Cùng vui

09:00 | 23/01/2023

7,805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày Tết là phải đủ, phải vui, tạm gác cái thiếu, cái buồn sang bên. Câu nói giản dị ấy là của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.
Cùng vui

Nhân nói về Tết xưa, thời đất nước còn nghèo, thời bao cấp, phân phối từ miếng xà phòng đến lưỡi dao cạo râu, ông Thập bảo, có nhà thơ đã viết “thời ấy quá chừng nghèo mà sao quá chừng vui”. Hình như cái vui thời nghèo khó nó thấm thía hơn cái vui thời bây giờ. Vui ngày ấy là vui của kẻ “ăn cơm cáy”. Vui bây giờ là vui của người “ăn thịt bò”. Nhưng dù vui - nghèo hay vui - giàu thì triết lý sống của “những người đi tìm lửa” vẫn là: Cùng vui, cùng làm, cùng hưởng. Đã làm thì làm hết mình. Đã vui thì vui cho tới bến, đương nhiên là vui lành mạnh. Vui như mấy anh “bay, lắc” là thác loạn, là “những người bay không có chân trời”.

Câu chuyện của ông Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam một thời là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), một trong những nhà khoa học xuất sắc của Petrovietnam, gợi lên trong chúng tôi nhiều suy ngẫm, nhất là khi mùa xuân đã về gần lắm.

Xuân Quý Mão này, Petrovietnam đã có những giàn khoan hiện đại, hệ thống máy móc, thiết bị kỹ thuật tiên tiến thực hiện các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan đa dạng. Đặc biệt là Petrovietnam có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, đủ năng lực đảm nhận những chức danh cao trên các giàn khoan, từng bước vươn ra biển lớn, chinh phục những thị trường khoan khó tính nhất. Và, cho dù hiện đại đến đâu thì ý tưởng “cùng vui” vẫn không thay đổi.

Cùng vui

Có thể hiểu rằng, cùng vui là cùng làm việc với nhau, sát cánh trong mọi hoàn cảnh dù khi thuận lợi hay lúc khó khăn nhất, khi giá dầu thô ở dưới đáy chỉ khoảng 30 USD/thùng, hay khi tăng mạnh lên tới hơn 100 USD/thùng. Không có hoàn cảnh nào là tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng trước hoàn cảnh mà thôi. Khó thì tìm cách tháo gỡ và gỡ được thì “vui”, tức là tìm ra ánh sáng cuối đường hầm, ấy là người “tri túc” (biết đủ). Trong những thời điểm gian nan ấy, nhờ vào bản lĩnh và mưu lược mà chiến thắng, thế cũng là hạnh phúc ở một chặng đường nhất định. Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn khi ta còn loay hoay trong hoảng loạn, sợ hãi và bất an. Rồi khi có lãnh đạo, đồng nghiệp mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí vướng vào lao lý, ai cũng thấy đau xót, nhưng nỗi buồn ấy không làm ta gục ngã, đứng lên từ chỗ mình ngã và đi tiếp là biện chứng của sự phát triển. Đứng lên trong sự tỉnh thức, trong sự vượt thoát, trong một cảnh giới. Được thế chính là thắng lợi đang chờ phía trước.

Cùng vui còn là cùng hưởng. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Tập thể người lao động dầu khí cũng tương tự. Không chỉ là việc nâng lương, phân phối lợi nhuận công bằng, thỏa đáng, “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”; không chỉ là thưởng cái gì, cách thưởng thế nào để người lao động dầu khí thật sự vui mừng khi được hưởng cái “miếng giữa đàng”, mà cao hơn thế, sâu xa hơn thế, là làm rõ phạm trù cống hiến và hưởng thụ, để ai cũng thấy tâm phục, khẩu phục, bởi bạn đáng được tôn vinh, bởi mình xứng đáng. Đừng bao giờ nhầm lẫn hai khái niệm hạnh phúc và thỏa mãn. Hãy công bằng trong cách nhìn toàn diện, thấu đáo mỗi con người, sự vật, hiện tượng, nó gắn với sự vận động và phát triển, nó cao hơn việc cân đong đo đếm.

Cùng vui còn là cùng tiến bộ. Tiến bộ không bó hẹp ở việc lên chức, lên lương, ở việc được tặng các danh hiệu. Ai đó mà chạy chức bằng mọi giá để được ngồi vào ghế cao thì khi họ đã lên rồi cũng chẳng có lý do gì để đồng chí, đồng nghiệp cùng vui, mà có khi là ngược lại. Còn người có đức, có tài, lấy tài để che thân, không mang thân ra che tài, khi được bổ nhiệm thì sự công tâm, “con mắt tinh đời” của cấp trên sẽ đem đến niềm vui, niềm tin cho cơ quan, đơn vị. Khi ấy, cái gánh trách nhiệm nơi anh sẽ có tập thể cùng ghé vai gánh vác, không có cảnh “khi vui thì chén chú chén anh/ đến khi nước lụt chung quanh/ anh chuồn đường anh, chú bay đường chú”. Vậy, cùng tiến bộ nên hiểu ở nghĩa rộng hơn là mỗi người làm tốt bổn phận của mình, cần làm việc lớn, chứ không nhất thiết phải làm “quan” lớn. Gần đây có một số người xin từ chức khi năng lực giảm sút, khi uy tín không còn, đấy là tín hiệu tốt. Cũng có người xin rút khi được giới thiệu quy hoạch vào chức vụ cao hơn, vì không đủ khả năng đảm đương. Một người chỉ gánh được 50 cân chớ nên đặt lên vai họ cái gánh một tạ. Vậy đó, cuộc đời không phải là sân khấu, cán bộ không phải là diễn viên, giao chức gì thì “diễn” chức đó. Khi anh “diễn” thì anh dễ ảo tưởng quyền lực và dẫn tới tha hóa quyền lực. Trộm nghĩ, một người xin từ chức, xin từ chối quy hoạch cán bộ với động cơ trong sáng cũng chính là làm việc lớn, lớn ở chỗ người ấy biết rõ mình, không quá yêu mình, không ngộ nhận.

Xuân đang về. Mây mỏng và sáng. Trời trong gió lành. Trong tiết xuân nay, chẳng có ước ao nào hơn là được cùng vui. Niềm vui này xin chia sẻ với bạn bè: Cái gì đúng quy luật, cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Ai đó còn phảng phất ưu tư, buồn tủi, rồi trước sau cũng sẽ vui thôi. Khi ta lạc quan, ta “làm lại” với trí tuệ, nghị lực và bản lĩnh. Chung quanh ta, mọi người cùng đón đợi tương lai tươi sáng.

Trần Quang