Thông điệp trong tuyên bố diễu binh bất thường của Trung Quốc

15:58 | 02/02/2015

1,872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc thường tổ chức diễu binh 10 năm một lần để kỷ niệm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhưng năm 2015 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ khuôn mẫu từ thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.

Thông điệp trong tuyên bố diễu binh của Trung Quốc

Đoàn diễu binh Trung Quốc.

Phát huy tinh thần gìn giữ hòa bình là chủ đề chung cho nhiều sự kiện trên thế giới trong năm 2015 - đánh dấu 70 năm Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Với Trung Quốc, năm nay còn có ý nghĩa lịch sử, chính trị và thực tiễn. Bên cạnh mục đích tưởng nhớ tới những hy sinh để đảm bảo rằng quá khứ kinh hoàng như vậy sẽ không bao giờ lặp lại, lời tuyên bố về cuộc diễu binh lớn tại Bắc Kinh còn là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cương vị lãnh đạo của mình trong khi phô trương sức mạnh quốc gia. 

Các cuộc diễu binh cũng được tổ chức tại nhiều quốc gia khác, nhằm nhiều mục đích khác nhau: Từ để đảm bảo với dân chúng rằng họ đang được bảo vệ, cho tới đe dọa kẻ thù. Trong khoảng 1 thập kỷ kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, diễu binh vẫn thường được sử dụng trong các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, do chi phí tốn kém nên nó đã bị chấm dứt. Đến những năm 1980, Đặng Tiểu Bình mới khôi phục trở lại và diễu binh được tổ chức 10 năm một lần để kỷ niệm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cuộc diễu binh gần đây nhất là vào năm 2009 nhân dịp đất nước tròn 60 tuổi.

Và ông Tập sẽ tiếp tục phá bỏ khuôn mẫu khi lần đầu tiên mời một nhà lãnh đạo nước ngoài tới tham dự lễ diễu hành sắp tới. Người được mời là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã xác nhận ông Putin sẽ tham dự lễ kỷ niệm này.

Thời gian cụ thể vẫn chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng là vào ngày 3/9 - ngày quân phát xít Nhật Bản đầu hàng. Điều đáng chú ý là tuyên bố trên của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra sát với chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Ấn Độ với tư cách khách mời đặc biệt chứng kiến cuộc diễu binh kỷ niệm 66 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ - 26/1.

Ông Obama là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm này. Truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích khá gay gắt chuyến đi này và cho rằng nó sẽ làm rạn nứt quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Nga.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã quyết định sẽ có thêm 2 ngày trong năm để tưởng nhớ về cuộc đại chiến thế giới và những năm tháng cùng khổ dưới ách thống trị tàn bạo của quân Nhật. Các nhà chức trách nước này khẳng định rằng sự điều chỉnh đó chỉ nhằm nhấn mạnh vào thông điệp hòa bình trên toàn cầu chứ không phải do những căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản cùng đồng minh Mỹ của họ. Các chuyên gia phân tích vẫn nhìn nhận rằng Trung Quốc muốn phô bày sức mạnh trước Tokyo trong cuộc diễu binh lần này, khi mà quan hệ hai bên không "ngọt lành" gì.

Dân chúng Trung Quốc thì lo về những chính sách theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Một số nước láng giềng và Mỹ thì quan ngại về ngân sách quốc phòng tăng 2 con số của Trung Quốc mặc cho nước này luôn miệng nói rằng hiện đại hóa quân đội chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.

Cuộc diễu binh tới đây của Trung Quốc chắc chắn sẽ được nhìn nhận dưới quan điểm địa chính trị. Đây là dịp để ông Tập phô bày quyền lãnh đạo với Quân đội Nhân dân Giải phóng - đích nhắm của ông trong chiến dịch chống tham nhũng.

Hà My (tổng hợp)