Trung Quốc và vấn đề tài nguyên Thế giới:

Thủ đoạn của kẻ tham

07:00 | 08/08/2014

1,666 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một điều có thể khẳng định rằng, chẳng nước nào tiến hành chiến dịch vơ vét tài nguyên toàn cầu với mức độ diện rộng và quy mô bằng Trung Quốc hiện nay. Ðói tài nguyên nghiêm trọng cho kế hoạch phát triển “như điên” là bằng chứng giải thích cho “cơn lên đồng” tìm kiếm và thu vén tài nguyên của họ nhưng bên cạnh đó cũng còn ẩn chứa không ít lý do khác, một sự thật cốt lõi nằm sau một sự thật bề mặt…

Năng lượng Mới số 346

Lòng tham không đáy

Tháng 4-2014, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã lên tiếng trước việc Trung Quốc vi phạm quy định mậu dịch thế giới về việc hạn chế xuất khẩu 17 loại đất hiếm và 2 loại khoáng sản khác. Chiếm đến hơn 90% sản lượng khai thác đất hiếm nhưng Trung Quốc chỉ xuất khẩu khoảng 30%. Ðây không phải lần đầu tiên người ta chỉ trích thói tham ăn của Trung Quốc khi vơ vét tài nguyên thế giới về làm của riêng.

Năm 2009, Trung Quốc chi 16,1 tỉ USD cho các thương vụ thu mua và đầu tư vào công nghiệp mỏ và khoáng sản thế giới, chiếm 27% toàn cầu (theo báo cáo Ernst & Young ngày 8-4-2010). Và chỉ từ năm 2008 đến thời điểm được Ernst & Young ghi nhận, Trung Quốc đã đầu tư hơn 50 tỉ USD trong 369 thương vụ liên quan công nghiệp khoáng sản thế giới (tất nhiên không chỉ công nghiệp mỏ mà còn dầu hỏa, khí đốt…).

Vấn đề ở chỗ Trung Quốc hoàn toàn không cạn kiệt tài nguyên đến mức phải vơ vét khắp thế giới. Trung Quốc từng “khoe” rằng họ có nguồn tài nguyên khoáng sản “dồi dào” với “171 loại khoáng sản đã được phát hiện trước nay”, trong đó có 158 loại được chứng minh là có trữ lượng đáng kể (10 loại liên quan năng lượng chẳng hạn dầu, khí đốt, than, uranium; 54 loại liên quan kim loại như sắt, mănggan, đồng, nhôm, chì, kẽm…); rằng năm 2005, các cuộc thăm dò đất và nghiên cứu địa chất đã phát hiện thêm tổng cộng 169 trầm tích mới liên quan khoáng sản với trữ lượng trung bình và lớn, trong đó có 40 quặng khoáng sản năng lượng, 58 mỏ khoáng sản kim loại...

Năm 2010, Tân Hoa Xã cho biết (dẫn lại từ công bố của Cơ quan Khảo sát địa chất trung ương nước này), rằng trong 12 năm qua, giới khoa học Trung Quốc đã phát hiện hơn 900 địa điểm chứa khoáng sản trong đó có 5 tỉ tấn quặng sắt rải rác khắp các tỉnh cũng như 38,5 triệu tấn quặng đồng tại Tây Tạng, Tân Cương và Vân Nam. Ngoài ra, đặc biệt, còn có (thêm) 450 triệu tấn quặng bauxite tại Sơn Tây, Hà Nam, Quý Châu và Quảng Tây (chỉ riêng quặng bauxite Hà Nam đã có trữ lượng tổng cộng hơn 5,6 tỉ tấn - tương đương hoặc hơn trữ lượng bauxite tại Tây Nguyên nước ta). Tất cả cho thấy Trung Quốc dường như chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng đến mức phải đi thu gom nguồn nguyên liệu toàn cầu.

Thủ đoạn của kẻ tham

Vơ vét tài nguyên châu Phi

Không chỉ là vấn đề kinh tế

Theodore H. Moran (Giáo sư Ðại học Georgetown, tác giả quyển “China’s Strategy to Secure Natural Resources”: Risks, Dangers, and Opportunities mới ấn hành) nhắc lại rằng, nhiều người bắt đầu lo ngại chuyện Trung Quốc có thể đang cố “khóa” nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới để có thể không chỉ thu vén cho riêng mình mà chiến lược này còn giúp họ mở rộng sự kiểm soát các ngành công nghiệp khai khoáng thế giới.

Nói huỵch toẹt, Trung Quốc đang “tích trữ đầu cơ” nguồn tài nguyên toàn cầu để “làm giá” (khi gần như tất cả các nguồn đã được thâu tóm và họ trở thành “nhà cung cấp độc quyền”), để “làm reo” (như một lá bài mặc cả trên thương trường hoặc thậm chí ngoại giao) và để “làm giàu” (tất nhiên!). Trong quan hệ với khối ASEAN, người ta có thể thấy cụ thể hơn, khi Trung Quốc dùng ASEAN như một thị trường để bán hàng thành phẩm giá cao trong khi họ mua nguyên liệu thô của khu vực này với giá thấp.

Thật ra, “tầm nhìn” Trung Quốc về chiến lược tài nguyên thậm chí vượt khỏi cái gọi là “nhu cầu thị trường” hay “kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia”. Chiến lược tài nguyên Trung Quốc thực chất là chiến lược bành trướng chủ nghĩa bá quyền, tương tự giống Mỹ cách đây một thế kỷ nhưng theo hướng khác. Sự khác biệt nằm ở chỗ, Trung Quốc kết hợp giữa nhu cầu phát triển kinh tế thật sự với mục tiêu và viễn kiến bành trướng chính trị.

Trung Quốc có thể được định nghĩa là một cường quốc siêu thực tế (uber-realist power). Ðến châu Phi, họ chỉ đặt trọng tâm với chiến dịch đầu tư vào những quốc gia dồi dào nguồn dầu cũng như khoáng sản. Khu vực vành đai Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương cũng tương tự. Nói cách khác, những quân cờ của họ luôn được đặt tại những địa điểm xung yếu mang lại ưu thế địa chính trị.

Về vấn đề đất hiếm

Chiếm 37% trữ lượng nguyên liệu đất hiếm (khoảng 36 triệu tấn) và kiểm soát đến hơn 97% sản lượng toàn cầu, Trung Quốc đang nắm lợi thế tuyệt đối trên thị trường nguyên liệu đất hiếm. Ðây là kết quả một chiến lược đầu tư lâu dài mà chính phủ Bắc Kinh âm thầm thực hiện nhiều thập niên qua…

Từ khi đất hiếm được phát hiện lần đầu năm 1787 nhờ công của sĩ quan quân đội Thụy Ðiển Carl Axel Arrhenius, mối quan tâm đất hiếm và ứng dụng của chúng ngày càng tăng. Tháng 3-1986, sau khi ba nhà khoa học trong nước đề xuất một lộ trình đầu tư khoa học kỹ thuật chi tiết và chỉn chu, lãnh đạo Ðặng Tiểu Bình đặt bút phê Chương trình 863, với mục tiêu “đặt chân vào vũ đài thế giới; đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực kỹ thuật then chốt cho đời sống kinh tế và an ninh quốc gia”.

Bắt đầu từ thời điểm đó, Trung Quốc nhắm vào việc khai thác và tích trữ nguyên liệu đất hiếm. 11 năm sau, tháng 3-1997, Bộ Kỹ thuật - Khoa học Trung Quốc tung ra Chương trình 973. Ðây là kế hoạch đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản lớn nhất Trung Quốc trước nay. Các dự án thuộc Chương trình 973 có thể kết thúc trong 5 năm và được tài trợ 10 triệu tệ (khoảng 1,46 triệu USD).

Thủ đoạn của kẻ tham

Công nghiệp khai thác đất hiếm của  Trung Quốc đang làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường

Năm 1999, (Chủ tịch) Giang Trạch Dân nhấn mạnh: “Cần phải cải thiện sự phát triển và ứng dụng đất hiếm và đưa lợi thế về nguồn thành thế mạnh kinh tế vượt trội”. Vậy là công nghiệp khoáng sản Trung Quốc lao vào các dự án khai thác đất hiếm - những nguyên liệu mà khi kỹ thuật cao càng phát triển thì tính ứng dụng của chúng càng nhiều. Ðầu thập niên 60 của thế kỷ trước, lanthanum bắt đầu được dùng trong công nghiệp kính quang; didymium - thành phần hỗn hợp giữa praseodymium và neodymium - được dùng rộng rãi trong công nghiệp kính màu.

Công nghiệp khoáng Trung Quốc cũng chẳng bỏ sót nhiều loại đất hiếm mà thời điểm đó còn chưa biết làm gì: samarium và europium chẳng hạn. Hàng tấn samarium và europium cứ thế được khai thác và chất đống lưu kho. Ðến nay, cả hai chất trên đều là nguyên liệu chủ lực trong kỹ thuật cao, đặc biệt samarium với ứng dụng kỹ thuật nam châm.

Thỏa mãn nhu cầu nội địa là lý do chính khi Trung Quốc ban lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Theo Vương Thái Phượng (Wang Caifeng) thuộc Hiệp hội Công nghiệp đất hiếm Trung Quốc, năm 2008, thị trường Trung Quốc sử dụng 70.000 tấn nguyên liệu đất hiếm (so với 130.000 tấn toàn cầu). Ðó cũng là năm Trung Quốc xuất khẩu 10.000 tấn nam châm từ nguyên liệu đất hiếm trị giá 400 triệu USD cùng 34.600 tấn sản phẩm khác liên quan đất hiếm trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, hạn chế xuất khẩu đất hiếm và dùng đất hiếm như một công cụ cho chiến lược ngoại giao lẫn kinh tế mới thật sự là điều mà Trung Quốc đang tiến hành.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên - Ðất đai Trung Quốc (“Quốc thổ tư nguyên bộ”) bắt đầu siết chặt hạn ngạch xuất khẩu khoáng sản, nhằm “bảo vệ và sử dụng chừng mực nguồn tài nguyên vượt trội của Trung Quốc”, đặc biệt “tungsten, antimony và đất hiếm”. Theo luật mới, Bộ Tài nguyên - Ðất đai Trung Quốc “ngưng xem xét bất kỳ đơn xin khảo sát hoặc khai thác đất hiếm nào trên toàn quốc”… Cùng lúc, Trung Quốc cũng có kế hoạch kiểm soát và quản lý chặt hơn ngành công nghiệp này. Ðất hiếm hiện có tại khắp 22 tỉnh và khu vực Trung Quốc. Theo dự thảo kế hoạch phát triển đất hiếm 2009-2015, Trung Quốc định chia công nghiệp đất hiếm thành ba khu (Nam, Bắc và Tây) - Nam với các tỉnh Giang Tây, Quảng Ðông, Phúc Kiến, Hà Nam và Quảng Tây; Bắc với khu vực Nội Mông và Sơn Ðông; và Tây với Tứ Xuyên.

Việc đầu cơ tích trữ đất hiếm như một lợi thế mang tính chiến lược đã thể hiện ngay trong nhận định của Giáo sư Từ Quang Hiến. Họ Từ nói: “Chúng ta phải thiết lập một hệ thống dự trữ cho đất hiếm cũng như thorium (dùng trong công nghiệp năng lượng); đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước như Bảo Cương (Baogang), Trung Quốc ngũ quáng tập đoàn (Minmetals) và Giang Tây đồng nghiệp hữu hạn công ty (Jiangxi Copper Co) việc thực hiện chiến lược dự trữ”. Theo An Tứ Hổ (An Sihu), Trợ lý giám đốc Ủy ban Quản lý khu kỹ thuật cao đất hiếm Trung Quốc, nước này hiện có nhiều kế hoạch vĩ mô để tích trữ đất hiếm như một kho chiến lược, đặc biệt tại các khu quặng mỏ phía bắc lãnh thổ.

Tuy nhiên, mặt trái của tấm huy chương vàng trong lĩnh vực công nghiệp đất hiếm Trung Quốc là sự tàn phá và hủy diệt môi trường. Theo một tài liệu của Hội đất hiếm Trung Quốc (Trung Quốc Hi thổ học hội), “mỗi tấn đất hiếm được sản xuất sẽ tạo ra 8,5kg fluorine và 13kg bụi; việc dùng kỹ thuật vôi hóa nhiệt độ cao với axit sulfuric đậm đặc để tạo ra một tấn quặng đất hiếm khô sẽ tạo ra 9.600-12.000 m3 khí thải chứa bụi, axit hydrofluoric, sulfur dioxide và axit sulfuric; cùng khoảng một tấn chất cặn phóng xạ”!

Theo một khảo sát tại Bao Ðầu (Nội Mông), một trong những khu khai thác đất hiếm nhộn nhịp nhất Trung Quốc, “tất cả công ty đất hiếm tại Bao Ðầu hiện tung ra 10 triệu tấn nước thải đủ loại mỗi năm”; và hầu hết nước thải “đều bị tống ra môi trường mà không được xử lý hiệu quả khiến không chỉ ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt cho đời sống hàng ngày mà còn làm hỏng đất canh tác”. Ðó là chưa kể 2.000 tấn phế liệu được sinh ra từ một tấn đất hiếm trong quy trình sản xuất - theo bà Vương Thái Phượng (nguyên phó tổng giám đốc Cơ quan Nguyên vật liệu thuộc Bộ Công nghiệp - Thông tin Trung Quốc).

M.Kim