Toàn cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Donbass

07:06 | 12/04/2021

365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi tình hình ở Donbass tiếp tục trở nên tồi tệ hơn sau cái chết của cậu bé Vladislav, bị máy bay không người lái của quân đội Ukraine giết hại hôm 3/3, căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa Nga và phương Tây.
Toàn cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Donbass
Biếm họa căng thẳng Nga-Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine

Leo thang quân sự tiếp tục ở Donbass

Nếu sau cái chết của cậu bé Vladislav ở Alexandrovskoye, các cuộc bắn phá của quân đội Ukraine nhằm vào lãnh thổ của DPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk) giảm đi một chút, thì sự leo thang đã tiếp tục trở lại chỉ 72 giờ sau thảm kịch này. Trong ngày 6/4, quân đội Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn 8 lần và bắn 87 quả đạn cối, trong đó có 16 quả 120 mm và 82 mm vào lãnh thổ của DPR. Những đợt tấn công này đã làm hư hại một ngôi nhà và gây mất điện thị trấn Vassilievka ở DPR. Nhà máy xử lý nước thải ở Donetsk cũng bị quân đội Ukraine nã đạn, buộc các nhân viên phải trú ẩn trong các hầm trú bom, điều này dẫn đến việc cung cấp nước bị cắt giảm.

Ngoài những tội ác chiến tranh này và vi phạm các thỏa thuận Minsk của quân đội Ukraine, còn có sự vi phạm điểm đầu tiên trong các biện pháp kiểm soát ngừng bắn bổ sung được Kiev ký vào tháng 7 năm 2020, đó là việc cấm “bất kỳ hoạt động tấn công hoặc do thám nào”. Trước đó, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tiết lộ rằng vào ngày 4 tháng 4, lợi dụng trời tối, mưa và sương mù, một nhóm 3 binh sĩ Ukraine đã cố gắng thực hiện một chiến dịch trinh sát đối với bom mìn được cài đặt giữa các vị trí của quân đội Ukraine và những dân quân Donetsk gần Choumy. Tuy nhiên, các binh sĩ DPR đã nhanh chóng phát hiện ra nhóm trinh sát Ukraine và để họ tiếp cận. Khi những kẻ phá hoại đến đủ gần, các binh sĩ DPR đã nổ súng, giết chết 1 binh sĩ Ukraine và khiến 2 người còn lại bỏ chạy, được cho là bị thương. Người lính thiệt mạng được xác định là Igor Baïtala, lính đặc công thuộc Tiểu đoàn Xung kích Núi 8 thuộc Lữ đoàn 10 Lục quân Ukraine. Các vật liệu tìm thấy trên người này cho thấy có vẻ như mục tiêu của nhóm binh sĩ Ukraine là tìm hoặc dọn một lối đi an toàn tới vị trí của lực lượng DPR, và đặt các loại mìn hoặc thiết bị nổ khác. Theo điểm thứ nhất trong các biện pháp kiểm soát ngừng bắn bổ sung, người ta có thể hiểu tại sao chính quyền Ukraine đã công bố một phiên bản khác cho tình huống trên, vì điều này rõ ràng giúp Kiev thực hiện kế hoạch leo thang tình hình ở Donbass.

Đảo ngược cáo buộc và tuyên truyền chiến tranh

Và trong khi tình hình ở Donbass tồi tệ hơn do lỗi của Kiev, Ukraine và đặc biệt là phương Tây đang ngược lại cáo buộc và sử dụng tuyên truyền và dối trá trên quy mô lớn để đổ lỗi cho Nga làm leo thang căng thẳng. Chẳng hạn, các phương tiện truyền thông phương Tây liên tục đưa tin rằng Ukraine muốn hòa bình và chính Nga là bên phải chịu trách nhiệm về sự leo thang tình hình ở Donbass, với sự phủ nhận về tội ác chiến tranh của quân đội Ukraine (ví dụ khi họ coi cái chết của cậu bé Vladislav là tin giả, hoặc bịa ra những cái cớ ngụy tạo để giải thích cho cái chết của đứa trẻ và do đó xóa tội cho những người lính Ukraine), và sự đảo ngược cáo buộc cùng với chứng mất trí nhớ có chọn lọc.

Chẳng hạn, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Liberation (Pháp), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, Dmitri Kouleba nói: "Ukraine không muốn chiến tranh, chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang căng thẳng". Trong bài báo này, ông Kouleba tuyên bố rằng Ukraine cam kết giải quyết hòa bình và ngoại giao cho cuộc xung đột ở Donbass và rằng "mặc dù có nhiều đề xuất mang tính xây dựng, Nga từ chối tái tham gia vào một lệnh ngừng bắn". Tuyên truyền của Ukraine nhằm mục đích khiến mọi người tin rằng Ukraine là nạn nhân và Nga là kẻ xâm lược.

Theo Sputnik, việc tuyên truyền được bôi trơn kỹ càng này lại mâu thuẫn với thực tế vì nhiều lý do.

1) Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột, như Thỏa thuận Minsk đã chỉ ra. Điều mà ông Kouleba cố rao giảng là Moscow phải áp dụng các thỏa thuận này. Những bên duy nhất có thể áp dụng lệnh ngừng bắn là Ukraine, DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Luhansk). OSCE, Pháp, Đức và Nga chỉ là những bên hòa giải và bảo đảm cho các thỏa thuận Minsk.

2) Ukraine đã không đưa ra bất kỳ đề xuất mang tính xây dựng nào, mà là những đề xuất hoàn toàn ngược lại có tính chất phá hoại, nhằm phá hoại việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Ví dụ họ vi phạm hơn 75% các thỏa thuận Minsk.

3) Nếu Ukraine thực sự cam kết giải quyết hòa bình và ngoại giao cho cuộc xung đột ở Donbass, tại sao họ từ chối quay lại bàn đàm phán chừng nào Maya Pirogova (đại diện phái đoàn của công chúng từ Donetsk nhưng bị Kiev buộc tội là khủng bố) là một phần của phái đoàn DPR? Từ khi nào việc áp đặt lựa chọn của một người lên các nhà đàm phán của bên kia đối với cuộc xung đột, bằng cách lên án một đại diện đối lập vắng mặt vì tội khủng bố đã là một quan điểm mang tính xây dựng, đơn giản chỉ vì Maya Pirogova là một phần của cơ quan điều hành cuộc xung đột? Như Bộ trưởng Ngoại giao DPR Natalia Nikonorova đã chỉ ra, điều rất thực tế là ở Kiev chỉ cần kết tội tất cả các thành viên của phái đoàn DPR và LPR về tội khủng bố là có thể loại bỏ tất cả các đại diện của các nước cộng hòa Donbass khỏi bàn đàm phán, hoặc để ngăn chặn các cuộc thảo luận.

Nếu Ukraine thực sự muốn thực hiện Thỏa thuận Minsk, tại sao Phó Thủ tướng Ukraine Alexei Reznikov lại nói rằng Kiev sẽ không cử các nhà đàm phán đến Minsk ngay cả khi lệnh phong tỏa vì Covid-19 kết thúc với lý do Belarus đang dẫn đầu một "luận điệu thù địch" chống lại Ukraine, do đó rút khỏi thực tế quá trình đàm phán?

4) Nếu Ukraine không muốn chiến tranh, thì tại sao các tay súng bắn tỉa của họ lại giết những người già ở Donbass? Tại sao những người lính Ukraine lại sử dụng máy bay không người lái để giết những đứa trẻ 4, 5 tuổi? Tại sao quân đội Ukraine không tôn trọng các biện pháp kiểm soát ngừng bắn bổ sung và tìm kiếm lối đi an toàn qua các bãi mìn dẫn đến các vị trí của DPR? Tại sao các nhà chức trách ở Kiev không công bố đầy đủ và chính xác văn bản của các biện pháp này? Tại sao quân đội Ukraine bắt đầu gia tăng các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn kể từ đầu năm 2021, buộc DPR và LPR phải đáp trả để bảo vệ dân thường? Tại sao quân đội Ukraine vi phạm trước tiên trong việc rút quân và trang bị, như được công nhận bởi các phương tiện truyền thông Ukraine? Tại sao quân đội Ukraine đã gửi một số lượng lớn vũ khí hạng nặng và thiết bị quân sự đến Donbass trong hơn một tháng qua? Tất cả những sự thật này chứng minh rằng Ukraine muốn chiến tranh chứ không phải ngược lại!

Các phản ứng của các nhà ngoại giao và chính trị Nga cũng như việc di chuyển quân đội Nga gần biên giới với Ukraine chỉ là phản ứng đối với lời nói và hành động của Ukraine. Bên đầu tiên tích lũy vũ khí hạng nặng và số lượng lớn thiết bị quân sự gần tiền tuyến là Ukraine. Các động thái về phía Nga đã không diễn ra trước đó. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây đều đồng loạt đưa tin tuyên truyền, chỉ trích phản ứng của Nga mà quên mất nguyên nhân của phản ứng này, đó là sự leo thang do Ukraine bắt đầu!

Sự bóp méo hoàn toàn sự thật này của các phương tiện truyền thông phương Tây giúp Ukraine trong hoạt động truyền thông nhằm biện minh cho cuộc tấn công mà họ đang chuẩn bị. Các phương tiện truyền thông phương Tây đồng lõa với Kiev, cho phép Kiev đóng vai nạn nhân nhờ vào trò ảo thuật gây mất trí nhớ có chọn lọc! Tất cả các dữ kiện cho thấy chính Ukraine phá hoại cuộc đàm phán và làm gia tăng căng thẳng ở Donbass hoàn toàn và đơn giản là "bị lãng quên", do đó có thể trình bày Kiev ở một góc độ tích cực là nạn nhân của sự xâm lược của Nga trong tưởng tượng. Nhờ thủ thuật này, các chuyên gia giả mạo của NATO như Hội đồng Đại Tây Dương có thể dễ dàng tuyên bố rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine trong những ngày hoặc giờ tới.

Toàn cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Donbass

Căng thẳng giữa Nga, Ukraine và phương Tây

Sự thao túng truyền thông này đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện đang trở nên căng thẳng. Mỹ và EU nói rằng họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong trường hợp Nga gây hấn. Nhận thấy Mỹ là “ông chủ” thực sự ở Ukraine, Nga đã giải thích rất lâu với Washington về sự leo thang tình hình ở Donbass và cảnh báo về hậu quả của các chính sách của nước này. Nhưng có vẻ như những mệnh lệnh của Mỹ, nguyên nhân dẫn đến sự leo thang căng thẳng ở Donbass, mạnh hơn những lời cảnh báo của Moscow. Thật vậy, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine có mặt tại Donbass từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 4 để thăm các căn cứ của quân đội Ukraine. Phái đoàn Mỹ tất nhiên được các nhà báo tháp tùng để ghi lại những vi phạm lệnh ngừng bắn.

Thái độ của EU khi nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác của Ukraine, trên thực tế là theo Washington, cũng bị Nga chỉ trích gay gắt. “Về những tuyên bố của giới lãnh đạo Ukraine, nhiều bài báo và báo cáo phân tích đã được đăng tải về chủ đề này. Chúng tôi lo ngại về tình huống này, chúng tôi cũng đang nói về nó với các đồng nghiệp châu Âu và chúng tôi hy vọng rằng họ cũng hiểu những gì đang xảy ra ở Washington. Thật không may, cho đến nay các hành động và phản ứng của các đồng nghiệp phương Tây đối với việc xây dựng quân đội và tái bố trí quân đội đến đường dây liên lạc ở Donbass thật đáng thất vọng. Trong tất cả các lần xuất hiện, các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi luôn cho rằng cần phải hỗ trợ chính quyền Ukraine bằng mọi cách có thể, kể cả những hành động và tuyên bố tuyệt đối không thể chấp nhận được của họ”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.

Bình luận về tuyên bố chung của các ngoại trưởng Pháp và Đức, những người đã chỉ trích các chuyển động của quân đội Nga và ủng hộ Ukraine mà không lên án cái chết của cậu bé Vladislav, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kossatchev cho rằng lập trường của các nước châu Âu về cuộc xung đột ở Donbass chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”. “Chừng nào phương Tây vẫn giữ im lặng, Kiev sẽ mặc định coi quan điểm đó như một phương án xác thực cho một chiến dịch quân sự, cho việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ bằng vũ lực. Lập trường của Nga là không vũ lực, chỉ đối thoại trực tiếp giữa các bên xung đột. Điều này không xuất hiện trong tuyên bố của hai bộ trưởng Pháp và Đức, và theo nghĩa này chỉ đổ thêm dầu vào lửa xung đột”, thượng nghị sĩ Kossatchev tuyên bố.

Ông cũng nói thêm rằng hậu quả của quan điểm hiện tại của Đức và Pháp, khi họ nhấn mạnh sự cần thiết - chỉ đối với Nga - thực hiện các thỏa thuận Minsk, “loại bỏ mọi chỉ trích từ Ukraine và phớt lờ những người dân ở đông nam nước này”. “Đây là điều thực sự nghiêm trọng. Và nó không chỉ là thái độ đạo đức giả trong cách tiếp cận của phương Tây. Vấn đề là, mọi người đã chết ở Đông Nam Ukraine trong 7 năm qua. Thảm kịch của Nam Tư, bắt đầu vào tháng 12 năm 1991 sau khi bên ngoài công nhận nền độc lập của Croatia và Slovenia, chỉ kết thúc sau 10 năm”, ông Kossatchev nhấn mạnh.

Kiev và các nước phương Tây đang cố gắng bằng mọi cách để khiến Nga phải chịu trách nhiệm về sự leo thang tình hình và cuộc tấn công trong tương lai của Ukraine ở Donbass, nhằm biện minh cho việc dừng dự án Nord Stream 2, vốn từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Washington.

Theo các chuyên gia, Ukraine rồi sẽ nhận ra rằng họ đơn độc đối mặt với Nga nếu họ quyết định vượt qua lằn ranh đỏ trong leo thang ở Donbass và gây ra một cuộc tắm máu cho người dân của DPR và LPR.

Donbass: Nga sẽ hành động quân sự?Donbass: Nga sẽ hành động quân sự?
Mỹ dọa tấn công nếu Nga can thiệp vào DonbassMỹ dọa tấn công nếu Nga can thiệp vào Donbass
Vì sao Ukraine muốn bí mật đàm phán với các lực lượng miền Đông?Vì sao Ukraine muốn bí mật đàm phán với các lực lượng miền Đông?

H.Phan

AFP