Dân làng Nghi Tàm "đánh bạc" với... trời!

14:00 | 18/01/2014

2,027 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tư vào thủy tiên chẳng khác nào đánh bạc với… “ông trời” nên có đến làng Nghi Tàm vào những ngày không khí xuân đang cận kề này, mới thấu hết được nỗi thấp thỏm của người làm hoa…

>> Đào Nhật Tân ngóng... Tết!

Từ xưa đến nay, nhắc đến thủy tiên thì người “sành” chơi hoa nhớ ngay đến đất “Tằm Tang”. Vậy nên, đến làng Nghi Tàm vào những ngày không khí xuân đang cận kề này dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người người, nhà nhà đang miệt mài làm hoa.

Thủy tiên nổi tiếng bởi hoa đẹp nhưng càng nổi tiếng hơn bởi thú chơi hoa hết sức cầu kỳ. Chẳng thế mà, người chơi hoa cũng phải… có nghề. Tết xưa, để có một chậu thủy tiên trưng trong ngày Tết là cả một công đoạn cắt, tỉa kỳ công. Hơn nữa cái thú là ở chỗ, người tỉa hoa phải biết “đón trước” được hướng hoa mọc để tỉa được hình thế đẹp và tính toán sao cho hoa nở đúng vào lúc giao thừa. Vì thế, phải là người có kinh nghiệm lâu năm mới có thể tạo được một chậu thủy tiên đẹp.

Công phu là thế nên ngày nay, công đoạn chăm hoa này gần như được dành cả cho... người làm hoa đất Nghi Tàm.

Làm hoa thủy tiên phụ thuộc nhiều vào thời tiết

Nghề làm hoa thủy tiên “vào mùa” chỉ khoảng hơn hai chục ngày trước Tết, thời gian ngắn là thế nhưng cũng đủ để dân làng Nghi Tàm thấp thỏm không yên. Bởi hơn hai mươi ngày đó, ngoài việc chăm chút, tỉa tót sao cho hoa đâm chồi có “thế” đẹp thì theo sau là cả một công đoạn “trông trời, trông đất, trông mây”, chỉ bất cẩn một chút là có thể mất trắng cả mùa hoa.

Đã có thâm niên làm hoa, chị Minh Thủy - một thương lái chuyên cung cấp thủy tiên lớn nhất làng cho hay: “Thời tiết mấy ngày hôm nay đang ấm nên theo tính toán của chúng tôi thì việc ươm tỉa thủy tiên ở thời điểm hiện tại là hợp lý. Tuy nhiên, làm hoa lúc nào cũng phải thấp thỏm vì chỉ cần thời tiết biến đổi nóng hơn, hoặc lạnh hơn mà chúng tôi không có biện pháp tác động đến hoa kịp thời thì hỏng hết. Vậy nên, ngóng thời tiết cũng là một phản xạ thành quen của chúng tôi”.

Năm nay, chị Minh Thủy nhập thủy tiên với số lượng chỉ bằng 1/3 năm trước nhưng với con số hơn một nghìn củ cho Tết này cũng đủ để cả gia đình nhấp nhổm.

Trung bình một củ giống giá dao động khoảng 25.000 - 35.000 đồng/củ nên vốn đầu tư cũng không phải là nhỏ. “Năm trước nhu cầu của người dân chơi hoa cũng nhiều nhưng thời tiết nồm, hoa nở đúng dịp ít mà giá thành cũng không cao nên lời lãi chẳng được là bao" - chị Thủy cho hay.

Những năm gần đây nhu cầu hoa thủy tiên chơi Tết nhiều hơn, nhiều gia đình làng Nghi Tàm đã trở lại với nghề.

Mặc dù là nghề truyền thống của gia đình và có thâm niên làm nghề nhưng bác Hai Ninh cũng không khỏi lo lắng: “Gia đình tôi đã nhiều đời làm hoa, hiện tại cả 3 thế hệ trong gia đình  vẫn làm nhưng nhiều khi kinh nghiệm cũng không lại được với thời tiết. Chăm hoa thủy tiên là cả một công đoạn, khoản tỉa củ thì trông vào tay nghề nhưng yếu tố quyết định là chăm hãm làm sao để có hoa nở đúng vào dịp Tết lại phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Nếu thời tiết lạnh thì chúng tôi có thể sưởi ấm để hoa nở nhưng trời ấm thì không có cách nào để hãm hoa. Vậy nên mấy ngày nay, dân trong làng cứ thấp thỏm trông ngày, trông đêm suốt, bản thân tôi cũng mấy đêm thức trắng...”.

Theo bác Ninh thì thủy tiên được mùa, được giá thì cũng… thắng lớn nhưng bù lại mất mùa thì coi như trắng tay: "Cả đời gắn bó với nghề này, đã không ít lần nhìn hoa bung nở trước Tết mà ngậm ngùi".

Không kinh doanh lớn, bác Phạm Thị Nam (Hội trưởng chi hội Nông dân) chỉ làm hoa phục vụ khách chơi nhỏ lẻ và cho nhu cầu chơi hoa của gia đình: “Mấy năm trở lại đây, người dân làng Nghi Tàm quay trở lại làm hoa nhiều hơn. Làm hoa này thì cũng phải chấp nhận chìm, nổi với nghề. Người giàu lên vì nghề cũng có nhưng người vỡ nợ vì nghề cũng nhiều. Cả năm trời làm ăn hùn vào mấy chục ngày giáp Tết, năm nào không gặp, thời tiết bất thường, hoa nở không đúng dịp, không ai mua thì đương nhiên mất trắng. Mấy năm nay, giá Thủy cũng không được cao, như năm trước khoảng 150- 300 nghìn đồng/ gốc, năm nay nếu thuận buồm xuôi gió thì chắc cũng chỉ được như vậy thôi”.

Không sai khi nói, nghề làm hoa thủy tiên như “chăm con mọn” nhưng vất vả với chăm bón, tía tót đến mấy thì “số phận” cũng phụ thuộc vào tay… ông trời. Càng những ngày Tết cận kề là dân trong làng lại "căng như dây đàn" trông ngóng. Vậy nên, dù tất bật gần một tháng cuối năm nhưng chỉ khi thủy tiên theo khách về phố, đến chiều 30 Tết người dân làng Nghi Tàm mới có thể thở phào gác lại nỗi lo…!

Huy An

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc