Tao nhã thú chơi Thuỷ tiên

07:00 | 29/01/2022

514 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỗi độ Tết đến xuân về, chơi hoa thủy tiên là một trong ba thú chơi tao nhã của người Hà Nội - trà hoa sen, cốm trái mùa, hoa thủy tiên. Đây là một nét văn hóa đẹp, trong đó hàm chứa nhiều điều bình dị đến ngỡ ngàng.

Tôi tìm đến Lậu Thất Trà Phường - một thất trà nhỏ trên phố Phan Huy Chú thuộc quận Hoàn Kiếm trong một sớm rét ngọt của Hà Nội. Trà thất nằm trên căn gác 3 của một ngôi biệt thự Pháp khá cổ kính cũng là điểm hẹn đang được nhiều người Hà Thành có chung thú thưởng trà và thưởng hoa Thủy Tiên tìm đến.

Tao nhã thú chơi Thuỷ tiên
Tao nhã thú chơi Thuỷ tiên

Là dân Hà Nội gốc nhưng tôi khá bất ngờ khi bước vào Trà thất này bởi dường như những ồn ào náo nhiệt của đất kinh kỳ đã được “phong tỏa” và bỏ lại ngoài cánh cửa, để lại một không gian giản di, mộc mạc, yên tĩnh mà ấm cúng như một sự gột rửa mọi xô bô, ôn ào của phố thị. Không biết trước đây người xây dựng ngôi nhà này có ẩn ý gì hay không nhưng căn gác mà Lậu Thất Trà Phường đặt bản doanh lại có một ban công hình bán nguyệt rộng thoáng đãng, mở tầm nhìn ra một giàn hoa giấy luôn thường trực những chùm hoa rực rỡ. Bởi vậy mà ngồi trên căn gác nhỏ tâm hồn người “khách” vẫn được hòa mình vào thiên nhiên nhưng vẫn có cảm giác an nhiên, tĩnh tại.

Tống Hồng Cầm – một người có nhiều năm kinh nghiệm chơi hoa Thủy Tiên, được nhiều người trong giới chơi hoa Thủy Tiên không chỉ ở Hà Nộ biết đến với những tác phẩm hoa Thủy Tiên nghệ thuật đẹp xuất sắc và độc đáo, đồng thời cũng là đồng sở hữu của Lậu Thất Trà Phường. Vừa thấy tôi, Cầm đã tỏ ra rất thân thiện, ấm áp, vừa pha trà mời khách vừa bắt đầu những câu chuyện thú vị về trà và về hoa Thủy Tiên. Theo câu chuyện, Cầm biết đến hoa Thủy Tiên từ trước những năm 2010, nhưng chỉ thực sự chính thức học gọt tỉa và chơi thứ hoa này từ năm 2013 với một sự khởi đầu không mấy tốt đẹp khi tự mày mò mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng không đạt kết quả gì.

Nhớ lại chuyện cũ, Hồng Cầm trầm ngâm một lúc rồi bật cười bảo: “Kể ra ngày ấy mình tiêu hoang thật. Mùa đầu tiẻn, chưa có kiến thức và kinh nghiệm gì mà mình sài hết 5 hộp, mỗi hộp 8 củ mà không được một củ hoa nào ra sản phẩm đàng hoàng. Việc chi một khoản tiền cả triệu bạc chỉ để mua củ hoa về tập tành lúc ấy đã là một sự táo bạo, nhưng so với thời gian và công sức bỏ ra để gọt tỉa và chăm sóc thì chưa thấm vào đâu cả. Dẫu bỏ bao tâm huyết, tiền bạc và công sức ra mà không đạt được kết quả mong muốn nhưng anh Cầm vẫn không nản chí, nên khi nghe tiếng cụ Nguyễn Phú Cường một nghệ nhân hiếm hoi về hoa Thủy Tiên ở Hà Nội, Cầm đã liên lạc và tìm đến tận nhà để nhờ cụ Cường chỉ dạy.

Tao nhã thú chơi Thuỷ tiên
Tống Hồng Cẩm

Nhấp thêm ngụm trà, đoạn Cầm kể lại: Khi đến gặp cụ Nguyễn Phú Cường, cụ bảo Cầm lấy dao và củ gọt đến khi nào thấy xong rồi thì cho Cụ xem sản phẩm. Sau gần 1 tiếng hì hụi gọt, khi đưa sản phẩm cho Cụ Cường xem, ông Cụ khen nét gọt đẹp, gọn gàng nhưng chưa đến tận cùng cái cần phải đến.

Nói rồi Ông Cụ cầm dao lướt thêm vài đường thị phạm, chỉ chưa quá 30 giây rồi cười lớn bảo “Đấy, yếu quyết của gọt tỉa củ hoa Thủy Tiên nằm cả ở đấy”. Không chỉ có vậy, Cụ Cường còn chỉ cho Cầm nhiều kinh nghiệm khác về kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng hoa Thủy Tiên mà khi ấy chưa sách vở nào có được. Sau lần ấy, những củ hoa của Cầm làm ra đã khác hẳn, cả rễ, lá và hoa đều có dáng dấp uốn lượn linh hoạt ảo diệu.

Cũng trong lần gặp ấy, cụ Nguyễn Phú Cường cũng tỏ ra xúc động khi có người yêu thích hoa Thủy Tiên và lại chủ động tìm đến tận nhà để xin học, đồng thời cũng gửi gắm tâm nguyện mong muốn ngày càng có thêm nhiều người biết đến và yêu hoa Thủy Tiên, những kiến thức và kinh nghiệm của Cụ lan tỏa đến được nhiều người, như là một cách phục dựng lại thú chơi tao nhã này không chỉ riêng với người Hà Nội mà suốt mấy chục năm trước đó gần như đã bị thất truyền.

Hiểu được tâm nguyện ấy, từ năm đó đến nay Cầm đã cùng những người bạn yêu hoa Thủy Tiên lập ra nhóm facebook “Tinh Hoa Thủy Tiên Việt” trên mạng internet làm diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa thú chơi này, đến nay nhóm đã có đến hàng ngàn thành viên ở khắp mọi miền đất nước. Hàng năm cứ vào mùa hoa là Cầm và bạn bè lại thường xuyên tổ chức nhiều buổi hướng dẫn miễn phí cho những người yêu hoa, nhiều nhất là ở khu vực Hà Nội, mỗi buổi cũng có hàng chục người đủ các lứa tuổi, đủ các thành phần xã hội tham gia. Không chỉ có vậy, Cầm và bạn bè còn sẵn sàng đi nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, để hướng dẫn cho những nhóm người yêu hoa Thủy Tiên và hỗ trợ họ về kỹ thuật, đặt mua củ giống tốt khi họ có nhu cầu.

“Những năm gần đây, khi có kha khá người biết chơi, rồi anh chị em tự tìm tòi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau nên chúng tôi không còn tổ chức những lớp như vậy nữa mà chỉ tổ chức nhóm nhỏ như hôm nay bạn gặp ở đây” - Cầm thật thà chia sẻ.

Tao nhã thú chơi Thuỷ tiên
Một củ thuỷ tiên Vương

Nói về giống hoa thủy tiên, củ hoa thủy tiên bây giờ 100% là nhập khẩu. Nhưng theo những tài liệu cũ ghi lại có nói đến các cụ nhà mình đã từng “thuần” hoa thủy tiên. Giống hoa này đã từng được trồng ở làng hoa Ngọc Hà, đưa vào Đà Lạt nhưng thành công nhất là đem lên Sapa. Trồng được củ hoa, ra hoa hẳn hoi. Nhưng tiếc là không thể phát triển, củ hoa ngày càng nhỏ đi và dần không tồn tại được. Các cụ đưa ra kết luận là thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam không được như vùng phương Nam của Trung Quốc (vùng Chương Châu - Phúc Kiến). Sapa có khí hậu gần với vùng phía Nam Trung Quốc nên cây Thủy Tiên sống được nhưng ở dưới xuôi thì mùa hè nóng quá nên không phù hợp, sẽ ngày càng thoái hóa.

Hiện nay, Trung Quốc có 2 vùng trồng hoa Thủy Tiên nổi tiếng trong đó có vùng Chương Châu và xuất khẩu ra khắp thế giới. Đặc biệt là những năm gần đây hai nước thông thương trở lại nên củ hoa Thủy Tiên ngày càng rẻ hơn với giá trung bình khoảng 50 đến 60 ngàn đồng/củ. Một số loại tốt hoặc đặc biệt thì có giá từ 80 hơn 100 ngàn đồng.

Để gọt được củ thủy tiên chỉ cần có củ hoa và dụng cụ gọt. Rất đơn giản gồm một con dao gọt thủy tiên có 2 đầu, một đầu giống dao trổ để “phá củ”, còn 1 đầu lòng máng này để tinh chỉnh, xén lá và cạo cuống nhằm tạo dáng, tạo hình cho hoa. Ngoài ra, quá trình chăm sóc củ hoa người ta còn dùng 1 dụng cụ hình que để cài chỉnh hướng hoa, dáng lá và chải bộ rễ Thủy Tiên được mượt mà, đều đặn. Nói về dụng cụ này, Cầm bảo, “Trước đây các cụ thường dùng que tre để trải rễ hoa nhưng que tre không có độ nhẵn không đủ, có thể làm xước rễ, thối rễ cây, nay dùng que bằng thép không gỉ với độ trơn nhẵn cao nên tỉ lệ tổn thương rễ sẽ giảm thiểu”.

Quan trọng nhất trong chơi thủy tiên là phải có củ, củ hoa phải tốt, đủ tuổi, củ hoa phải đẹp. Có những yếu tố đáng chú ý như sau: Thứ nhất, củ hoa thủy tiên dùng để gọt tỉa nghệ thuật, phải có từ 3 năm tuổi trở lên. Để biết tuổi củ hoa người ta thường căn cứ vào đường kính củ chính, độ phân nhánh của củ hoa. Mỗi củ hoa tùy tuổi để sử dụng khác nhau. Nếu củ hoa 1 năm tuổi thì chỉ để làm giống, củ hoa tầm 2 năm tuổi thì để nguyên củ mà trồng vào đất hay nước theo kiểu 1 bát xum xuê. Chỉ có những củ hoa hơn 3 năm tuổi – được gọi là các củ hoa thủy tiên vương mới đáp ứng được các yêu cầu sử dụng để gọt, tỉa nghệ thuật.

Thấy tôi như một cậu học trò ham học hỏi, Tống Hồng Cầm cũng “dạy” luôn: “Nước để dưỡng hoa thủy tiên cũng không phải loại nước nào cũng dùng được đâu. Xưa các cụ hứng nước mưa, lấy nước giêng khơi; nhiều người dùng nước sông Hồng để dưỡng hoa thì phải đánh phèn, để nước lắng xong mới dùng được. Nói chung nguyên tắc dùng nước là nước nuôi hoa Thủy Tiên phải sạch, và chỉ dùng nước sạch thôi chứ không dùng bất cứ phân bón hay hóa chất nào để nuôi hoa cả.

Theo kinh nghiệm của nhiều người chơi thủy tiên, nếu như nước dưỡng củ bị ô nhiễm kim loại như sắt, hoặc vi trùng (nước giếng bây giờ, nước máy chất lượng thấp) thì chỉ vài hôm sẽ làm củ hoa vàng ệch, nước thì thành màu đỏ quạch. Khi đó bộ rễ hoa sẽ hỏng, củ hoa không phát triển được.

Cầm chia sẻ, chúng tôi cũng mấy năm loay hoay vì chuyện nước nước dưỡng hoa. Cũng may nhà mình ở Hà Đông nên nguồn nước cũng khá là ổn vì đây là nước máy lấy từ sông Đà. Nhưng ở một vài nơi khác có hiện tượng nhiễm phèn hoặc ô nhiễm khác nên không ít trường hợp dưỡng hoa lại hay bị thối, hỏng hoặc không được như mong muốn.

Sau này mấy anh em tìm tòi và phát hiện ra sử dụng nước lọc qua máy lọc RO khá thích hợp với nuôi dưỡng củ Thủy Tiên, giúp hạn chế nhiễm sinh khuẩn, lọc được kim loại nên hạn chế được việc củ hoa bị thối mà bộ rễ và vỏ củ hoa lại trắng đẹp. Tuy nhiên, do tính kinh tế nên không phải ai và lúc nào cũng dùng nước ấy mà dưỡng hoa được, nhất là những người chăm nhiều củ hoa một lúc.

Tao nhã thú chơi Thuỷ tiên
Một tác phẩm hoa Thuỷ tiên nghệ thuật của Tống Hồng Cầm.

Vui chuyện, tôi cũng thú thật với Cầm rằng, dù từ nhỏ đến lớn, năm nào trong nhà cũng có bát thủy tiên do ông ngoại dưỡng nhưng tôi chưa bao giờ ngửi được hương của hoa thủy tiên. Nghe vậy, Cầm bật cười bảo: “Lần đầu tiên tôi nghe thấy có người chưa bao giờ được “thưởng” mùi hoa Thủy Tiên”, rồi như đọc được sự tò mò của tôi, cậu thủng thẳng: “Hương hoa Thủy Tiên rất đặc biệt, nó không ngào ngạt hay nồng nàn đậm đặc mà rất nhẹ, thanh mảnh, thỉnh thoảng từng luồng bay lên, đặc biệt là hương hoa thơm ngọt, quen, gần gũi nhưng mà khó tả. Nếu để ví von hay so sánh thì khó để dùng hương một loài hoa nào để so sánh với Thủy Tiên được”.

Nghe chúng tôi nói chuyện, các chị có mặt tại buổi giao lưu đã bổ sung ngay. Hương Thủy Tiên có một chút của ngọc lan, một phần của hoa Mộc và đặc biệt là ngọt ngào dễ đi vào lòng người, thanh khiết, mỏng manh nhưng rất khó quên. Các chị còn ví von hoa thủy tiên như đời người, lúc còn trẻ thì e ấp, nở rộ thì nồng nàn và đến cuối đời hương hoa cũng có "mùi của người già".

Nghe đến đây tôi chợt giật mình, ngắm nhìn những gương mặt quanh mình, có những người toát lên sự tao nhã, có người thì nghiêm túc trầm mặc nhưng cũng có người lại đậm nét phong trần. Trong đó, có chị còn đưa cậu con trai hơn chục tuổi đi cùng vừa rủ rì dạy con gọt tỉa Thủy Tiên, vừa trò chuyện tâm tình. Họ thật đẹp, cái đẹp toát ra từ tâm hồn, từ sự hướng tới chân thiện mĩ.

Quanh bàn trà ấm áp, những câu chuyện thú vị về hoa Thủy Tiên đã đưa chúng tôi những người ở muôn nơi chợt như gần lại. Có lẽ để được tự tay chăm sóc một mầm xanh, đến khi đơm nụ kết hoa trong ngày đông lạnh lẽo và gửi gắm vào đó những hy vọng, về cái đẹp giản dị, được chiêm nghiệm cuộc sống… chính là những tinh hoa văn hóa phương Đông nói chung và người Việt nói riêng trong những ngày đầu xuân. Điều đó đáng được trân trọng, giữ gìn.

Thành Công

Dân làng Nghi Tàm Dân làng Nghi Tàm "đánh bạc" với... trời!
Thủy tiên đón xuân về Thủy tiên đón xuân về

Vui xuân với thú chơi hoa

Vui xuân với thú chơi hoa "đĩa vàng, chén ngọc"

Bùi Công