Tiền chửa, tiền đẻ

07:00 | 10/03/2013

4,186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mấy ngày hôm nay dư luận lại sôi sục về chuyện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất việc nên đánh thuế vào tiền lãi của những khoản tiền tiết kiệm trên 500 triệu. Lý do mà hiệp hội này đưa ra xem ra cũng không phải là “vô lý”.

Bởi vì gửi tiết kiệm thì dù dưới hình thức nào, từ hoàn cảnh nào cũng là một cách kinh doanh, mà đã kinh doanh, có lãi thì xem xét việc nộp thuế là bình thường. Tuy nhiên, dư luận “sôi sục” chính là vì họ nghi ngờ động cơ chưa trong sáng của việc đánh thuế này. Ấy là Hiệp hội Bất động sản “có vẻ” muốn hướng dòng tiền tiết kiệm này sang giải cứu cho bất động sản.

Người Việt Nam mình có câu: “Tiền trong nhà tiền chửa. Tiền ra cửa tiền đẻ”, có nghĩa là phải làm thế nào để cho đồng tiền luôn luôn sinh lời. Đấy mới là mục đích đầu tiên của kinh doanh. Đúng là ở nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế tiền lãi của các khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì còn phải cân nhắc, xem xét và phải có lộ trình cụ thể.

Những người dân nghèo chắt bóp được ít tiền, mang gửi tiết kiệm để kiếm đồng tự nuôi thân mình lúc già yếu, ốm đau, đó là chuyện bình thường. Nếu như khoản tiền này có vượt qua hơn 500 triệu, thậm chí một vài tỉ thì cũng chẳng nên nghĩ đến chuyện “tận thu” của họ làm gì. Bởi những người này biết đâu chẳng thể mang tiền đi kinh doanh.

Nhưng với những cá nhân, tập thể mang tiền đi gửi tiết kiệm với mục đích kinh doanh rõ ràng thì phải đánh thuế. Nhỡn tiền là việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã mang 19.600 tỉ đồng đi gửi tiết kiệm và thu lãi 1.568 tỉ. Số tiền lãi này chiếm 40,32% doanh thu của SCIC. Như vậy, rõ ràng trong trường hợp này thì SCIC đã kinh doanh tiền tệ bằng cách gửi tiết kiệm và thu được số lãi khổng lồ nhờ việc được nắm trong tay một số vốn khổng lồ. Vậy nếu đánh thuế những khoản này thì cũng là hợp lý chứ sao?

Ở đây chưa bàn đến việc một tổng công ty Nhà nước được giao nhiệm vụ kinh doanh và giữ quyền đại diện vốn Nhà nước lại mang tiền đi gửi lấy lãi là có vi phạm các quy định về kinh doanh tiền tệ hay không và có được phép hay không, mà riêng khoản lãi này, nếu không đánh thuế mới là vô lý.

Cũng có một thực trạng phải nhìn nhận rằng, việc người dân mang tiền đi gửi tiết kiệm nhiều chưa hẳn đã là một điều tốt cho nền kinh tế (trừ những người không thể biết và có cơ hội kinh doanh). Khi kinh tế đi xuống, sản xuất sụt giảm, lạm phát gia tăng, sự sụp đổ dây chuyền của rất nhiều doanh nghiệp gây mất lòng tin cho giới kinh doanh thì một biện pháp an toàn nhất là mang tiền đi gửi tiết kiệm. Những người làm kinh doanh thừa biết làm thế nào để “đồng tiền chửa đẻ”. Cho nên phải mang tiền đi gửi tiết kiệm là biện pháp “vạn bất đắc dĩ”.

Về đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, theo thiện ý của người viết, không nên “vùi dập”, mà cần bình tĩnh xem xét điều gì nên, điều gì chưa nên thực hiện trong sáng kiến này. Người Việt Nam mình bấy lâu nay thường rất dị ứng mỗi khi có chính sách, chủ trương mà họ thấy rằng, họ phải chi thêm tiền. Tất nhiên là không ai muốn “mất” mà chỉ muốn “tăng”, nhưng sự “mất” hay “tăng” ấy phải có lý. Một chính sách mới có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số ít người, nhưng nếu mang lại lợi ích cho cái chung, cho cộng đồng thì cớ sao lại không dám làm?

Như Thổ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc