Trách nhiệm xã hội

13:24 | 19/07/2012

443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hội nghị ngành ngân hàng (NH) ngày 7/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) từ ngày 15/7 phải xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ trước khi thực hiện cơ chế áp trần lãi suất cho vay xuống ít nhất là 15%/năm.

Ngày 15/7, các ngân hàng như NHTM CP Eximbank, SHB… đã thông báo giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về tối đa 15%/năm từ 15/7. Ngoài ra, các NHTM lớn như: VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV cũng đã thông báo giảm lãi suất theo đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Liệu các NHTM chấp nhận thể hiện trách nhiệm xã hội, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp?

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quyết định này của Thống đốc chỉ là gợi ý chỉ đạo bởi còn quá nhiều biến số ở phía trước. Thứ nhất, thế nào là khoản vay cũ, xác định theo thời điểm nào? Thứ hai, yêu cầu điều chỉnh đó có phân loại hay không, áp cho riêng các nhóm lĩnh vực cụ thể hay dàn hàng ngang? Thứ ba, tính thực tế khi triển khai như thế nào bởi có thể có sự đối phó, nhất là liên quan đến bài toán lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Vậy, liệu các NHTM chấp nhận thể hiện trách nhiệm xã hội, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp?

Trước hết, đây là một tình huống phát sinh. Cơ cấu vốn huy động và cho vay của các ngân hàng có tính chất gối đầu, khó có một lát cắt gọn gàng, chính xác một mức lãi suất cho tổng huy động, tổng cho vay để cân đối và tính toán ra đáp án tuyệt đối; có thể xác định theo lãi suất bình quân, nhưng cơ cấu nguồn vốn theo các kỳ hạn khác nhau lại dẫn đến những đánh giá khác nhau.

Đến thời điểm này lãi suất huy động ở khoảng 9 – 12%/năm, lãi suất cho vay ra có thể từ 13 – 15%/năm. Nhưng thực tế lãi suất các khoản vay cũ hiện vẫn cao, 17 – 18 – 19%/năm, thậm chí trên 20%. Nguyên do, phần lớn nguồn vốn huy động trước đó các ngân hàng phải chịu lãi suất phổ biến 14%/năm chưa tính phần đội lên do có thể thỏa thuận vượt trần trước đây.

Có một độ trễ để trung hòa dần chi phí huy động vốn, khi lãi suất huy động bắt đầu giảm từ tháng 4/2012, đến nay đã được 3 tháng. Liệu việc trung hòa đó hiện đã đáng kể để đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay tương ứng một cách sòng phẳng? Hay các ngân hàng vẫn đang sống với quá khứ, tranh thủ lãi suất cao các khoản cho vay cũ để bớt áp lực bài toán lợi nhuận?

Tạm tính, lãi suất các khoản này cuối năm 2011 là 19 – 20%/năm; qua các kỳ điều chỉnh hiện bình quân giả sử còn khoảng 18%/năm. Trong tình huống trên, tất cả phải rút về 15%/năm, các ngân hàng mất 3%/năm. Số lợi nhuận mà các ngân hàng thương mại có thể “mất đi” tối đa tính cho 6 tháng cuối năm là 16.500 tỉ đồng thực sự nới lỏng hầu bao gỡ khó và sẻ chia lợi ích với doanh nghiệp.

Nhưng có một điều được các doanh nghiệp đều khẳng định là việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ dù mức độ nào cũng đều có giá trị cho người vay, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay có tác động tích cực là làm cho DN bớt áp lực nặng nề về lãi suất, mạnh dạn hơn trong vay vốn, phần nào giúp các NHTM giải tỏa bớt tình trạng “vốn thừa, doanh nghiệp không dám vay” hiện tại.

Bước đầu, số doanh nghiệp được thông báo hạ lãi suất mới chỉ đếm trên đầu ngón tay vì hầu hết các chi nhánh NHTM vẫn đang “chờ hướng dẫn”, nhưng dẫu sao cũng có cơ sở để hy vọng.

Bảo Giang