Lạm bàn về tính duy tình của người Việt:

Thì ta cứ chọn… đồng hương đã!

08:32 | 21/08/2012

1,510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyện những người Việt đang sống và làm việc trên khắp mọi miền của đất nước này, lập đủ các loại hội đồng hương từ tỉnh, huyện, thị xã đến xã, thôn… thì xem ra cũng còn nhiều ý kiến trái chiều.

Chưa bao giờ, các hội đồng hương lại nhiều và đa dạng như hiện nay.

Chuyện những người Việt Nam sống xa Tổ quốc cần có một tổ chức hội của người Việt, để quy tụ, tập hợp nhau lại nhằm sẻ chia những khó khăn, vất vả nơi đất khách quê người; từ đó tìm cách giúp nhau cùng vượt lên mọi trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt và làm việc, nhằm tạo lập một cuộc sống ổn định; rồi cùng hướng về quê hương mà góp sức cho một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, xem ra cũng là chuyện thường tình, nếu không muốn nói là luôn cần thiết.

Nhưng, chuyện những người Việt đang sống và làm việc trên khắp mọi miền của đất nước này, lập đủ các loại hội đồng hương từ tỉnh, huyện, thị xã đến xã, thôn… thì xem ra cũng còn nhiều ý kiến trái chiều.

Người ủng hộ thì coi đó là một sinh hoạt bổ ích, bởi khi những người con của cùng một vùng đất ấy kết thành một khối, sẽ vừa tạo nên cái tình cảm quê hương gắn bó, vừa có thêm điều kiện trao đổi, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển. Cách nghĩ ấy, được nhiều người “thức thời” đánh giá là phù hợp với quy luật phát triển của cơ chế thị trường hôm nay; khi mà qua các cuộc hội ngộ ấy, các quan chức luôn dễ dàng phát hiện được ngay các “nhân tố mới” để có hướng mà giúp nhau cùng tiến bộ.

Xin dẫn ra một câu chuyện có thật 100% để minh chứng cho ý kiến này của những người ủng hộ.

Ở cơ quan H có ông T vốn được coi là thành phần không lấy gì làm sạch sẽ, bởi ngay từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ông ta đã quan hệ bất chính với một cô cùng cơ quan, thậm chí hai người còn rủ nhau vác balô định tìm đường “cứu mình”. Khi cả hai bị bắt tại trận, ông T bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, cho đi làm chân loong toong trong cơ quan. Hơn một chục năm trời “bới đất, nhặt phân”, khi cơ chế thị trường mở ra cũng là lúc cơ quan ông có thủ trưởng mới. Ông thủ trưởng này chuyên môn thì khá, nhưng “chuyện kia” thì không khác gì con “gà trống dại”; nên biết ông T bị kỷ luật do chuyện trai gái, ông này cũng thương tình vì “đồng khí tương lân” mà giúp cho trở về làm công tác chuyên môn.

Với ông T, thế quả đã là phúc lắm; nên ông vừa cặm cụi mà làm việc, vừa đem hết lòng trung thành với ông thủ trưởng mới mà ra sức phục vụ. May thay, ông T lại có quý nhân phù trợ khi có ông sếp lớn đồng hương, nhận anh nhận em và giao phó cho ông H quan tâm… Rồi ông T lại được kết nạp trở lại vào Đảng, rồi lại được cất lên một chức cũng vào loại tàm tạm và sau đó làm sếp ở cơ quan này.

Người đời thấy thế, ai cũng mừng cho ông T vì đã qua cơn bĩ cực. Những cán bộ xếp vào hàng liêm chính của cơ quan H cũng mừng cho ông T đã được trở lại làm công việc chuyên môn, nhưng vẫn luôn nói: Không tin ở tư cách của ông.

Đời cũng chẳng biết thế nào thật!

Ông “sếp Y” ở trên vốn là người ngay ngắn, nên cứ nghe đến tên thằng T là nhất định từ chối không tiếp, vì thế ông T lên đến chức phó ấy, cũng đã bị kêu ca lắm rồi.

Thế nhưng, ở đời nhiều khi sự thể này lại có lắm chuyện hay ra phết. Lần ấy, hội đồng hương huyện của “sếp Y” tổ chức gặp mặt tại thành phố, một ông phó của đơn vị X lại vốn đã được ông T chăm lo chu đáo, thương ông T là đồng hương cùng huyện nên đã tìm mọi cách để vợ chồng ông T được tiếp cận “sếp Y”. Dù “sếp Y” vẫn không thèm tiếp vì đã nghe tiếng ông T, thế mà đến lúc liên hoan, ông phó đơn vị X vẫn “cài” được vợ chồng nhà ông T về ăn cơm tại nhà “sếp Y”.

Bà vợ ông T vốn cũng được xếp vào loại “chạy” giỏi, nên chỉ một bữa cơm đã làm thân ngay cả gia đình “sếp Y”. Sau đấy, bà cứ thay ông T mà gặp các bà của mấy ông kia, để gắng “thành chị, thành em”. Thì đồng hương huyện với nhau nhận chị em là tốt chứ sao. Mưa dầm thấm lâu, cứ ngày ngày rỉ rả qua các bà, cuối cùng khi cơ quan H thay lãnh đạo do thủ trưởng cũ vừa đủ tuổi, nhờ sự trợ giúp đắc lực của ông phó đơn vị X, “sếp Y” cũng gật đầu đồng ý bổ nhiệm ông T lên làm lãnh đạo.

Ở đời, lại vẫn ở đời, đúng là có cái xấu không thể cải được. Vì thế, ông T lên làm lãnh đạo được một thời gian ngắn, toàn dùng người kiểu phong bì “đi trước”, nên mấy ông cán bộ thuộc diện liêm chính của cơ quan H không chịu nổi thói lọc lừa, dối trên, nạt dưới của ông T, mới đồng loạt xông ra mà đâm đơn đi khắp mọi nơi.

Đủ các ban, ngành chức năng vào cuộc, nhưng cuối cùng chẳng có kết luận gì. Những người tố cáo thì một số được vuốt ve, ban phát cho tí lộc rơi, lộc vãi; còn số khác do không làm sao mà phê bình kiểm điểm nổi, ông T và vây cánh đành thực hiện biện pháp “luân chuyển” để cho họ ngồi chơi xơi nước.

Khi mấy ông lãnh đạo vốn là đồng hương cùng huyện với ông T, những người đã dựng ông lên phụ trách đơn vị H, kẻ thì đến tuổi nghỉ hưu, người thì bị điều chuyển đi làm công việc khác, để một “kíp” mới cũng lại cùng “đồng” một số thứ lên nắm quyền, ông T như bị chặt hết chân tay.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Tay P đệ tử của ông T dính đòn, bị bắt đi gần 2 “lệnh” rưỡi, thì cũng là lúc mà “người không đánh được sẽ có trời”, ông T dính ngay “quả” tai biến. Thoát tù tội thật, nhưng giờ ông toàn phải giả đi “bắt chuồn chuồn” khi các ngành chức năng sờ đến. Mà kể ra, ngay cả lúc cứ cho là tỉnh, ông cũng “bắt chuồn chuồn” thật.

Nghĩ thương cho ông T, lại nghĩ thương cho cả cái hội đồng hương huyện nọ đã cố mà lấy cái duy tình kiểu “hương đảng” ấy ra để chọn người làm việc cho cơ quan, xí nghiệp này nọ.

Cũng từ chuyện của ông T dẫn làm minh chứng, để thấy có một luồng ý kiến thứ hai xem ra có vẻ tích cực hơn, đang được nhiều người ủng hộ. Ấy là, nếu định chọn người đồng hương, thì ta (tức là những ai may mắn được làm công tác tổ chức cán bộ) ít ra cũng phải biết khá nhiều về nhân cách, về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người mình định giới thiệu đi làm ở đâu đó, hay bổ nhiệm giữ một chức vụ gì.

Bây giờ, khi mà chuyện thi tuyển từ cán bộ, công chức đến các chức danh lãnh đạo đang bắt đầu được quan tâm nhiều hơn; mà nếu làm được một cách thật nghiêm túc, thì hy vọng một ngày mai không xa, câu chuyện duy tình trong công tác tổ chức cán bộ kiểu như vừa nêu, sẽ trở thành chuyện cổ tích thật sự.

Nhưng mà, cũng đừng để mất đi cái duy tình nghiêm túc.

N.H.B

(Năng lượng Mới số 148, ra thứ Ba ngày 21/8/2012)