TP HCM sẽ có tuyến xe buýt nhanh đầu tiên vào năm 2017

18:49 | 05/08/2013

707 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm nâng cao vận tốc tham gia giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TP HCM đã bổ sung thêm mạng lưới BRT (xe buýt nhanh – Bus Rapid Transit) vào Đồ án quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 tầm nhìn sau 2020.

TP HCM đang triển khai thực hiện tuyến BRT (sử dụng nhiên liệu CNG) xuất phát từ Bến xe miền Tây, chạy dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt và kết nối với nhà ga của tuyến Metro số 1 tại khu vực ngã ba Cát Lái (quận 2).

BRT có làn đường riêng sẽ lưu thông nhanh và an toàn hơn

Theo sở GTVT TP HCM, hiện dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành sớm quá trình nghiên cứu, sau đó đề xuất với Ngân hàng Thế giới đưa vào dự kiến cho vay trong năm 2015. Nếu các bước đi thuận lợi thì thành phố sẽ bắt tay làm ngay và sau hai năm thi công, đến 2017 sẽ có tuyến BRT đầu tiên.

Mới đây, tổ chức Koica của Hàn Quốc đã hỗ trợ thành phố nghiên cứu 8 tuyến BRT trải đều khắp thành phố. Các chuyên gia cho rằng, cả 8 tuyến này đều khả thi về mặt kinh tế đối với TP HCM nên phải triển khai sớm, đặc biệt là tuyến chợ Bến Thành – bến xe An Sương.

Nhiệm vụ của quy hoạch phát triển GTVT TP HCM là phát triển hệ thống BRT, nhưng chỉ mới nằm trong kế hoạch. Sở GTVT TP HCM cho biết BRT sẽ được triền khai đầu tư mạnh mẽ khi TP HCM thẩm định xong các tuyến và thu xếp được nguồn vốn đầu tư.

Việc xây dựng hệ thống BRT ngoài giải quyết được các vấn đề giao thông của TP HCM, còn có tác dụng giảm thiểu lượng khí thải nhà kính bởi người sử dụng xe máy chuyển sang đi xe buýt. Đặc biệt, BRT sử dụng loại khí nén thiên nhiên CNG thân thiện với môi trường.

Điển hình góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch CNG cho toàn bộ xe ôtô tại các đơn vị thành viên Tập đoàn trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ là nơi thí điểm cho tuyến BRT đầu tiên

Nếu so sánh về kinh tế thì chi phí nhiên liệu CNG (hơn 46,1 USD) thấp hơn diesel (hơn 81,9 USD) cho nên hằng năm sẽ tiết giảm lên đến hơn 43% chi phí. Ngoài ra, CNG nhẹ hơn khí, dễ khuếch tán và nguy cơ cháy nổ thấp. Khí thải và tiếng ồn được giảm thiểu.

Tuy nhiên, việc áp dụng BRT ở TP HCM còn nhiều hạn chế như diện tích đường còn nhỏ, số đường có bề rộng đủ lớn để dành riêng một làn cho BRT là không nhiều. Vì vậy, Sở GTVT dự kiến sẽ tổ chức hệ thống BRT với nhiều làn đường khác nhau, không nhất thiết phải dành đường riêng cho phương tiện này.

Đối với đường lớn, sẽ thiết kế dành hẳn một làn cho BRT. Đường nhỏ thì sẽ có làn ưu tiên, các phương tiện khác phải nhường cho BRT lưu thông. Hoặc BRT cùng lưu thông chung trên một tuyến đường nếu lượng xe quá lớn.

N.H