Tội phạm có tổ chức – Nỗi bất an của xã hội (phần 1)

15:27 | 15/02/2019

1,930 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các băng nhóm tội phạm đã phát triển với số lượng thành viên khá đông (có thể lên tới hàng chục đối tượng). Một số ít băng nhóm có những tên cầm đầu có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cơ quan pháp luật.

Hoạt động của tội phạm có tổ chức ở Việt Nam xuất hiện từ thời Pháp thuộc và phát triển mạnh tại miền Nam, Việt Nam vào thời kỳ Mỹ - Ngụy. Từ đó cho đến nay, loại hình tội phạm này vẫn đang có diễn biến hết sức phức tạp, là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Điều đó khiến cho cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức ở Việt Nam ngày càng khó khăn, nguy hiểm hơn.

1. Sự hình thành, phát triển của các tổ chức tội phạm ở Việt Nam

Qua thực tiễn đấu tranh, có thể khái quát được sự hình thành và phát triển của các tổ chức tội phạm có quy mô lớn ở Việt Nam theo 4 giai đoạn chính sau:

- Giai đoạn 1: Hình thành các tổ chức tội phạm

Một số đối tượng (đa số là đã có tiền án, tiền sự) tập hợp lại thành nhóm với số lượng thành viên còn khá ít (từ 3 đối tượng trở lên), gây ra các vụ án ít nghiêm trọng như: trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... Do đó, sự liên kết giữa các thành viên chưa chặt chẽ, dễ bị tan rã. Cấu trúc của tội phạm có tổ chức còn đơn giản, chưa hoàn chỉnh, gồm 2 cấp là tên chỉ huy và các thành viên, hoặc chỉ là sự liên kết của một số đối tượng cùng nhau gây án; do đó còn gọi tắt là “băng nhóm tội phạm”.

Trong giai đoạn này, đa số các băng nhóm thường gây án với phương thức, thủ đoạn manh động, chiếm đoạt được tài sản thì ăn chia ngay, hoặc cùng nhau chơi bời đến hết lại đi gây án tiếp, không có sự tính toán, tầm nhìn xa cho sự tồn tại lâu dài của tổ chức. Do vậy, phần lớn các băng nhóm đều bị điều tra, bắt giữ và truy tố trước pháp luật sau khi gây ra một vài vụ án.

- Giai đoạn 2: Củng cố lực lượng, tạo dựng thanh thế:

Các băng nhóm tội phạm đã phát triển với số lượng thành viên khá đông (có thể lên tới hàng chục đối tượng). Một số ít băng nhóm có những tên cầm đầu có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cơ quan pháp luật, giúp băng nhóm của mình không bị tan vỡ, tiếp tục tồn tại và phát triển. Sau đó, các băng nhóm tội phạm tiếp tục mở rộng tổ chức, tạo dựng thanh thế và gia tăng địa bàn hoạt động của mình. Điều này cho thấy các băng nhóm này đã có tầm nhìn xa hơn cho sự tồn tại lâu dài của tổ chức.

Mọi hoạt động phạm tội đều được được tính toán kỹ, lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi hành động, đảm bảo không có sơ xuất. Các tên cầm đầu điều hành tổ chức bằng “luật rừng” hay “luật giang hồ” với kỷ luật thép. Những tên vi phạm kỷ luật sẽ bị trừng trị rất nghiêm khắc hoặc bị loại ra khỏi tổ chức. Để tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật, một số băng nhóm chọn cách gây ra những loại án khó bị phát hiện, những vụ án không có người bị hại (buôn bán ma túy, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức mại dâm...); những loại án mà bị hại không biết mình là bị hại (cưỡng đoạt tài sản thông qua hình thức bảo kê ở các chợ, bến bãi, nhà hàng); những loại án mà người bị hại cũng là người có lỗi (đòi nợ thuê); các loại án mà người bị hại khó có điều kiện tố cáo chúng (mua bán người ra nước ngoài làm gái mại dâm). Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi về “chất” của một số băng nhóm tội phạm có tổ chức với cấu trúc chặt chẽ hơn, lực lượng đông hơn và kỷ luật cao hơn. Điển hình của loại tội phạm này là đối tượng MInh "Sâm".

Minh "sâm" chính là cái tên gây chấn động dư luận thời điểm gần đây. Kể từ sau khi bị lột mặt nạ doanh nhân thành đạt, Minh "sâm" đã lộ nguyên hình một ông trùm nguy hiểm và đầy thủ đoạn. Vụ việc Minh "sâm" bị bắt giữ và đang phải đối diện với hàng loạt tội danh nghiêm trọng không chỉ khiến dư luận xôn xao mà còn khiến giới "hắc đạo" miền Bắc rung động.

toi pham co to chuc noi bat an cua xa hoi phan 1

Đối tượng Minh "Sâm"

Tuy nhiên, trên cơ sở các việc làm của Minh “Sâm” người ta cho rằng, hắn còn nguy hiểm hơn cả Năm Cam và nếu như không bị bắt giữ sớm, không ai biết được ông trùm đất Kinh Bắc sẽ còn tung hoành ngang dọc và mang lại những mối nguy hại như thế nào đối với xã hội. Thâu tóm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, thu "tiền luật" từ các xe chở nguyên liệu, thành phẩm ra vào địa bàn y cai quản, bao tiêu sản phẩm từ các hộ kinh doanh với mức giá tự mình đặt ra chỉ là một phần nhỏ trong "cách làm ăn" của Minh "sâm". Số tài sản hàng trăm tỷ của y đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng có một điểm chung là ít nhiều đều có sự dính dáng của những "bàn tay sắt". Minh "sâm" chính là ví dụ điển hình cho những đối tượng "giang hồ cổ cồn trắng".

- Giai đoạn 3: Tăng cường tài chính, tạo vỏ bọc hợp pháp và sự che chở, hoàn chỉnh về mặt tổ chức

Các tổ chức tội phạm đã phát triển khá hoàn thiện, có đủ dấu hiệu của một tổ chức tội phạm thực thụ với số lượng thành viên đông từ hàng chục đến hàng trăm tên và chia làm 3 cấp: cấp cầm đầu, cấp chỉ huy và các thành viên; có quy ước, điều lệ hoạt động; có cố vấn giúp việc về pháp luật, chính trị, kinh tế (luật sư, nhà kinh tế học, nhà báo...).

Do có cấu trúc 3 tầng nên việc chỉ đạo thực hiện tội phạm được tổ chức rất quy củ, chặt chẽ. Nếu vụ việc bị cơ quan pháp luật phát hiện, khởi tố điều tra thì chỉ những tên trực tiếp thực hiện tội phạm mới chịu hình phạt trước pháp luật. Các tên cầm đầu, chỉ huy do chưa bị bắt nên sẽ tìm cách chạy tội, tiếp tế, chăm sóc, nuôi dưỡng gia đình, con cái cho những tên bị bắt trong thời gian chúng bị giam giữ.

(Còn tiếp)

Thiên Phú