Tin Thị trường: Nhiều công ty chuyển từ vận tải đường biển sang hàng không

17:32 | 18/01/2024

2,328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều công ty chuyển từ vận tải đường biển sang hàng không khi những rủi ro trên Biển Đỏ vẫn còn hiện hữu; Giá xăng tại Mỹ chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm...
Tin Thị trường: Nhiều công ty chuyển từ vận tải đường biển sang hàng không

Nhiều công ty chuyển từ vận tải đường biển sang hàng không

Ngày càng có nhiều công ty xuất khẩu hàng hóa từ Châu Á sang Châu Âu gửi hàng bằng đường hàng không thay vì tàu biển trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ.

Thông thường, các nhà sản xuất rất thích vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vì có giá thành rẻ hơn nhiều, nhưng hiện tại, chênh lệch giá cước đã thu hẹp rất nhiều khi các hãng khai thác tàu container thay đổi hải trình của họ từ Biển Đỏ xuống Mũi Hảo Vọng.

Từ đó, nhu cầu vận chuyển hàng không trên các tuyến Á - Âu đã tăng lên và cước phí máy bay cũng tăng. Hãng Reuters mới đây đưa tin, cước vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu trong tuần này đã tăng 91% so với tuần trước.

Có rất nhiều tàu container đã chọn chuyển hướng khỏi tuyến Biển Đỏ và Kênh đào Suez nhưng nhiều tàu container vẫn đang sử dụng tuyến đường này, bao gồm cả tàu chở dầu.

Giám đốc điều hành của Chevron hôm 16/1 nhận định rằng, rủi ro ở Biển Đỏ là rất nghiêm trọng và "dường như đang trở nên tồi tệ hơn". Mặc dù vậy, Chevron vẫn chưa chuyển hướng các tàu chở dầu của mình khỏi Biển Đỏ, Mike Wirth cho biết, vì công ty này hợp tác chặt chẽ với Hạm đội của Mỹ.

Không giống như Chevron, Shell đã ngừng vận chuyển dầu thô qua Biển Đỏ, các báo cáo dẫn nguồn thạo tin cho biết vào đầu tuần này.

Việc chuyển đổi từ vận tải đường biển sang hàng không có khả năng đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay lên cao hơn trong thời kỳ khủng hoảng ở Trung Đông.

Yngve Ruud, người đứng đầu bộ phận Hậu cần hàng không tại công ty hậu cần toàn cầu Kühne+Nagel nói với Reuters: "Chúng tôi đang nói chuyện với nhiều khách hàng về việc tăng công suất nhiên liệu hàng không. Chúng tôi có thể có nhiều cuộc thảo luận và đề xuất hơn bình thường từ 20-30% trong tháng 1".

Giá xăng tại Mỹ chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm

Theo dữ liệu mới nhất của GasBuddy, giá xăng bán lẻ ở Mỹ đã thay đổi trong tuần này sau khi giảm hai tuần liên tiếp, tăng lên 3,04 USD/gallon vào ngày 16/1.

Dữ liệu của GasBuddy cho thấy mức trung bình trên cả nước cho một gallon xăng vẫn thấp hơn 1,4 cent so với một tháng trước và giảm 23,9 cent so với một năm trước. Các cuộc tấn công vào các tàu buôn ở Biển Đỏ là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá gần đây nhất.

"Tuần trước, Mỹ đã phát động các cuộc tấn công phiến quân Houthi khiến giá dầu tăng vọt, nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại do lo ngại kinh tế với nhu cầu yếu đã cản trở đà tăng. Tồn kho xăng cũng chứng kiến một đợt tăng mạnh khác, gây áp lực giảm giá xăng và tạo cơ hội cho giá xăng trung bình trên cả nước có khả năng giảm xuống dưới 3 USD/gallon trong thời gian ngắn". Patrick De Haan, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu mỏ tại GasBuddy nhận xét.

Trong khi giá xăng ở Mỹ dường như đang tăng lên, việc nhà máy lọc dầu Lukoil công suất 340.000 thùng/ngày của Nga ở Nizhny Novgorod buộc phải dừng hoạt động khẩn cấp vào thứ Sáu tuần trước đã khiến Nga xem xét lệnh cấm xuất khẩu xăng để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong nước và cũng đang xem xét mua xăng trên thị trường để cung cấp cho các trạm xăng của mình.

Hầu hết lượng dầu diesel xuất khẩu của Nga đều đến Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.

Trong khi xu hướng hiện tại - có lẽ là ngắn hạn - ở Mỹ đang cho thấy giá xăng bán lẻ tăng, EIA dự báo giá xăng sẽ giảm trong năm nay do tồn kho tăng bởi công suất lọc dầu cao hơn.

Thế giới tăng công suất LNG quá mức?

Năm ngoái, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Năm nay, chính phủ liên bang đã bắt đầu xem xét quá trình phê duyệt các cơ sở LNG mới.

Cùng thời điểm, một cảnh báo được đưa ra về tình trạng dư thừa công suất LNG sắp tới, trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng việc nhập khẩu LNG đang gia tăng của Trung Quốc đang đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu.

Energy Monitor báo cáo rằng nhu cầu về LNG sẽ sớm đi ngang và bắt đầu giảm, đó là lý do tại sao phần lớn công suất LNG hiện đang được xây dựng sẽ trở thành tài sản mắc kẹt. Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, một tổ chức tư vấn ủng hộ quá trình chuyển đổi, đã lập luận trong một số báo cáo rằng công suất năng lượng toàn cầu sẽ vượt nhu cầu nhiên liệu.

Tuy nhiên, nhu cầu dường như vẫn khá mạnh, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, nhu cầu mạnh đến mức Liên minh châu Âu năm ngoái đã nhập khẩu một lượng khí đốt hóa lỏng kỷ lục của Nga bất chấp những cam kết rằng nước này đã cắt đứt mọi quan hệ khí đốt với nhà cung cấp hàng đầu trước đây của mình. Và dường như họ vẫn tiếp tục mua số lượng kỷ lục LNG của Nga.

Lập luận cho rằng, công suất LNG đang được xây dựng quá mức là dựa trên dự đoán rằng tất cả nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ sớm giảm. Lý do nó đi xuống là do lượng tiêu thụ giảm - ít nhất là trong trường hợp của châu Âu. Báo cáo của Energy Monitor cho thấy nhu cầu khí đốt giảm 20% vào năm 2022, vượt quá mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong bối cảnh giá tăng cao.

Không có gì đáng ngạc nhiên, chính những mức giá này đã ảnh hưởng đến tiêu dùng nhiều hơn bất kỳ mức cắt giảm nào do chính phủ yêu cầu.

Thực tế về nhu cầu khí đốt là rất dễ giảm khi bạn không cần đến chúng. Nước Đức vào mùa đông năm 2022 là một ví dụ điển hình. Mọi người được khuyến cáo nên tiết kiệm năng lượng, tắm trong thời gian ngắn hơn và vặn nhỏ máy sưởi.

Bình An