Trạm xá của người nghèo

12:52 | 25/12/2011

471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bản thân mang thương tật do chiến tranh để lại, vượt lên nỗi đau để đến với công việc chữa bỏng cứu người. Hơn 30 năm qua, anh Đào Viết Thoàn đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân bị bỏng và đều không để lại sẹo. Anh được mọi người gọi với cái tên thân mật "ông Thoàn thần y" hay "bồ tát của dân nghèo"...

Nghiệt ngã tuổi xuân

Dọc theo Quốc lộ số 10, chúng tôi tìm về “bệnh viện tư” chữa bỏng của anh Đào Viết Thoàn tại thôn Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tiếp chúng tôi đó là một người thương binh hạng 1/4, tuy bị hỏng một mắt, chân tập tễnh vì vết thương chiến tranh để lại nhưng trong ông vẫn toát lên tinh thần và nghị lực của người lính cụ Hồ năm xưa. Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, năm 1970 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Đào Viết Thoàn xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ đất nước, tham gia chiến đấu trong Lữ đoàn 408.

Cuối năm 1976, trong một trận đánh, xe tăng trúng đạn pháo, anh bị thương và bất tỉnh suốt 20 ngày. Anh được đồng đội đưa về điều trị tại Viện Quân y 108 và 103 với những vết thương rất nặng tưởng chừng như không thể qua khỏi. Anh bị chấn thương sọ não, khoét bỏ bánh chè chân phải, gãy xương sườn bên phải, mất toàn bộ hai cơ dép và cơ mông, hỏng một mắt và phải thay mắt giả. Anh được các bác sĩ Viện 103 điều trị “thí nghiệm” một loại thuốc sinh cơ, nuôi thịt được chế từ một ngôi chùa do sư cụ Thích Đàm Lương khởi xướng. Anh xin phép bệnh viện đến chùa Thắng tại Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội để sư cụ đắp thuốc. Và anh được chữa trị khỏi.

Trong quá trình ở chùa, anh vừa được chữa bệnh, vừa được học hỏi và được đọc nhiều tài liệu y học, dược học với mục đích chữa vết thương cho mình. Sau một thời gian dài, thấy anh là người có nghị lực, tư tưởng vững vàng, vừa có tâm lại có đức, có tố chất trở thành người thầy thuốc cứu nhân độ thế, sư cụ đã thu nhận anh làm đệ tử và truyền lại những bí quyết chế thuốc và cách chữa bệnh của loại thuốc bí truyền này.

Sau 5 năm vừa điều trị vết thương, học hỏi kinh nghiệm chữa bệnh, vết thương đã khỏi và anh đã thành thạo trong cách chế thuốc và phương pháp điều trị. Năm 1987 anh trở về quê hương với tài sản quý giá nhất là bài thuốc chữa bỏng bí truyền. Anh bắt đầu điều trị và cứu chữa cho các bệnh nhân bị bỏng gần nhà.

"Ông bụt” của dân nghèo

Anh Đào Viết Thoàn đang điều trị cho bệnh nhân bị bỏng

Từ ca chữa bệnh đầu tiên cho một người hàng xóm bị bỏng nước sôi, tới nay, sau 21 năm chữa bệnh cứu người anh đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị bỏng. Cùng với việc đắp thuốc vào vết thương có tác dụng làm mát và hạn chế mức thấp nhất đau đớn cho bệnh nhân. Do đó, vết thương bỏng được anh điều trị rất nhanh liền, không để lại di chứng, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm kinh phí cho bệnh nhân.

Anh Nguyễn Văn Hưng ở Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình bị bỏng nặng ở vùng chân do ống xả xe máy cho biết: “Do bị tai nạn xe máy, bị bỏng nặng ở vùng bắp chân, được mọi người giới thiệu đến đây tôi được bác Thoàn khám và điều trị, sau 7 ngày vết thương của tôi đã đỡ và đang dần hồi phục”. Chị Nguyễn Thị Mạnh, xã Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình bị bỏng nước sôi với tỉ lệ bỏng 70%, sau 12 ngày được anh Thoàn điều trị vết thương đã bắt đầu lên da non.

Anh Thoàn cho biết: “Số lượng người bị bỏng ngày càng tìm đến anh nhiều hơn. Gia đình dành riêng một gian nhà rộng 30m2 để làm khu điều trị nội trú cho các bệnh nhân nặng”. Ngoài các bệnh nhân đến khám chữa bệnh thông thường, đối với những bệnh nhân nghèo, người tàn tật, đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam anh đều miễn hoàn toàn tiền thuốc cho họ.

Đến tháng 5/2010, anh đã điều trị cho 18.298 ca bị bỏng, trong đó miễn phí cho 1.268 bệnh nhân. Miễn tiền công khám cho 5.224 bệnh nhân là người nghèo và các cháu nhỏ. Miễn toàn bộ giường nằm, điện nước và chất đốt cho 10.500 bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày tại gia đình ông có khoảng 40 trường hợp bị bỏng tới khám và điều trị. Ngôi nhà và khuôn viên rộng gần 700m2 của gia đình như một trạm xá với phòng khám và khu điều trị nội trú và ngoại trú.

Với tấm lòng y đức trong quá trình cứu chữa bệnh nhân của mình anh luôn được mọi người biết ơn và tôn trọng. Trong nhiều năm liền anh luôn nhận được bằng khen, giấy khen từ các cấp. Ngày 23/9/2009 anh vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì “đã có thành tích suất sắc trong công tác xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Trung Dũng