Thừa sân vận động, xây thêm làm gì?

14:02 | 10/10/2017

2,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tư cho thể thao vốn được Nhà nước quan tâm nhiều năm nay. Ngân sách dành cho xây dựng các công trình thi đấu, đào tạo và huấn luyện khá lớn.

Thế nhưng, với năng lực có hạn, kết quả mà các bộ môn thể thao mang lại qua các kỳ thi đấu trong nước, khu vực và quốc tế vẫn chỉ dậm chân ở đẳng cấp thấp. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc đầu tư những khoản kinh phí quá lớn cho thể thao phải được cân nhắc kỹ.

Từ năm 1994, Dự án xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (TP HCM) đã manh nha khởi động, do Công ty CP Thể thao Thái Sơn đứng ra đầu tư. Nhưng do dự án quá lớn, đòi hỏi diện tích mặt bằng cũng như nguồn kinh phí khổng lồ nên nhà đầu tư chưa thể thực hiện được. Bây giờ đã hơn 20 năm trôi qua, dự án lại được mang ra bàn thảo và tái khởi động. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn lại là vấn đề vốn.

Với các hạng mục chính như khu luyện tập, nhà thi đấu bóng đá trong nhà, bóng chuyền, bóng rổ, văn phòng điều hành, khu lưu trú vận động viên, nhà ăn tập thể, tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 34.000 tỉ đồng. TP HCM sẽ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017-2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư triển khai dự án.

Quy hoạch ban đầu thì dự án có quy mô 466ha, bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic, gồm một sân vận động (SVĐ) 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và thi đấu điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... Tức là nó sẽ lớn hơn SVĐ Mỹ Đình (chỉ 40.000 chỗ).

thua san van dong xay them lam gi
Dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc

Nhưng cũng phải nhìn lại công trình thể thao như SVĐ Mỹ Đình, xây dựng hết 53 triệu USD từ năm 2003 đến nay mà mỗi năm cũng chỉ để thi đấu dăm ba lần với đá bóng và điền kinh. Còn để có tiền nuôi đội quân phục vụ thì phải cho thuê tổ chức sự kiện như ca nhạc, mít tinh hoặc đám cưới.

Nếu nói là xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc để đón SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai thì phải xem lại những công trình mà Nhà nước và các địa phương đã xây dựng phục vụ SEA Games 22, năm 2003. Các nhà thi đấu đã và đang bị bỏ hoang khắp nơi. Nhà thi đấu đa năng Hà Nam nằm trên khu đất rộng 120ha, quy mô xây dựng 5 tầng, sức chứa 7.500 chỗ ngồi, vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng gần như bỏ không. Nhà thi đấu Gia Lâm, nhà thi đấu Hoàng Mai, nhà thi đấu Vĩnh Phúc đều xuống cấp, hư hỏng nhiều và vì không có sự kiện gì để tổ chức nên phải cho thuê để duy trì sự tồn tại.

Sau SEA Games 22, Việt Nam dành vị trí “nhất toàn đoàn” nhưng 74 công trình được đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp hết 3.794,62 tỉ đồng. Và khoản tiền được tài trợ thu về có 70 tỉ đồng. Thế mà hiện nay, hướng tới SEA Games 31, đáng lẽ đến lượt Campuchia là nước đăng cai nhưng họ đã từ chối, còn chúng ta lại muốn vinh dự tổ chức để chi ra khoản tiền 34 nghìn tỉ cho một khu liên hợp, chưa kể phát sinh, chưa tính đến các dự án khác (mặc dù có tiền xã hội hóa). Và bối cảnh hiện nay, ngân sách quốc gia đang phải tính đến việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, rồi phải thu bảo hiểm xã hội trên thu nhập thực nhận. Hơn nữa, Chính phủ liên tục yêu cầu thắt chặt chi thường xuyên... thì đầu tư cho thể thao là khó chấp nhận.

Nhớ lại cách đây 3 năm, Đề án xin đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019 tại nước ta đã có nhiều ý kiến của các bộ, ngành và người dân cho rằng, Việt Nam không nên đăng cai sự kiện này, bởi các sự kiện thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới đều cho thấy: nguồn thu hầu như không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau đó rất thấp. Trong khi tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam còn có nhiều khó khăn, ngân sách rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều việc khác cấp thiết hơn.

Thế thì lấy đâu ra tiền để làm sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu đua ngựa và 5 môn phối hợp… rồi nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức chưa có cơ sở chắc chắn và rất khó đảm bảo. Vì thế, Chính phủ đã quyết định không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội và sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm khác thích hợp hơn. Đó là quyết định hợp lòng dân, tránh được một sự tốn kém mà không hiệu quả.

Vì vậy, nếu Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 thì không nên xây dựng khu liên hợp thể thao mới như dự kiến ở Rạch Chiếc mà đầu tư cải tạo, nâng cấp những công trình thi đấu sẵn có từ SEA Games 22. Như thế sẽ không tốn kém khoản tiền lớn 34 nghìn tỉ đồng mà lại tận dụng được những công trình đã có. Khoản tiền 34 nghìn tỉ đồng dành ưu tiên cho những lĩnh vực kinh tế, xã hội khác cấp thiết hơn.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc