Thực chất về sự “trỗi dậy hòa bình” kiểu Trung Quốc?

06:00 | 18/05/2014

2,636 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc hóa ra phụ thuộc vào... tham vọng bá quyền. Trung Quốc bất chấp tất cả, không ngần ngại sử dụng bất cứ phương tiện nào.

>> Trung Quốc bịa đặt không biết ngượng mồm!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Phát biểu trong buổi mít tinh kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hiệp hội hữu nghị nhân dân Trung Quốc mới đây, Chủ tịch nước này – ông Tập Cận Bình đã hứa rằng “Trung Quốc chắc chắn sẽ kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Ông Tập còn tự tin tuyên bố: “Không có gen xâm lược trong máu người Trung Hoa và người dân Trung Quốc không chấp nhận một logic rằng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.

Tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc xem ra rất mâu thuẫn với những phát biểu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy trong cuộc họp báo gần đây với Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ tại Washington DC.

Khi được hỏi về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Phòng trắng trợn tuyên bố: "Chúng tôi không gây rắc rối. Chúng tôi không tạo ra rắc rối. Nhưng chúng tôi không sợ rắc rối. Trong vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quan điểm của chúng tôi là kiên định".

Bất chấp tất cả các bằng chứng lịch sử đều chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, họ Phòng ngang nhiên nhận vơ rằng đây là vùng lãnh thổ do các thế hệ tổ tiên Trung Quốc để lại, Trung Quốc "không chấp nhận để mất một tấc đất nào" và quyết không rút giàn khoan Hải dương 981.

Viết trên New York Times, tác giả Michael Forsythe cho rằng, ông Tập Cận Bình và Phòng Phong Huy đã “trình bày hai quan điểm khác hẳn nhau trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy (phải)

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu kết luận rằng đây là những tầm nhìn chính sách đối ngoại khác nhau của lãnh đạo Bắc Kinh.

Có thể thấy, ông Tập đã nói những điều “nghe ra thì rất là hay” trên tại một cuộc họp kỷ niệm “tình hữu nghị của Trung Quốc với nước ngoài”, cho nên, đương nhiên lãnh đạo cao nhất của Bắc Kinh sẽ tìm cách làm nổi bật ý định hòa bình của Trung Quốc. Trong khi đó, tướng Phòng Phong Huy – một nhà lãnh đạo quân sự cấp cao Trung Quốc đang đứng trên đất nước khác, bắt buộc phải bảo vệ chính sách của Bắc Kinh khi phải đối mặt với các câu hỏi trực tiếp từ các báo giới quốc tế. Những ngữ cảnh khác nhau rõ ràng đã tạo ra một sự nhấn mạnh khác nhau.

Và không phải đến lúc ông Phòng Phong Huy phát ra những lời này, những tuyên bố ngang ngược của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan đến giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng Bắc Kinh không tự nhận thức được có mâu thuẫn giữa các hoạt động trái phép của mình trong Biển Đông và cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình”.

Lời hứa “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trong thực tế là hứa hẹn không sử dụng vũ lực để mở rộng lãnh thổ của mình - nhưng lời hứa này không áp dụng với các khu vực mà Bắc Kinh tự cho là thuộc “chủ quyền” của mình, bất chấp những chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế đều không đứng về phía Trung Quốc.

Tuyên bố của ông Tập và ông Phòng thực chất chỉ là hai mặt của một đồng tiền: Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc phụ thuộc vào cái mà Bắc Kinh cho là “toàn vẹn lãnh thổ” của mình. Sự trối dậy của Trung Quốc là hòa bình nhưng Bắc Kinh sẽ bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc tế và không ngần ngại sử dụng bất cứ phương tiện cần thiết nào, kể cả vũ lực để bảo vệ cái gọi là “toàn vẹn lãnh thổ” đó.

Linh Phương