Tiến sĩ Võ Trí Thành: Giảm lãi suất chưa đủ để cứu doanh nghiệp

06:53 | 21/07/2012

1,023 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vấn đề lãi suất hiện đang nóng hơn bao giờ hết bởi nó ảnh hưởng đến sự sống còn của các doanh nghiệp cũng như hoạt động của các ngân hàng và nền kinh tế. Việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ là thêm cách cứu doanh nghiệp nhưng lại làm mất hàng chục nghìn tỉ đồng lợi nhuận của các nhà băng. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với Báo Năng Lượng Mới xung quanh câu chuyện “nóng” này.

PV: Thưa ông, việc giảm lãi suất đã giải quyết thực chất các khó khăn của doanh nghiệp hay chưa?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Việc điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay dù chỉ là giải pháp hành chính, mang tính áp đặt, song đây là biện pháp cần thiết, phù hợp với xu hướng giảm lạm phát. Trong một chừng mực nhất định nó cũng phản ánh sự chuyển dịch trong chính sách tiền tệ, lỏng đi một chút. Tuy nhiên, để kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn thì phải kết hợp nhiều việc, như xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản, tăng cường cơ chế bảo lãnh tín dụng…

Tiến sĩ Võ Trí Thành

Thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Việc hạ lãi suất các khoản vay cũ cho khách hàng xuống dưới 15% và giảm lãi suất các khoản vay mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm được khoản tiền đáng kể trả cho ngân hàng, đồng thời giúp tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và có điều kiện để giảm chi phí đầu vào, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm, kích thích người mua. Thời gian qua, tiền bơm ra nhiều nhưng không chảy vào sản xuất là vì các doanh nghiệp cố gắng vay những khoản mới với lãi suất thấp để trả nợ ngân hàng những khoản vay cũ lãi suất cao. Nay lãi suất nợ cũ hạ xuống sẽ khiến tiền chảy vào sản xuất nhiều hơn, góp phần cứu doanh nghiệp nói riêng và cứu cả nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất chỉ thực sự giúp ích cho doanh nghiệp khi họ tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ. Doanh nghiệp có được vay vốn với lãi suất thấp hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ với ngân hàng, thiện chí mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp. Thực tế, có doanh nghiệp đã vay được vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, song không ít doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Điều này càng gây khó khăn, thiệt thòi cho họ. Hàng hóa của họ càng khó cạnh tranh hơn bởi chi phí đầu vào cao khiến giá thành cao hơn

PV: Vậy Chính phủ và cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào thì mới cứu doanh nghiệp được tận gốc, thưa ông?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Thứ nhất là, hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà trước hết phải hạ lãi suất. Nhưng lãi suất chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn nhất hiện nay là làm thế nào doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng. Thứ hai là, miễn giảm thuế, cả thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn thuế giá trị gia tăng. Một điều nữa là cố gắng để doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng và cho họ tiếp cận nguồn vốn ODA, rồi trái phiếu Chính phủ. Chúng tôi cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện những dự án kết cấu hạ tầng có thể kéo dài, không hoàn thành trong năm 2012 này, nhưng có sức lan tỏa đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía cầu, điều cần thiết là đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở nước ngoài lẫn tạo nhu cầu trong nước, tăng sức mua ở thị trường nội địa nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả đồng vốn…

PV: Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 15/7, lãi suất cho vay tất cả các khoản nợ cũ được đưa về dưới 15%/năm. Điều này cũng đã được một số ngân hàng công bố, nhưng thực tế hàng loạt khách hàng vẫn đang phải chịu lãi suất nợ cũ ở mức 17 – 20%/năm. Như vậy, liệu các ngân hàng có làm trái lệnh của Ngân hàng Nhà nước không, thưa ông?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Thời gian qua dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần chỉ đạo hạ lãi suất cho vay và nhiều ngân hàng thương mại bề ngoài luôn “nhiệt liệt hưởng ứng” nhưng bên trong họ vẫn như một pháo đài kiên cố duy trì lãi suất cao. Thực ra, việc giảm lãi suất nợ vay cũ chỉ là giải pháp tình thế nhằm xoa dịu dư luận hơn là đi vào thực chất giải quyết tình trạng lãi suất cao ngất ngưởng giết chết doanh nghiệp.

Trong hợp đồng vay giữa khách hàng với ngân hàng thông thường có đưa ra khoảng thời gian để thay đổi lãi suất vay theo lãi suất hiện tại của thị trường, như sau mỗi 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng… Vì thế mà tùy từng hợp đồng, ngân hàng có quyền giảm lãi suất cho vay về dưới 15%/năm hoặc giữ nguyên. Về mặt pháp lý, những ngân hàng chưa giảm lãi suất các khoản vay nợ cũ về dưới 15%/năm dù là trái lệnh của Ngân hàng Nhà nước song những hợp đồng cho vay của họ đã được pháp luật bảo hộ, và họ chỉ việc làm theo hợp đồng, nên không vi phạm. Còn yêu cầu giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về dưới 15%/năm của Ngân hàng Nhà nước chỉ là việc áp đặt hành chính, nên nhiều ngân hàng có thể lơ đi. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đưa ra chế tài xử lý đối với những ngân hàng không giảm lãi suất các khoản nợ cũ về dưới 15%/năm, nên các nhà băng cứ “tùy hứng” mà làm. Nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định về trần lãi suất cho vay không được vượt quá bao nhiều phần trăm, ngân hàng nào làm sai sẽ có các hình thức xử phạt rõ ràng, nghiêm minh thì lại là một chuyện khác.

PV: Nhưng thực tế, nhiều ngân hàng vẫn phớt lờ chỉ đạo giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Muốn thực hiện được việc này hiệu quả, theo ông cần có các biện pháp gì đi kèm?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Có nhiều lý do để các ngân hàng thương mại phớt lờ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, những yêu cầu này chỉ là mệnh lệnh hành chính, không có chế tài đi kèm, không có giám sát và yêu cầu bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại vận hành theo cơ chế thị trường nên họ phải lấy tín hiệu thị trường làm mệnh lệnh sống còn. Trước đó, các ngân hàng thương mại huy động vốn với lãi suất cao, trên 14 – 15%/năm thì làm sao họ có thể giảm ngay lãi suất cho vay các khoản nợ cũ xuống dưới 15%?

Muốn thực hiện được việc giảm lãi suất hiệu quả thì cần phải có giám sát nghiêm ngặt cũng như các chế tài xử phạt đi kèm đối với những ngân hàng vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần tạo động lực để các ngân hàng thương mại phấn khích trong việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vì lợi ích lâu dài của cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế. Thực tế, có một số ngân hàng dù không thích làm song vẫn tiên phong trong việc giảm lãi suất, để giữ danh tiếng, uy tín, hỗ trợ doanh nghiệp…

PV: Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp sắp phá sản, ngân hàng có nên cứu không, hay dành tiềm lực để cứu những doanh nghiệp có khả năng phục hồi?

Nhiều NHTM lớn đã thực hiện hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản, những doanh nghiệp ngấp nghé phá sản đếm không hết.

Tình trạng phá sản của nhiều doanh nghiệp hiện nay là hệ quả của những khó khăn kinh tế trong và ngoài nước nhưng không thể phủ nhận một thực tế, không ít doanh nghiệp phá sản là do năng lực chuyên môn, quản trị điều hành yếu kém, lề lối làm ăn cẩu thả. Nhiều doanh nghiệp thiếu nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô, vi mô, không minh bạch thông tin, thiếu định hướng chiến lược, không có kế hoạch sản xuất kinh doanh bền vững. Rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực chuyên ngành của mình với kết quả kinh doanh đang rất tử tế và tích lũy được ít tiền nhưng vì mong muốn “làm chơi ăn thật” đã dồn vốn và đi vay đổ vào bất động sản, chứng khoán, nên khi hai thị trường này khó khăn, dẫn tới bị đổ bể. Rất nhiều doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh rất thấp nhưng lại muốn tăng trưởng nóng, cơ cấu nguồn vốn lỏng lẻo, vốn của chủ sở hữu thì ít nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Những doanh nghiệp này đã tự ảo tưởng về quy mô tăng trưởng nóng, đẻ ra nhiều dự án và vay nhiều.

Vì vậy, theo tôi, thời điểm khó khăn hiện nay chính là cơ hội để tái cơ cấu, sàng lọc lại những doanh nghiệp ốm yếu, làm ăn mạo hiểm nhưng không lượng sức mình.

PV: Hiện lãi suất tiết kiệm đang giảm mạnh, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… còn lình xình, tiền gửi có là kênh lựa chọn ưu tiên của người dân khi trần lãi suất huy động chỉ còn 9%/năm hay không, thưa ông?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Mặc dù lãi suất huy động đã giảm đáng kể từ đầu năm đến nay, từ hơn 14%/năm xuống còn 9%/năm, song hiện tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư người dân quan tâm. Nếu tính toán, người gửi tiền có thể thấy mình vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương. Bởi lạm phát đang có xu hướng giảm, dự báo trong năm nay không quá 8%, người dân gửi tiền lãi suất 9%/năm vẫn có lợi. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… vẫn đang đóng băng hoặc lình xình, nên nhiều người vẫn chọn gửi tiền ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn và vẫn sinh lợi. Báo cáo hoạt động của các ngân hàng thương mại trong nhiều tuần qua cũng cho thấy lượng tiền huy động vẫn không giảm đi.

PV: Trước đó có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề có nên gỡ bỏ trần lãi suất huy động hay không. Theo ông, trần lãi suất huy động có còn quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Quy định trần lãi suất cho vay nhằm hạn chế việc cho vay nặng lãi, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tính toán tiết giảm chi phí sản xuất. Vì thế khi vẫn còn kỳ vọng vào trần lãi suất cho vay, việc duy trì trần lãi suất huy động là điều cần thiết.

Thực tế vừa qua khi Ngân hàng Nhà nước cho phép thả nổi lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi suất ở các kỳ hạn này đã tăng lên 11 - 12%/năm.

Trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, doanh nghiệp ốm yếu, bên cạnh giải pháp thị trường nếu không áp dụng giải pháp hành chính sẽ khó lòng góp phần điều hành nền kinh tế. Hơn nữa, khi nền kinh tế đang trì trệ như hiện nay không nên thả nổi lãi suất sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi vẫn nên áp trần lãi suất huy động.

PV: Nhiều người cho rằng, dù biết yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vốn vay cũ xuống 15%/năm thiếu những điều kiện cần và đủ để các ngân hàng thực thi, nhưng động thái này của Ngân hàng Nhà nước cũng hé mở lối thoát cho bài toán cấu trúc lại nợ xấu giúp nhiều doanh nghiệp cầm cự và tồn tại. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Nợ xấu chỉ thật sự giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định trở lại. Vì vậy, hệ thống ngân hàng cần phải đi vào giải quyết một cách thực chất các vấn đề đang tồn tại chứ không phải đưa ra những chiêu trấn an như giảm lãi suất khi tính khả thi của việc này vẫn còn nhiều nghi ngờ và cần một thời gian dài nữa. 

Tuy nhiên, theo tôi, tháng 8 tới sẽ là một tháng thú vị với điểm rơi của các chính sách, trong đó có thể có phương án xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.

Cơ quan chức năng có thể đưa ra 3 cách xử lý nợ xấu tại ngân hàng. Cách thứ nhất là để cho các ngân hàng tự xử lý nợ xấu thông qua lập các công ty mua bán nợ (AMC) song cách này chỉ có thể giải quyết được các khoản nợ nhỏ. Phương án thứ hai là dựa vào các tổ chức nước ngoài hoặc môi giới trên thị trường thế giới.

Cách thứ ba và cũng là phương án quan trọng nhất là khoản nợ xấu trên sẽ do Chính phủ giải quyết. Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng hôm 7/7, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỉ đồng. Trong tổng số khoảng 100.000 tỉ đồng nợ xấu, có 84% được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng135% giá trị nợ xấu.

PV: Theo ông, khi lãi suất huy động đang xuống thấp như hiện nay, liệu tình hình căng thẳng thanh khoản vào cuối năm có tái diễn như những năm trước?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Hiện nay, ngoại trừ những ngân hàng thương mại yếu đang được Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu, thì nhu cầu vay vốn trên liên ngân hàng của các ngân hàng thương mại khác không cao. Chưa kể hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang quản lý chặt chẽ thị trường này. Điều này sẽ buộc các Ngân hàng thương mại phải cẩn trọng trong cho vay cũng như tăng cường thanh khoản để đảm bảo an toàn hoạt động. Nếu lãi suất 9%/năm được giữ đến cuối năm nay thì mức tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn được duy trì.

Thực tế, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang được cải thiện đáng kể khi họ đã rút ra được bài học kinh nghiệm thanh khoản là vấn đề quan trọng cho sự an toàn, bền vững của ngân hàng từ những năm trước.

Theo nhận định của TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì tháng 8 là tháng “đầy thú vị”, lúc đó bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ rõ hơn rất nhiều. Nếu có phản ứng chính sách theo hướng có những thay đổi đáng kể thì phải đợi đến tháng 8, ví dụ như quyết định rõ ràng về xử lý nợ xấu, bảo lãnh tín dụng, giải ngân ngân sách…

Ông Thành cho rằng chúng ta không thể đánh đổi tăng trưởng với bất ổn kinh tế vĩ mô nên đồng tiền Việt Nam sẽ khan hiếm hơn rất nhiều so với 5 năm mới gia nhập WTO, ví dụ chính sách tiền tệ có thể nới lỏng trong năm nay hoặc năm sau nhưng chúng ta sẽ không tăng cung tín dụng quá 15% cũng như thâm hụt ngân sách quá 4,5%. Bởi vì chúng ta cần ổn định, cần thay đổi cách thức phát triển.

TS Võ Trí Thành dự đoán tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam khoảng 5,1%.


Tùng Lê (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)