỹ tiến hành can thiệp bằng các hình thức sẽ tăng lên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố tại Hội nghị Singapore rằng (tái khẳng định lập trường trước đó của Washington): 60% lực lượng không quân và hải quân Mỹ sẽ triển khai ở Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời ưu tiên triển khai những loại vũ khí cùng trang thiết bị tiên tiến nhất ở khu vực này.

Hợp tác, thương đàm kiểu nước lớn

Ngày 15/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, Trung Quốc luôn đặt điều kiện tiên quyết cho tất cả các cuộc đàm phán về Biển Đông - đòi đối phương phải thừa nhận toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc, sau đó đàm phán gì thì đàm phán! Đây mới thực sự là nguyên nhân của mọi bế tắc và căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Ông Raul Hernandez cũng thông báo, Philippines đã tổ chức gần 50 cuộc hội đàm với Trung Quốc kể từ khi căng thẳng bùng phát xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (từ tháng 4/2012). Nhưng do lập trường cứng nhắc của Trung Quốc nên đã phá hỏng các cơ hội đàm phán, buộc Philippines phải nhờ đến tòa án quốc tế để phân giải.

Ngày 16/7, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết, Washington và Manila đã mở rộng các cuộc đàm phán về hợp tác quân sự, trong đó có việc Mỹ có thể tài trợ Philippines xây dựng các cơ sở quân sự và cất giữ hàng cứu trợ nhân đạo của Mỹ tại nước này. Đại sứ Jose Cuisia tuy nhấn mạnh tới việc bác bỏ khả năng cho phép quân đội Mỹ thường trú tại Philippines, nhưng Manila sẽ cho phép máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ tiếp cận thường xuyên hơn các căn cứ quân sự của mình, trên cơ sở tạm thời và luân phiên, giúp Philippines nâng cao khả năng phòng thủ tối thiểu.

Giới bình luận cho rằng, việc Mỹ đang đàm phán một thỏa thuận để tăng cường triển khai binh lính và vũ khí ở Philippines trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila đang leo thang nghiêm trọng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông thực sự khiến dư luận quan tâm. Vì họ cho rằng, Mỹ đang lợi dụng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông để duy trì sự hiện diện tại khu vực này. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Philippines đang ảo tưởng về Mỹ tại Biển Đông. Trong khi đó tờ International Herald Tribune vừa đưa ra nhận định, Moskva thổi phồng quan hệ đối tác với Bắc Kinh, còn Trung Quốc coi đó là phương thức an ủi Nga và hai nước này coi nhau là đối thủ hơn là đồng minh.

Trung Quốc sợ bị bao vây

Giới truyền thông Trung Quốc đang lo ngại trước khả năng bị Mỹ - Nhật hợp tung liên hoành bao vây, làm suy yếu sức mạnh của nền kinh tế thứ hai thế giới. Theo ông Lưu Giang Dũng, chuyên gia các vấn đề Nhật Bản của Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản đang trở thành nhân tố bất xác định trong vấn đề an ninh của khu vực Đông Á. Bởi chính sách ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện nay nhằm bao vây Trung Quốc. Ngày 16/7, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận với giọng điệu hiếu chiến của ông Vương Nguyên Phong, Giáo sư Trường đại học Giao thông Bắc Kinh. Theo đó, chiến tranh cũng nên là thủ đoạn không thể bỏ qua để thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”. Ông Vương Nguyên Phong cho rằng, “giấc mơ Trung Quốc” có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của cả thế giới và để thực hiện điều này cần phải làm tốt công tác đối ngoại nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, xã hội Trung Quốc phát triển.

Diễn tập quân sự liên hợp trên biển Trung - Nga tháng 7/2013

Tờ The Globe and Mail ở Canada đưa tin (12/7), bất chấp những nụ cười trước ống kính truyền thông của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ - Trung đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai. Dẫn một nghiên cứu chi tiết đăng trên Tuần san các vấn đề quốc tế Yale mới đây, chuyên gia chính sách quân sự và xã hội học uy tín Amitai Etzioni cho rằng, chiến lược Không - Hải chiến chưa được phê chuẩn bởi Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang phải cân nhắc.

Theo ông Amitai Etzioni, trên thực tế các nhà ngoại giao và chính trị gia Mỹ vốn có ý chống lại chiến lược ẩn chứa nhiều nguy hiểm và rủi ro này. Bởi nếu Mỹ phát triển Không - Hải chiến để đối phó với Trung Quốc, Bắc Kinh buộc phải phát triển để chống lại kế hoạch này. Dư luận quan tâm tới thông tin nói rằng, ông Tập Cận Bình đã tái trọng dụng một số tướng lĩnh và cố vấn quân sự diều hâu, những người chủ trương một chiến lược quân sự dựa trên việc chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Ngày 17/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến thành phố Ishigaki quận Okinawa, đơn vị hành chính trực tiếp quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản đến thăm Ishigaki (kể từ năm 1972) và đây là thông điệp nhằm vào Trung Quốc - Tokyo không thay đổi lập trường đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Hãng Kyodo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ trình kế hoạch tăng cường khả năng tấn công đổ bộ và đánh đòn phủ đầu của Lực lượng Phòng vệ (SDF), khả năng đánh đòn phủ đầu để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo và phát triển các robot chiến đấu có thể được chuyển đổi để sử dụng trong các hoạt động cứu trợ thiên tai. Bộ Quốc phòng cũng cân nhắc việc mua máy bay vận chuyển quân mà không cần đường băng cất hạ cánh như MV-22 Osprey được thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.

Tokyo dự kiến cử Thứ trưởng Quốc phòng Akinori Eto tới Mỹ vào cuối tháng này để tham vấn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter về những kết quả đạt được trong việc điều chỉnh chính sách quốc phòng dài hạn của Nhật Bản, trong đó có việc tăng cường các chức năng của SDF trên biển. Việc này có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc vì việc SDF thành lập lực lượng tác chiến đổ bộ có thể bị xem như chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (14/7), một đội tàu chiến Trung Quốc (2 tàu chiến trang bị tên lửa, 2 tàu hộ tống và 1 tàu cung cấp nhiên liệu) lần đầu tiên bị phát hiện đang băng qua eo biển quốc tế Soya nằm giữa vùng biển phía bắc Nhật Bản và viễn đông của Nga.

Ngày 16/7, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm với Tập đoàn Dầu khí Anh (BP) ở lô 54/11 (trải rộng trên diện tích 4.500km2 ở vùng biển có độ sâu 1.300m), phía tây lưu vực sông Châu, trên Biển Đông. Cũng trong ngày 16/7, CNOOC trình Chính phủ Trung Quốc dự án phát triển 7 mỏ khí đốt mới theo Dự án Huangyan giai đoạn hai và Dự án Pingbei - đầu tư 5 tỉ USD để phát triển 7 dự án trên biển Hoa Đông tại khu vực mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đang thực hiện Dự án Huangyan (đầu tư lên đến 4,9 tỉ USD) giai đoạn một với hai mỏ khí đốt. Ngày 15/7, tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, Tokyo có kế hoạch tìm chủ nhân và đặt tên cho khoảng 400 hòn đảo xa để quốc hữu hóa chúng, cũng như củng cố các tuyên bố chủ quyền.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh