Lạm bàn về tính duy tình của người Việt:

Chọn người đồng họ… có hơn?

09:23 | 20/09/2012

783 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những năm gần đây, chuyện các dòng họ góp công, góp của xây dựng, sửa sang nhà thờ tổ, mở rộng nghĩa trang... dường như đang được coi trọng hơn và xem đó như một điều khẳng định về sự hưng thịnh của dòng tộc mình.

Việc làm ấy bên cạnh ý nghĩa của chuyện giáo dục cho các thế hệ đi sau về truyền thống tốt đẹp của dòng tộc, nhắc nhở con cháu phải luôn biết đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của các bậc tiền nhân đã chấp nhận mọi gian khó, hiểm nguy để dấn thân vì nghĩa cả, đem lại tiếng thơm muôn thuở cho đời đời con cháu; đây còn là điều kiện để con cháu trong họ có thêm dịp gặp gỡ, nhận anh nhận em mà từ đó chỉ bảo nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển về mọi mặt.

Xét về đạo lý làm người, chuyện anh em, con cháu trong họ giúp nhau cùng tiến bộ là điều dễ chấp nhận. Bởi dù ở thể chế nào, thời đại nào, nếu câu chuyện giúp nhau ấy hướng đến một mục đích lớn lao hơn: vì sự tồn vong và hưng thịnh của quốc gia, dân tộc, thì đấy là việc làm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc và cao đẹp.



Một khu nhà thờ tổ trang trọng, nền nã (ảnh minh họa)

Lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc Việt Nam ta cũng đã có những câu chuyện hết sức cảm động, minh chứng rằng, từ những lãnh đạo cao nhất của quốc gia, dân tộc ấy, đến những người đứng đầu các làng, xã, hay cơ quan công quyền, chọn và dùng được người hiền tài, thì dù người ấy là con cháu mình, chắc chắn dân tộc, quốc gia ấy sẽ vượt lên mọi trở ngại, thậm chí cả mất mát hy sinh để đạt hết thành tựu này đến thành tựu khác.

Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh rất rõ một chân lý rằng, khi người lãnh đạo quốc gia, hay các dân tộc chỉ biết lựa chọn con cháu mình dù đấy là kẻ bất tài, vô đức đảm trách mọi vị trí quan trọng của đất nước, thì dân tộc ấy đi đến suy vi là điều không thể tránh khỏi.

Người Việt ta có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ” chính là sự tổng kết một cách đầy đủ và sâu sắc nhất về riêng chuyện chọn người làm lãnh đạo rồi.

Tất nhiên, khi mà xã hội có kỷ cương, khi mà vua ra vua, quan ra quan, thì vua hay quan ấy dù có là hoàng thân quốc thích, cũng đều là những người có liêm sỉ, thực sự là những bậc chính nhân quân tử, vừa có đức, lại vừa có tài, đã có tâm nhưng lại có cả tầm nữa.

Hãy nhìn lại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Con cháu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng tá quân đội, có anh chị nào tìm cách trốn bộ đội đâu. Họ có mặt trên khắp các chiến trường, tham gia ở đủ mọi loại quân, binh chủng. Cũng trèo núi băng sông, cũng măng rừng, rau dại, cũng sốt rét đói ăn... dù cha mẹ các anh chị ấy thừa khả năng giữ họ ở lại hậu phương, đưa họ đi đào tạo tại đủ các trường đại học trong nước, nước ngoài; nhưng thế hệ các vị lãnh đạo là phụ huynh của các anh các chị ấy đã không mấy ai làm thế.

Với các anh các chị ấy, được ra trận, được đi chiến đấu vì sự thống nhất của non sông, đấy chính là niềm tự hào, dù họ biết rằng, mọi gian khổ, hy sinh đang chờ họ.

Cũng có nhiều anh chị đã và mãi mãi không bao giờ trở về để viết tiếp ước mơ đèn sách. Họ cũng như hàng ngàn, hàng vạn người chiến sĩ khác, có khi đến tận hôm nay vẫn là những vong linh phiêu lạc chưa được tìm đón về quê, dẫu cha anh họ hình như cũng làm “quan” hết thảy.

Nói những điều ấy để nêu bật một điều lớn lao hơn: Nếu người làm quan liêm chính, thì câu chuyện cả họ được nhờ chắc chỉ là được hưởng cái tiếng thơm của ông cha họ, giúp họ được người đời cảm phục hơn, chứ không có nghĩa như cơ chế thị trường hôm nay, trong họ cứ có một người làm quan thì chuyện nhờ vả để kiếm chác tí này, chút nọ lại là lẽ đương nhiên.

Câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” chưa bao giờ lại chuẩn đến mức vừa chi tiết vừa đầy đủ như hiện nay.

Hãy nhìn từ mỗi cơ quan, làng xã. Thôi thì không nói đâu xa, câu chuyện của Tiên Lãng - Hải Phòng hôm qua dù có thể sẽ chìm dần vào quên lãng, nhưng thử hỏi nếu không có ông anh Lê Văn Hiền làm Chủ tịch UBND huyện, liệu chú em trai ấy chả học hành gì, đi đánh rậm chắc đã xong chưa, mà còn leo lên đến chức chủ tịch xã, thế không được nhờ thì là gì?

Làm công tác tổ chức cán bộ mang tiếng là lấy ý kiến tập thể đấy, nhưng ai lãnh đạo cái tập thể này, chả lẽ mấy anh cán bộ tham mưu mà dân gian hay đùa là “mưu thì ít, tham thì nhiều” lại không biết tỏng tòng tong ra à? Các ông cứ đề xuất đi. Ý kiến gợi ý của cấp trên mới quan trọng nhé. Con, em tôi chứ gì, đã có ông khác giới thiệu, ông khác lo rồi. Tôi lo cho con anh, anh không lo cho con tôi à? Anh chơi thế là không đẹp, mà đã không đẹp là sẽ ra xấu ngay, anh chọn cách nào thì tùy?

Còn chú em vợ thì ai biết mà phải ngại. Tiêu chuẩn ấy cần 10 điểm chứ gì. Chú cứ có đến 5 điểm là may rồi. Làm lãnh đạo quan trọng là làm công tác cán bộ như anh. Chú về cơ quan mới, cứ túm lấy mấy tay già có tài lại có uy ấy, vuốt ve khen ngợi cho nó mấy câu, nó làm chuyên môn tốt đỡ chú, tiêu chuẩn của chú cần 10 điểm, chú chỉ cần 3 điểm là đạt rồi. Đấy, họ hàng giúp đỡ nhau, cất nhắc nhau, dạy dỗ chỉ bảo nhau đến thế thì đố thiên hạ ông nào nói được đấy. Tôi duy tình, nhưng tôi vẫn chọn được người có khả năng lãnh đạo được các ông nhé. Có mà cho các ông đi kiện đến mai cũng chả sợ, kiện vào mắt à?

Làng này, xã nọ, thậm chí huyện kia nhé, nếu họ hàng nhà tay ấy có ở đủ các ban ngành, đoàn thể, lại cài cắm thêm mấy đứa cháu về vài xã nữa, nếu bầu bán thì hắn không nhất cũng nhì chứ thứ ba làm sao được. Hắn vênh váo, tôi đã đầy danh hiệu rồi, đố ông nào không xếp tôi vào các chân này nọ đấy. Thì các ông bên văn hóa chả kêu mãi là phải giữ gìn bản sắc văn hóa làng xã vì đó là cái gốc của xã hội là gì. Mà ở làng, ở xã ai chả biết tính “hương Đảng, tộc cư” quan trọng đến thế nào. Chú lãnh đạo huyện chứ gì, nhưng trong họ tộc chú lại là hàng em, đố chú dám nhờn với tôi đấy. Thiên hạ kém thế, chú còn cất nhắc được, tôi làm sao mà chú không đề xuất bổ nhiệm?

Còn trong các cơ quan, đoàn thể, ai người ta chẳng thừa biết anh chị này ở đâu về, họ hàng thế nào với mấy vị cấp trên. Nhưng thôi, việc anh anh làm, việc tôi tôi làm. Nếu các anh dám tự phê, tự nhận khuyết điểm, chúng tôi sẽ góp ý chân thành. Nhưng, trên còn đang làm, chắc chưa đến lượt mấy anh, nên chắc cũng chưa đến cỡ chúng tôi được soi lại các anh đâu, các anh cứ yên tâm mà làm, chuyện họ hàng nó là chuyện tế nhị lắm. Anh là họ xa, là chi thứ mấy, rồi lại là em họ của vợ sếp nữa... lý lịch giở ra mà tra, đố tìm đến chỗ nào liên quan đến ông anh cấp trên đấy. Ai mà nói bừa là lại phạm tội bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác đấy.

Ấy thế cho nên, cơ quan nọ có ông cựu sếp về trời, hôm đưa tang có con rơi về nhận bố, cháu trong cơ quan chịu tang khăn trắng đông nghìn nghịt. Khiếp con cháu đâu mà lắm thế!

Ngẫm ra, nếu duy tình mà chọn người đồng họ như hôm nay, thì cái duy tình ấy cũng nên xem lại thật. Vì, chọn người đồng họ có hơn được ai đâu. Mà như thế, xã hội sẽ mất dần tính chính danh, bởi chính những người lãnh đạo ở các cấp sự liêm chính của họ đang là câu hỏi không dễ trả lời.

Ngọc Trân

(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)