Thương mại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại

19:00 | 05/12/2022

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tháng 11 vừa qua nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực sụt giảm cả về lượng và giá trị nhưng tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 10,6 tỉ USD.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (giá dầu, khí đốt, giá lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thương mại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại
Thương mại Việt Nam trong 2 tháng 10-11/2022 đang có dấu hiệu giảm sút so với 3 quý đầu năm.

Từ quý IV năm 2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi, nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng. Mặt khác, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam

Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 11 ước tính giảm so với tháng trước đó.

Tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,18 tỉ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,5 tỉ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 254,75 tỉ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỉ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản xuất khẩu chiếm 8,2%, còn nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 28,3 tỉ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 10,1 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cà phê đạt 3,5 tỉ USD, tăng 31,5% về trị giá xuất khẩu và tăng 10% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo đạt 3,2 tỉ USD, tăng 16% về lượng và tăng 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 11 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 294,5 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón các loại tăng 127,8%; hóa chất, tăng 32,5%; sản phẩm hóa chất tăng 28,2%; Túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 39,3%; Hàng dệt và may mặc tăng 18,5%; Giầy, dép các loại tăng 39,9%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11%;

Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 27,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 23,3%; Dây điện và cáp điện tăng 11,9%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 13%; Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 47%; sản phẩm từ sắt thép tăng 20,6%; đá quý và kim loại tăng 34%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 35%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 11 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu than đá tăng 74%; dầu thô tăng 33,5%; xăng dầu các loại tăng 31%).

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,7% tổng KNXK cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt gần 53 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 43,5 tỉ USD, tăng 21%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 31 tỉ USD, tăng 19,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 22,5 tỉ USD, tăng 13,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt gần 22 tỉ USD, tăng 21,2%.

Thương mại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại
Dầu thô, than đá có lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực khai khoáng.

Tháng 11, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,4 tỉ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỉ USD, tăng 6,4% so với tháng trước còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỉ USD, giảm 0,6%.

Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,4 tỉ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,18 tỉ USD, tăng 9,6%.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 58 tỉ USD, tăng 14,8%; ASEAN ước đạt 43 tỉ USD, tăng 16%; Nhật Bản ước đạt 21,7 tỉ USD, tăng 6,6%; EU ước đạt 14 tỉ USD, giảm 9,2%; Hoa Kỳ ước đạt 13,4 tỉ USD, giảm 5%.

Tháng 11/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 0,78 tỉ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỉ USD. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,9 tỉ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,6 tỉ USD. Điều này cho thấy nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn phục hồi mạnh, sản xuất công nghiệp đang không ngừng tăng trưởng trở lại và có tỉ suất lợi nhuận cao.

Thành Công

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không
Khởi động Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022 Khởi động Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2022
Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với thị trường Á - Âu Thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với thị trường Á - Âu