Thủy tiên đón xuân về

08:45 | 31/12/2011

2,272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Người ta cho rằng hoa thủy tiên mang lại tài lộc và thịnh vượng nên mỗi dịp Tết đến, chơi hoa thủy tiên trở thành một tục lệ đón xuân. Những ngày cuối năm, thủy tiên được chăm sóc để hoa nở đúng giao thừa, hy vọng mang đến tài lộc sung túc và may mắn trong năm mới.

Thú chơi hoa của người xưa

Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ có viết: “Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết nhân phẩm, tiết tháo của người ấy. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”.

Vì thế, người Hà Nội chơi hoa không chỉ đơn thuần thưởng thức vẻ đẹp, hương thơm tự nhiên của nó mà còn dùng vẻ đẹp thiên nhiên ấy để bộc lộ quan điểm, nhân sinh quan của mình.

Trong các loài hoa, thủy tiên thường nở sớm nhất vào mùa xuân, được người Hà Nội lựa chọn mỗi dịp Tết đến, xuân về bên cạnh những loại cây truyền thống như đào, mai, quất …

Theo nhà nghiên cứu sinh vật cảnh Lê Quang Khang, thú chơi thủy tiên của người Hà Nội đã có cách đây hàng nghìn năm. Thời đó, thủy tiên không chỉ được bày trong các gia đình, mà còn là loài hoa được đặt tại các ngôi đình, chùa, miếu… để thờ thần thánh, hay để các gia đình thờ cúng tổ tiên. Người xưa quan niệm, nếu gia đình nào có một bình thủy tiên nở vào đúng thời khắc giao thừa, gia đình đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Bình thủy tiên chơi Tết

Vì thế, bên cạnh đào, mai, quất … mỗi người chủ gia đình đều kì công lựa chọn một bình thủy tiên, ngâm hãm để nở hoa vào đúng giao thừa, vừa làm đẹp thêm cho ngôi nhà, vừa thể hiện sự tinh tế trong thú chơi, thú thưởng hoa ngày tết.

Thi gọt tỉa thủy tiên cũng là một mỹ tục văn hóa, một thịnh hội với ý nghĩa sâu sắc và nghệ thuật cao quý đã ăn sâu vào truyền thống của người Hà Nội. Ngay giữa lễ giao thừa các cụ đã chấm giải. Vào sáng mồng một Tết, các chậu thủy tiên trúng giải được mang lên kiệu son lọng vàng theo sau là cả một ban nhạc lễ, đưa trở về tận nhà người trúng giải. Tại cửa nhà hay cửa ngõ, các cụ trong áo thụng cùng gia đình và cả hàng phố đã chờ đón sẵn với một dây pháo đỏ.

Nhiều tỉnh cũng có hội thi, đáng kể nhất có lẽ là cuộc thi thủy tiên ở Đền Nghè Hải Phòng, nơi thờ bà Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà Trưng, với cuộc thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1946.

Cách chọn hoa thủy tiên ngày Tết

Giống củ thủy tiên vốn là của vùng Hoa Nam, Trung Quốc, củ hoa có hình dáng giống củ hành, to bằng nắm tay, củ trắng nõn không tỳ vết, có những vân màu vàng nhạt ở thân củ. Củ được đặt vào một bình pha lê trắng trong, đổ đầy nước sạch. Theo nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm, loại nước dùng để ngâm hãm thủy tiên phải là nước mưa, nếu dùng nước máy thì phải để bay hết hơi Clo mới được dùng, nếu không củ sẽ hỏng, không ra hoa.

Bộ rễ hoa thủy tiên phải trắng, tròn, trùm kín lòng bình “như bộ râu bạc của một ông tiên”. Hoa thủy tiên phải mọc thẳng, bông hoa trùm miệng bình như mâm xôi đầy ngày tết, hương thơm thanh cao, êm dịu, thể hiện vẻ đẹp trắng trong, tràn đầy sức sống của mùa xuân.

Theo nhà nghiên cứu Lê Quang Khang, nên gọt tỉa củ hoa bằng bộ công cụ dành riêng cho hoa, tránh gây xước, dập và hỏng củ. Công đoạn khó nhất là ngâm hãm củ hoa để hoa nở đúng thời khắc giao thừa. Ngày nay, khi nhiều người chơi không có thời gian và kiến thức để chọn củ, gọt tỉa và ngâm hãm củ hoa, có khá nhiều gia đình nghệ nhân gọt tỉa sẵn các củ thủy tiên, tiêu biểu là vùng Nghi Tàm, Cống Vị …

Nhà nghiên cứu sinh vật cảnh Lê Quang Khang

Thủy tiên là giống họ hành, càng vào sâu phía trong thì vỏ càng mỏng, càng mềm; vì vậy càng đói hỏi người gọt hoa phải thực sự cẩn thận, tỷ mỷ. Trông một củ hoa chỉ to hơn củ hành tây một ít, nhưng người thực sự biết chơi phải gọt mất nhiều giờ đồng hồ mới xong.

Muốn có một bộ lá đẹp thì ngay khi đã bóc bỏ lớp áo, người chơi hoa phải dùng dụng cụ chuyên dụng cắt đi một phần lá non theo hình vòng cung để khi lá phát triển có hình cong. Muốn hoa phát triển không quá cao, ngay từ khâu bóc vỏ lớp áo, người chơi hoa cũng phải tác động bằng cách làm tổn thương cuống giò hoa để hạn chế hoa phát triển chiều cao. Tuy nhiên, người chơi sành phải để lại một vài mầm lá, hoa không cắt tỉa để tạo dáng hoa, lá vươn dài cho bình hoa thêm sinh động.

Một bình hoa thủy tiên đẹp phải đáp ứng ba tiêu chí:

Bình hoa ngũ phúc (bình hoa gồm 5 củ, trong đó có một củ gồm 5 nhánh đều nhau); Hoa, cánh lá phương phi (bông hoa nở to, phủ kín miệng bình; lá to, dày, mượt mà, mạnh mẽ vươn thẳng lên); Hoa cập thời, tề hàm vị tiếu (các nụ hoa cùng hé nở vào thời khắc giao thừa).

Thời xưa, niềm vui của các vị tao nhân mặc khách là “Khi chén rượu, khi cuộc cờ. Khi trông hoa nở, khi chờ trăng lên”. Nhưng ngày nay, cuộc sống xô bồ, ồn ã khiến số người dành thời gian, công sức cho thú chơi hoa ngày càng hiếm. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến, xuân về, người Hà Nội vẫn lựa chọn thủy tiên như một loài hoa thể hiện sự thanh tao, đạo diện cho cốt cách cao quý và thanh tao của người Hà Nội xưa và nay.

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.