Thôi đành hỏi cái… duy tình

08:16 | 07/08/2012

1,359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cái câu “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, cứ ngỡ dân gian nói cho vui. Thế mà, từ thực tiễn đời sống xã hội, nhìn lướt qua thôi, cũng chẳng phải ngẫm ngợi lâu gì, mọi thứ đều sờ sờ ra đấy cả.

Thật ra, chữ tình kia, nếu xử theo đúng nghĩa của nó thì tốt lắm chứ; bởi trong Hán tự chữ tình vốn đã luôn phải có chữ tâm đi trước, lại có chữ thanh đi kèm (chữ thanh này có nghĩa là xanh - màu xanh, màu của ước mơ, của sự sống đang vượt lên).

Ở đời, sống có chút tình với nhau thôi, cũng đã là quý lắm rồi. Thế nên, những người sống có tình với nhau (kể cả từ trong gia đình nhỏ của mình, đến lớn hơn là xã hội) luôn được anh em, bè bạn, xã hội tôn trọng và đề cao, đồng thời chữ tình ấy được coi như một giá trị cao quý của đạo đức xã hội.

Khi “chị ngã” em còn biết “nâng”, cũng là khi chúng ta chưa phải cay đắng mà nuốt nước mắt vào lòng nhìn thấy cảnh gia đình, anh em ly tán vì một chút của cải do cha mẹ để lại. Khi “chị ngã” em còn biết “nâng”, chính là khi ở mỗi con người còn giữ được chữ tình, còn biết nâng niu và quý trọng một giá trị đạo đức cao cả.

Đấy là với mỗi gia đình, dòng tộc; còn với cuộc đời?

Nhà Phật dạy rằng: “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”. Tiền bạc vay nợ còn có cơ hội mà trả được khi ta có quyết tâm, có ý chí vượt lên gian khó. Nhưng, cái tình mà bè bạn giành cho nhau, liệu có bạc tiền nào mua nổi? Cuộc đời sống thiếu bạn cũng giống như cái cây sống thiếu ánh mặt trời, bởi khi mà anh em mới chỉ coi là “chân tay”, thì bạn bè luôn được coi “là tất cả”.

Trong mỗi bước thăng trầm của một đời người, khi chữ tình với bè bạn được giữ theo đúng nghĩa của tình, thì bạn bè sẽ luôn là người đồng hành với ta sẻ chia, gánh đỡ và vực ta dậy mà vượt qua đắng cay, tủi nhục, để ta được tồn tại, để ta được sống như một con người đích thực là người.

Nhưng, cuộc sống xã hội cùng những biến chuyển của nó đang làm cho chữ tình mất dần đi ý nghĩa trong sáng. Thậm chí, nhiều người còn mượn chữ ấy để che đậy cho những toan tính thấp hèn, khi mang cái tâm đen của mình phủ kín chữ thanh kia, khiến cho chữ tình bị biến dạng theo nhịp đập của thị trường, nhưng lại đầy ắp tính mục đích của người thực hiện.

Bây giờ, người ta mượn chữ tình để lái nhiều câu chuyện của xã hội theo hướng duy tình cho dễ xử lý.

Duy tình, nếu hiểu theo nghĩa gốc, đánh giá nhìn nhận những mặt tích cực của nó, nó cũng là một giá trị của đạo đức xã hội, là một động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội theo hướng tích cực. Nhưng, khi mà chữ tình đã bị biến dạng, thì chữ duy kia rõ ràng sẽ góp cho sự biến dạng này ngày càng trở thành “lẽ phải thông thường” cũng là điều vô cùng dễ hiểu.

Cứ thử đi khắp mọi cơ quan, đoàn thể được coi là thuộc hệ thống Nhà nước, liệu có cơ quan nào không có con ông nọ, cháu bà kia, hay con cháu bè bạn thân yêu của nhau, dù chúng có học hành, bằng cấp theo kiểu gì, lại không được đưa vào làm việc.

Đừng trách các cháu không chịu học tập và rèn luyện khi mà câu khẩu hiệu “Vì tương lai con em chúng ta” luôn được treo rất cao; và mỗi người không ai nói ra nhưng cũng đều tự hiểu ngầm rằng: tương lai ấy sẽ thuộc về chính chúng ta đấy.

Ai bảo sai, xin chứng minh giùm.

Chả thuộc về chúng ta mà nếu một số người như chúng ta cứ thử có tí chức quyền ư, không kể đến vợ, chồng, con cái, anh em ruột thịt trong nhà phải có suất, thì họ hàng nội ngoại ba bề bốn bên, thậm chí đến năm mười đời cũng phải nhận cho bằng được, để mơ cho các cháu có một chỗ làm việc ổn định, khi ấm thân rồi, mới có cửa mà ngoi.

Đấy, chuyện của một cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương đấy. Con trai ông học hành đến đâu, tài cán xuất chúng thế nào, ai chả biết, thế mà vẫn được xếp vào chỗ ngon nhất của bộ này. Bố nó to thế, có ai lại không ngại, đố ai dám động đến nó lúc đấy nhé. Thế là, cái được coi là duy tình ấy, mượn cái áo khoác của duy tình ấy là gì, ai lại không rõ. Ở đây, những quan hệ lợi ích đã đan chéo vào nhau đến mức không phải ai cũng dễ nhận ra, chứ nói gì còn mấy ai dũng cảm đưa vấn đề của con ông ta ra khi bố nó vẫn đang tại vị.

Rồi, câu chuyện thương tâm về vụ tai nạn giao thông trên đường Láng - Hòa Lạc cũ (nay là Đại lộ Thăng Long), cách nay đã vài năm, cũng hiện lên nhiều nét đổ vỡ của đạo đức làm người, khi chính những cán bộ của cơ quan hành pháp lại “vô tình” làm sai lệch hồ sơ vụ án, lực lượng Công an bị mang tiếng oan, vì kẻ gây án lại là con của một cán bộ công an.

Khi cái duy tình len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, lại bị chi phối của quan hệ lợi ích, rồi dần dần hình thành lên các nhóm lợi ích, mọi quan hệ xã hội sẽ bị bóp méo đi theo chiều hướng phục vụ cho mục đích của các nhóm lợi ích ấy.

Nếu những quan hệ lợi ích kia hướng tới một mục tiêu cao cả: Vì sự công bằng và dân chủ cho mọi người, chúng ta sẽ có một xã hội dân giàu, nước mạnh và văn minh.

Nhưng, điều ấy có vẻ vẫn là ước mơ của một ngày mai đang tới; còn thực tiễn hôm nay, khi cái duy tình được biến hóa khôn lường để phục vụ cho mọi mưu đồ không mấy trong sáng của không ít người, thì sự duy ấy luôn hướng lên những ngôi cao, để mong nhận lại một chữ “tình” cho các đàn em vừa dễ làm ăn, vừa tai qua nạn khỏi.

Dẫu chưa qua khỏi cái thời mang mấy tấm hình chụp chung với ông nọ, bà kia theo kiểu “hồ giả hổ uy” (cáo mượn oai hùm), nhưng chuyện làm ăn của không ít các tiểu gia, đại gia hôm nay, hỏi xem có mấy ai thiếu chữ tình với các cấp cao hơn. Đố ông nào không có sự can thiệp được coi là “quan hệ tình cảm” của cấp trên mà phất lên, mà thoát nạn được đấy.

Ối chuyện nhỡn tiền kia kìa. Thiên hạ họ biết cả đấy, có điều họ tránh, vì nói ra nhỡ chả phải đầu thì lại phải tai, có mà dại à. Hơn nữa, các ngành mà hỏi thăm nhé, cứ trọng chứng hơn trọng cung, người ta duy tình là vì sự phát triển của tổ chức, của đơn vị, của địa phương… không cẩn thận ông lại mắc vào tội “bôi nhọ danh dự và nhân phẩm người khác” là đi mấy lệnh như chơi.

Hơn nữa, duy tình là chỉ tham nhũng về mặt tình cảm thôi, chứ ai nhìn thấy ai ăn đút lót của ai nào. Còn, làm việc nhé, chỉ có người không làm gì may ra mới không sai thôi; chứ đã vì công việc, vì mọi thứ nhé, làm sao mà không sai sót chứ. Mà, nếu chả may có trót sai, chúng em xin “kiểm điểm nghiêm khắc” và xin “rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc”. Chẳng qua đây cũng là do duy tình mà thôi.

Giao thông lộn xộn, chưa mưa đã lội. Văn hóa giao tiếp ứng xử đang ngày một xấu đi. Hình ảnh không ít đô thị lớn của nước ta hôm nay liệu có hệ quả nào từ những quan hệ duy tình kia. Hàng loạt vụ tham nhũng bị phanh phui, nhiều cán bộ các cỡ rủ nhau đi “bóc lịch”, liệu hệ quả đó có những quan hệ duy tình nào? Bởi, khi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, nhưng nếu công tác tổ chức và cán bộ cũng bị ảnh hưởng của sự duy tình ấy, sẽ lấy đâu ra những người thực sự là công bộc của dân, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Thôi, đành hỏi cái: DUY TÌNH?

Nguyễn Hòa Bình

(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)