Tia lửa giết chết 47 thủy thủ thiết giáp hạm Mỹ năm 1989

08:05 | 18/05/2019

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự cố dây chuyền khiến tháp pháo số hai trên chiến hạm USS Iowa bất ngờ phát nổ trong đợt bắn đạn thật, khiến nhiều người thương vong.
Tia lửa giết chết 47 thủy thủ thiết giáp hạm Mỹ năm 1989

Tháp pháo số 2 vẫn trong vị trí chờ khai hỏa khi USS Iowa về cảng sau vụ nổ. Ảnh: US Navy.

Tháng 4/1989, thiết giáp hạm USS Iowa rời quân cảng Norfolk với vai trò là kỳ hạm trong Fleetex 3-89, đợt diễn tập hải quân quy mô lớn giữa Mỹ, Brazil và Venezuela ở vùng biển gần Puerto Rico. Tuy nhiên, chuỗi sự cố dây chuyền trong nội dung bắn đạn thật sau đó đã dẫn tới vụ nổ tháp pháo trên thiết giáp hạm này, làm 47 thủy thủ thiệt mạng.

USS Iowa là thiết giáp hạm được hạ thủy năm 1942, dài 271 m và có lượng giãn nước đầy tải 58.000 tấn, tốc độ tối đa 65 km/h. Tàu được trang bị dàn vũ khí hùng hậu, nổi bật là 9 pháo hạm cỡ nòng 406 mm lắp trên 3 tháp pháo chính. Mỗi tháp pháo có giáp dày gần 0,5 m và nặng tới 1.200 tấn.

Sáng 19/4/1989, USS Iowa di chuyển với tốc độ 28 km/h ở khu vực cách Puerto Rico khoảng 480 km về phía đông bắc để chuẩn bị tham gia bài tập bắn đạn thật. Các kíp pháo thủ được lệnh vào vị trí sẵn sàng chiến đấu trong ba tháp pháo chính. 30 phút sau, cả ba tháp pháo đều quay về bên phải, sẵn sàng khai hỏa.

Tháp pháo số 1 bắt đầu bài diễn tập lúc 9h33, nhưng khẩu pháo bên trái của nó gặp trục trặc và không thể khai hỏa. Đài chỉ huy lập tức yêu cầu kíp pháo thủ ở tháp pháo số 2 nạp đạn và bắn đồng loạt cả ba khẩu pháo, dù quy trình vận hành đòi hỏi thủy thủ đoàn giải quyết sự cố ở tháp pháo số 1 trước khi tiếp tục buổi huấn luyện.

Mike Carr, xạ thủ thuộc kíp pháo 406 mm ở đuôi tàu, là một trong những người đầu tiên biết về vụ nổ và tiếp cận hiện trường.

Tia lửa giết chết 47 thủy thủ thiết giáp hạm Mỹ năm 1989
Khói và mảnh vỡ văng ra từ vụ nổ tháp pháo số 2. Ảnh: US Navy.

"Lúc 9h50, tôi nghe thấy tiếng ai đó thông báo qua điện đàm rằng pháo giữa ở tháp số 2 gặp sự cố. Hai phút sau, Reginald Ziegler, chỉ huy tháp pháo số 2, hét lớn rằng 'có cháy' và cho biết họ đang tìm cách kiểm soát ngọn lửa", Carr nhớ lại.

9h53, cụm pháo giữa của tháp pháo số 2 phát nổ. Vụ nổ mạnh đến mức khiến toàn bộ thiết giáp hạm rung chuyển, tạo ra quả cầu lửa có nhiệt độ 1.400-1.600 độ C và tốc độ di chuyển hơn 600 m/s. Ngọn lửa lan ra cả ba cụm pháo và khoang bên dưới, gây ra thêm hai vụ nổ và khiến toàn bộ 47 người trong tháp pháo số 2 thiệt mạng.

Carr và nhiều thủy thủ bắt đầu mặc đồ cứu hỏa trong lúc khói đen ngùn ngụt tỏa ra từ tháp pháo số 2. Họ nhanh chóng phát hiện hai pháo thủ bị thổi bay từ trong tháp pháo xuống boong tàu. "Một trong hai người tử vong ngay trên tay tôi", Carr nhớ lại.

Các thủy thủ trên USS Iowa sau đó tiếp cận được tháp pháo số 2 và trông thấy khung cảnh kinh hoàng bên trong. Carr tìm cách dập lửa đến khi ngất đi vì hít phải quá nhiều khói, sau đó tỉnh dậy trong một phòng sơ cứu khẩn cấp.

Thủy thủ đoàn mất 8 giờ để dập lửa. Họ phải liên tục phun nước lên nóc tháp pháo số 2 cùng nòng pháo trái và phải, do hai khẩu pháo đã nạp đạn và có thể bất ngờ khai hỏa nếu bị quá nhiệt.

Tia lửa giết chết 47 thủy thủ thiết giáp hạm Mỹ năm 1989
Thủy thủ phun nước vào khu vực cháy trên tháp pháo số 2. Ảnh: US Navy.

Cuộc điều tra của hải quân Mỹ gây ra nhiều tranh cãi, trước khi lực lượng này kết luận rằng không thể xác định nguyên nhân dẫn tới vụ nổ. Các nhóm chuyên gia độc lập thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia (SNL) và Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) nhận định rằng sai sót trong vận hành của kíp pháo thủ đã tạo ra tia lửa, gây cháy các túi thuốc phóng và dẫn tới loạt vụ nổ dây chuyền trong tháp pháo số 2.

Sau thảm họa, hải quân Mỹ quyết định không sửa tháp pháo số 2 và loại biên tàu Iowa vào tháng 10/1990.

Theo VNE

Yamato - Bản bi hùng ca của Hải quân Nhật Bản
Chiến hạm Na Uy được cảnh báo liên tục trước khi bị tàu dầu đâm
Chiến hạm Việt Nam bắt đầu tham gia diễn tập ASEAN - Trung Quốc
Nga: Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương trở về căn cứ Vladivostok