Tinh hoa gốm Chăm

07:01 | 25/01/2023

99 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sản phẩm của làng gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận không chỉ là dụng cụ phục vụ đời sống mà còn được ví như “vật trung gian” để người Chăm giao tiếp với thế giới thần linh. Điều đó đã thu hút chúng tôi về với làng gốm cổ Bàu Trúc để khám phá tinh hoa gốm Chăm.
Tinh hoa gốm Chăm
Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc chỉnh sửa tác phẩm gốm nghệ thuật Vũ nữ Apsara (ảnh: Nguyễn Luân)

Theo dân gian vùng Bàu Trúc truyền lại, tổ nghề của gốm làng Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn nghìn năm trước, ông Poklong Chanh từ chối làm quan về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn, rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê - lễ hội lớn nhất của người Chăm. Nghề làm gốm được truyền qua nhiều đời ở Bàu Trúc cho đến tận ngày nay.

Tinh hoa gốm Chăm
Những lọ gốm nghệ thuật phản ánh đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng của người Chăm ở Ninh Thuận (ảnh: Trịnh Thông Thiện)

Độc đáo gốm Bàu Trúc

Chúng tôi gặp bà Trương Thị Gạch, 80 tuổi, ở làng Bàu Trúc - người phụ nữ đã học nghề làm gốm từ năm 10 tuổi. Bà Gạch kể: “Tôi học được nghề gốm là do bà nội để lại cho mẹ, rồi mẹ dạy cho tôi, bây giờ tôi truyền lại cho các con. Nghề gốm ở Bàu Trúc chỉ dành cho phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất, gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm thôi”. Theo bà Gạch, gốm Bàu Trúc được làm thủ công ở tất cả các công đoạn và khác biệt so với bất kỳ loại gốm nào làm ở trong nước và thế giới.

Tinh hoa gốm Chăm
Sản phẩm gốm Bàu Trúc ám khói khi nung, các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu… (ảnh: Nguyễn Luân)

Chỉ vào cái bình gốm nhỏ đang làm dở tay, bà Gạch lý giải bí quyết làm gốm ở Bàu Trúc: “Có nhiều công đoạn làm gốm. Trước hết và quan trọng nhất là công đoạn chọn đất làm nguyên liệu. Đất dùng làm gốm phải là đất ở con sông gần làng mang về phơi khô, đổ nước vào ngâm cho đất mềm ra, rồi lọc các tạp chất như rác, đá, sỏi. Sau đó, đất được trộn với cát và nước theo một tỷ lệ nhất định, dùng chân nhồi, trộn sao cho đất trở nên thật dẻo và thật nhuyễn, người ta gọi là “đất chín”, thì mới dùng để nặn gốm được”.

Tinh hoa gốm Chăm
Một lần nung gốm ở Bàu Trúc thường kéo dài 5-8 tiếng, tùy vào kích cỡ gốm nung (ảnh: Nguyễn Luân)

Nét độc đáo trong công đoạn làm gốm ở Bàu Trúc là người thợ không dùng bàn xoay như ở các vùng làm gốm khác mà dùng đôi chân di chuyển quanh khối đất cùng đôi tay khéo léo của mình để uốn nắn, tạo hình. Ở Bàu Trúc không có bất kỳ một khuôn đúc nào để làm gốm, tất cả các sản phẩm gốm đều được làm từ đôi bàn tay điêu luyện của người phụ nữ.

Đa phần gốm Bàu Trúc đều có hoa văn thể hiện sông nước, chấm vỏ sò, thực vật hay những hình ảnh thể hiện về tự nhiên, đất trời, tôn giáo.

Tinh hoa gốm Chăm
Nghệ nhân Trương Thị Gạch (80 tuổi) hoàn thiện tác phẩm gốm nghệ thuật Vũ nữ Apsara (ảnh: Nguyễn Luân)

Cách nung gốm ở Bàu Trúc cũng mang nét rất riêng, chỉ nung bằng củi với rơm. Một lần nung kéo dài 5-8 tiếng, tùy kích cỡ sản phẩm.

Đặc biệt, tập tục từ xưa truyền lại, trước khi nung gốm, gia chủ sẽ chọn ngày tốt và phải sắm một ít lễ vật để cúng tổ nghề và giới thần linh, nhằm thể hiện ước nguyện các sản phẩm gốm nung được “chín” đều, không bị hư hỏng, thiệt hại.

Tinh hoa gốm Chăm
Những sản phẩm gốm sau khi nung để nguội sẽ có màu tự nhiên của đất(ảnh: Trịnh Thông Thiện)

Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, sự độc đáo trong nghề làm gốm của người Chăm còn thể hiện ở chỗ, 300 người ở Bàu Trúc cùng làm một sản phẩm, như lọ hoa chẳng hạn, nhưng nếu đem trộn lẫn vào nhau, sau đó mỗi người vẫn nhận ra “đứa con” của mình, dù chúng na ná nhau. Dấu ấn rất riêng để lại trong từng sản phẩm của mỗi người luôn hiện hữu.

Các sản phẩm đặc trưng của gốm Bàu Trúc mang đậm tính văn hóa địa phương nhằm phục vụ cho đời sống của người dân. Có thể kể đến một số sản phẩm truyền thống như: Cái khương nấu bánh tét, cái lu đựng nước, cái nồi nấu cơm, cái trả để kho cá, cái ấm để nấu nước, đựng nước uống...

Tinh hoa gốm Chăm
Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ dân, có đến hơn 90% hộ dân vẫn làm nghề gốm.

Gốm trong dòng chảy văn hóa

Ngày nay, làng gốm Bàu Trúc không chỉ là một làng nghề truyền thống đơn thuần mà đã trở thành một địa điểm văn hóa, du lịch khám phá hấp dẫn của địa phương. Hợp tác xã Làng gốm Bàu Trúc được thành lập năm 2008 như một đòn bẩy nâng tầm chất lượng và tạo sự đa dạng trong chế tạo gốm, đồng thời cũng là nơi trình diễn nghề làm gốm Chăm cho khách du lịch khi đến Ninh Thuận. Hàng nghìn mẫu gốm của làng Bàu Trúc được trưng bày, giới thiệu tập trung tại Hợp tác xã để du khách thưởng lãm, hoặc chọn mua cho mình những sản phẩm ưng ý nhất.

Với các nhà nghiên cứu, người Chăm và các di sản văn hóa Chăm luôn bí ẩn và độc đáo. Nghề làm gốm là một ví dụ. PGS-TS Shimoka Sakaya, đại diện nhóm nghiên cứu Nhật Bản, cho biết: “Điều đặc biệt, nhiều làng gốm cổ trên thế giới đã mất đi, thế nhưng gốm Chăm Việt Nam vẫn còn tồn tại, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm, xứng đáng được UNESCO công nhận”.

Tinh hoa gốm Chăm
Tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận) được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được trang trí bằng gốm Chăm đặc sắc (ảnh: Nguyễn Luân)

GS Leedom Lefferts (Mỹ) đã bỏ công hơn 20 năm qua đi về tận các làng nghề ven biển miền Trung chỉ để tìm hiểu gốm Chăm. Vị giáo sư 80 tuổi này đánh giá: “Mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, không cái nào giống cái nào, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác.

“Tôi đã bắt gặp trong các đền đài ở vùng đông bắc Thái Lan hàng loạt sản phẩm gốm Chăm của Việt Nam. Việc xuất hiện ở những nơi linh thiêng ấy chứng tỏ sự lôi cuốn của các loại gốm Chăm trong thế giới tâm linh không chỉ ở Thái Lan mà cả vùng Đông Nam Á” - TS Atthasit Sukkham, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Lan, nhận xét.

Cách đây vài năm, trong một lần đến Bàu Trúc tham quan, kiến trúc sư Trần Hùng (Việt kiều Mỹ) đã có ý tưởng và khởi động dự án đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 sản phẩm gốm mỹ nghệ (tượng thần Siva, tượng thần Ganesa, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, thiếu nữ múa Apsara, đèn lồng các loại...) đã được đóng kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, gian trưng bày và bán các sản phẩm gốm Bàu Trúc tại California, Texas và Arizona (Mỹ) vẫn thu hút lượng lớn người dân đến xem và mua hàng.

Vào hồi 22 giờ 12 phút ngày 29-11-2022 (giờ Việt Nam), tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Trịnh Thông Thiện - Nguyễn Luân

Tao nhã thú chơi Thuỷ tiênTao nhã thú chơi Thuỷ tiên
Tinh hoa ẩm thực Đất TổTinh hoa ẩm thực Đất Tổ
Quảng Ngãi trưng bày chuyên đề Quảng Ngãi trưng bày chuyên đề "Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ và bảo vật quốc gia"
Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực năm 2022: “Hành trình tinh hoa”Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực năm 2022: “Hành trình tinh hoa”
Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt NamXây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam