Tiền lương & Tiền thưởng

07:00 | 08/01/2013

1,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Câu tục ngữ “một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” xem ra có thể không đúng với thực tế tiền lương năm 2012 và nhất là thưởng tết 2013.

Giáp tết rồi, hàng vạn lao động ở các doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản, chủ bỏ trốn… lương còn chẳng có nói gì đến thưởng. Những thông tin đầu tiên về tiền thưởng tết đang làm buồn lòng người lao động. Cũng như một số năm gần đây tiền thưởng tết vẫn lâm cảnh “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. 30 ngàn và 624 triệu đồng tiền thưởng tết, chênh nhau hàng nghìn lần là hai thái cực của một thực trạng buồn khi xuân về tết đến. Hình như người lao động vẫn nhầm lẫn về tiền thưởng tết.

Hóa ra về tiền thưởng, hiện tại chưa có quy định nào của Nhà nước bắt buộc doanh nghiệp phải có tiền thưởng cho người lao động. Tiền thưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh và thực hành tiết kiệm của doanh nghiệp. Lãi nhiều thì thưởng lớn hay lãi ít thì thưởng nhỏ. Thậm chí không lãi thì doanh nghiệp cũng không thưởng. Giám đốc không móc hầu bao ra thưởng cho người lao động. Luật không quy định xử phạt nếu doanh nghiệp không thực hiện thưởng trong dịp lễ tết.

Tiền thưởng tết chỉ là một món quà thể hiện sự quan tâm của chủ doanh nghiệp với người lao động, động viên người ta làm việc tốt và gắn bó lâu dài. Vì vậy, thưởng tết cho người lao động là việc đương nhiên các doanh nghiệp nên làm, nó thuộc về lương tâm, tránh nhiệm của doanh nghiệp chứ không thể đưa vào chế tài bắt buộc của Nhà nước. Luật chỉ khuyến cáo các doanh nghiệp nên có thưởng tết cho người lao động mà thôi.

Còn với cánh văn phòng các cơ quan hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu, khoản thưởng tết trông chờ vào tài “kinh bang tế thể”, “ngoại giao” của người đứng đầu mà nếu có, cũng thường là rất tượng trưng. Tôi nhớ có một cái tết, ở bộ nọ, cầm chắc không tiền tết, ông bộ trưởng gọi vụ trưởng tài vụ lên giao nhiệm vụ lo bằng được 300.000 đồng cho mỗi cán bộ, nhân viên văn phòng bộ. Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm tìm nguồn bù đắp. Sau tết, ông kể, phải mất mấy tháng mới kiếm được nguồn trả nợ tiền tết. Chuyện năm cũ là vậy, còn chuyện tết này?

Năm nay ở TP Hồ Chí Minh có thông tin, mức thưởng tết cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với mức thưởng là 624 triệu đồng/người, vẫn thấp hơn năm trước. Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về tình hình tiền lương năm 2012 và kế hoạch thưởng tết 2013 cho thấy mức thưởng cao nhất lại thuộc về doanh nghiệp dân doanh.

Tuy nhiên, thu nhập bình quân cho người lao động chỉ bằng năm 2011, nghĩa là kém rồi. Còn mức thưởng tết bình quân là 3,17 triệu đồng/người, giảm 14,5% so với năm trước. Trong đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người.

Đối với khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng cao nhất là 74,5 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.

Tại tỉnh Bình Dương, mức thưởng tết năm 2013 thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 208 triệu đồng và mức thưởng bình quân 3,45 triệu đồng. Như vậy, mức thưởng tết ở Bình Dương chênh lệch đến hơn 100 lần. Ai đó tính rằng, nếu bình quân mỗi người 5 con gà thì nhiều người chỉ có cặp… chân gà xương xẩu.

Vậy là tết này sẽ là một tết buồn của người lao động vì sản xuất khó khăn, kinh doanh đình trệ. Tiền thưởng tết tùy thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu. Được chừng nào hay chừng đó vậy!

                                            Bảo Dân