TP HCM kiểm tra các điểm bán thuốc bình ổn giá

20:18 | 11/04/2012

2,228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 11/4, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP HCM đã tiến hành kiểm tra việc triển khai bán thuốc bình ổn giá trên địa bàn. TP HCM hiện có 3.687 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trong đó có 1.383 nhà thuốc tham gia vào chương trình bình ổn, chiếm tỷ lệ 30%.

Sáng nay, Sở Y tế thành phố đã kiểm tra việc bán thuốc bình ổn tại 9 nhà thuốc ở các quận: 3, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Tân Bình. Các nhà thuốc đều cơ bản thực hiện tốt việc bán hàng bình ổn.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan kiểm tra tại nhà thuốc Bảo Quỳnh, quận 3

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, hiện có 9 doanh nghiệp dược trong nước tham gia vào Chương trình bình ổn giá, với 13 nhóm thuốc, 85 mặt hàng, tăng 40 mặt hàng so với năm 2011. Bên cạnh các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, thuốc trị ho, chống dị ứng, trị đau dạ dày thông thường còn có nhiều loại kháng sinh và thuốc trị bệnh mạn tính, góp phần ổn định thị trường.

Theo nguyên tắc thị trường, các nhà thuốc có quyền tự định giá bán. Tuy nhiên, với chương trình bình ổn giá, hy vọng các nhà thuốc tham gia vào chương trình có thể góp phần dẫn dắt thị trường, không xảy ra hiện tượng nhà thuốc tự nâng giá thuốc quá cao.

Các nhà thuốc không tham gia vào chương trình bình ổn cũng được hưởng lợi từ chương trình này vì họ có thể mua thuốc với giá bình ổn của từ các doanh nghiệp dược tham gia bình ổn giá.

Bà Nguyễn Minh Trân – Công ty Euvipharm cho biết: Năm ngoái, Euvipharm có 6 mặt hàng tham gia bình ổn, năm nay tăng thêm 15 mặt hàng, trong đó bổ sung thêm các loại thuốc trị bệnh tim mạch, thuốc kháng sinh… Giá cả ổn định, đảm bảo thấp hơn giá thị trường 10 – 15%.

Nhà thuốc tham gia vào chương trình bình ổn giá

Dược sĩ Nguyễn Minh Phụng – Nhà thuốc tư nhân Minh Phụng (quận 12) cho biết: Nhà thuốc mới tham gia vào chương trình bình ổn trong năm nay nên lượng khách đến hỏi mua thuốc bình ổn chưa nhiều. Thuốc bình ổn có 2 nhóm; nhóm thuốc thông thường không cần kê đơn thì các nhân viên ở nhà thuốc có thể giới thiệu cho người dân, còn lại là nhóm thuốc điều trị bệnh mạn tính như: tim mạch, huyết áp, mỡ máu… thì đòi hỏi phải có bác sĩ kê đơn. Việc gia tăng các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính trong chương trình bình ổn giúp người dân bớt lo lắng với giá thuốc, vì với các bệnh mạn tính người dân phải sử dụng thuốc trong thời gian dài và thuốc thường có giá khá cao.

Tuy nhiên, người dân nước ta thường có thói quen, bệnh nhẹ thì ra hiệu thuốc để dược sĩ tư vấn bán thuốc; bệnh nặng thì đi khám ở bệnh viện, bác sĩ kê toa như thế nào thì mua như thế chứ không ai nghĩ phải lựa chọn thuốc nào uống để tiết kiệm và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là quản lý việc kê toa thuốc, khuyến khích bác sĩ, dược sĩ ưu tiên giới thiệu các loại thuốc nội chất lượng, giá cả hợp lý. Có như thế mới phát huy được hiệu quả của chương trình bình ổn giá thuốc.

Mai Phương