Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá

06:29 | 02/12/2022

634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 1/12, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức phiên toàn thể với chủ đề “Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp vững bền - Quốc gia thịnh vượng”.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD; ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư; bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam…

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Toàn cảnh hội trường.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công cho biết, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội, môi trường. Diễn đàn lần này, với sự tham dự của các nhà thiết kế chính sách, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững... sẽ là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những mô hình tiêu biểu, những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các khuyến nghị chính sách vì mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế và quốc gia.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, để đạt được các mục tiêu theo lộ trình về phát thải ròng bằng 0 và thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2050, thách thức lớn đối với Việt Nam bao gồm: Nguồn tài chính phải chi cho việc thực hiện các mục tiêu phát thải bằng 0 là rất lớn; Trình độ kỹ thuật và năng lực công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, còn hạn chế.

Doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường carbon; đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh từ các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, 10 chủ đề ngành ưu tiên trong kế hoạch hành động tăng trưởng xanh bao gồm: Năng lượng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp &PTNT, Y tế, Du lịch, QLTN nước, đất, ĐDSH; KT biển, QL chất thải, QL chất lượng không khí. Trong đó ngành quan trọng nhất là năng lượng.

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh đối với ngành năng lượng, chúng ta cần phải hoàn thiện thị trường NL cạnh tranh; xây dựng luật NL mới và tái tạo; điện hóa các ngành kinh tế; hạn chế/cấm sử dụng động cơ xăng dầu; tăng cường giao thông công cộng; phát triển hợp lý các nhà máy nhiệt điện khí có hiệu suất cao, tính linh hoạt cao; xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện hiện có…

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường sản xuất và sử dụng các loại nhiên liệu sinh học. Từ đó tạo tiền đề sản xuất và sử dụng nhiên liệu hydrogen.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Bà Dorsanti Madani cho biết, biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là các khu vực ven biển, nơi có các trung tâm kinh tế lớn và khu công nghiệp.

Theo đó, lượng phát thải trong hoạt động “thương mại” chiếm 1/3 lượng phát thải cả nước. Để bắt đầu khử carbon trong hoạt động thương mại, Chính phủ cần áp dụng thuế carbon, tăng cường tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cắt giảm các biện pháp phi thuế quan; ưu đãi tài chính để thu hút FDI sạch/xanh và chuyển giao công nghệ xanh…

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều sản phẩm tuyệt vời như: điện xanh, điện gió, xuất khẩu panel điện mặt trời… Tuy nhiên, ngày càng có nhiều áp lực lớn đòi hỏi các bạn phải phát triển xanh hơn, nhiều người tiêu dùng muốn sử dụng nhiều sản phẩm xanh hơn. Chính vì vậy, Việt Nam cần mở rộng thị trường và sản phẩm năng lượng tái tạo, tận dụng tư cách thành viên hiện nay trong 13 FTA đang có hiệu lực để khai thác những cơ hội về thị trường và sản phẩm mới.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Bà Hà Thị Thu Thanh, Phó chủ tịch VBCSD, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, kinh doanh bền vững là năng lực của các doanh nghiệp trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế thể hiện qua các chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với lĩnh vực ngành nghề, khu vực địa lý, và độ phủ thị trường của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Deloitte, 73% người tiêu dùng toàn cầu được khảo sát sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tác động đến môi trường. Việc nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm thay đổi thói quen mua hàng và sở thích của người tiêu dùng toàn cầu. Người tiêu dùng thường có xu hướng tương tác và thể hiện sự ưa thích mạnh mẽ đối với các thương hiệu mang tính bền vững và có đạo đức.

Xu hướng chuyển vốn vào các công ty có tính bền vững của các nhà đầu tư phần lớn phụ thuộc vào việc người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu bền vững và tuân thủ với quy định về khí hậu hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hành ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt các cơ hội “đại dương xanh”; giảm chi phí, rủi ro; đồng thời nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Toạ đàm DN phát triển bền vững.

Tại sự kiện đã diễn ra buổi tọa đàm bàn luận về các vấn đề liên quan đến đổi mới tư duy, kết nối hợp tác, xây dựng tương lai xanh với sự góp mặt 6 diễn giả đại diện cho các các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau. Các diễn giả đã có nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến chiến lược phát triển bền vững và phát triển kinh tế xanh, đồng thời, đề xuất những yếu tố giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyển đổi - Tăng tốc - Bứt phá
Ban tổ chức, khách mời, đại diện các DN tham dự diễn đàn.

Minh Đức

  • vietinbank