Họa sĩ Lê Duy Ứng: “Tôi mang ơn Đại tướng suốt đời”

19:05 | 10/10/2013

2,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Khi hay tin Đại tướng đi xa, tôi đang ở quê nhà Quảng Bình... Thực sự là bàng hoàng, không lời nào diễn tả... Tôi đã rất ân hận, tại sao không ở Hà Nội để được gặp mặt Đại tướng lần cuối” - họa sĩ, Đại tá Lê Duy Ứng ngậm ngùi.

Hụt hẫng khóc... người đã khuất          

Ngay sau khi nghe tin Đại tướng về cõi thiên thu, họa sĩ Lê Duy Ứng đã ngược từ vùng quê Quảng Bình trở về Hà Nội, kịp đến ngôi nhà số 30, Hoàng Diệu để thắp cho Đại tướng nén hương. Nhưng để chấp nhận sự thật là Đại tướng đã không còn nữa, quả thật quá khó khăn.

Trong căn nhà nhỏ của mình, nhắc đến Đại tướng, người họa sĩ già rưng rưng, ông thốt lên rằng: Bản thân tôi mang ơn Đại tướng suốt cuộc đời này... Được gặp Đại tướng có lẽ là may mắn nhất trong cuộc đời tôi”. Theo lời ông thì có thể nói đó như một cơ duyên và chính Đại tướng đã là người lôi ông từ cõi chết trở về.

Cả cuộc đời người họa sĩ này đã có hơn 1000 bức vẽ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Họa sĩ Lê Duy Ứng kể lại, năm 1975, cùng với không khí sục sôi của quân và dân cả nước tiến vào giải phóng miền Nam, theo mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông cũng như bao người lính trẻ khác xông pha ra chiến trường. Trong một lần đang vẽ về khí thế quân ta trong trận đánh lịch sử thì bất ngờ ông bị trúng đạn. Sau đó, hai mắt của ông bị hủy hoại chỉ trước hai ngày đất nước thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà.

Có lẽ, danh giới giữa sự sống với cái chết vốn đã mong manh nhưng lúc đó không sá gì với người họa sĩ này. Tuy sau ngày giải phóng, ông được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108 nhưng họa sĩ luôn sống trong tâm trạng buồn chán và tuyệt vọng khi quá nhiều những đam mê đang còn dang dở. Vậy nhưng, cuộc gặp gỡ định mệnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp ông bừng tỉnh. 

Ông còn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Đại tướng trong khuôn viên bệnh viện, khi ông chủ động đến thăm họa sĩ. Trong khi vẫn còn chưa nguôi bất ngờ, thì Đại tướng đã hỏi họa sĩ rằng: Chú có biết Betthoven sáng tác những bản nhạc hay nhất vào giai đoạn nào không? Trong lúc họa sĩ còn ấp úng không trả lời được thì Đại tướng nói luôn: “Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả 2 tai cũng như 1 họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”.

Ảnh họa sĩ chụp với Đại tướng khi họa sĩ còn trẻ

“Câu nói này đã là liều thuốc tinh thần, vực dậy những suy sụp trong tôi. Như được truyền thêm sức lực, tôi đã vươn lên và nỗ lực hết mình để sống” - họa sĩ Lê Duy Ứng xúc động.

Sau lần gặp đầu tiên đó, họa sĩ cũng được gặp Đại tướng nhiều lần, ông cho rằng mình đã may mắn, bởi nhận được nhiều quan tâm ân cần từ Đại tướng. Dù là một con người vĩ đại, là tướng của muôn quân và dân nước Việt, nhưng những cử chỉ gần gũi, thân thuộc như những người thân trong gia đình, đã khiến bao trái tim được ấm áp.

Họa sĩ Lê Duy Ứng cho rằng, mình có nhiều cơ duyên với Đại tướng. Bởi ông cũng may mắn khi được sinh ra ở miền quê nắng gió Quảng Bình, cùng từng là những người lính, lại yêu nghệ thuật... Những cảm thông và quan tâm của Đại tướng đến ông và gia đình lúc nào cũng như ân cần như thế. Vậy nên, tin Đại tướng khiến họa sĩ không khỏi bàng hoàng, ông đã đau cái đau hơn mất mát lớn lao ấy. Bởi cũng giống như hàng triệu trái tim người Việt đang thổn thức ngoài kia, trong người họa sĩ này còn là sự thiếu vắng của tình đồng hương, đồng chí, đồng đội... mà không gì có thể khỏa lấp.

Tinh anh từ đôi mắt

Hơn hai mươi năm vẽ hình Đại tướng với số lượng lên đến cả nghìn bức. Đối với một người bình thường đã khó, thì một người mắt kém thậm chí có thời gian không nhìn thấy gì như họa sĩ còn khó khăn hơn nhiều. Họa sĩ chia sẻ: “Tôi vẽ về bác Hồ, hay về anh Văn đều vì niềm yêu kính vô hạn. Mỗi bản vẽ là một thần thái khác nhau, nên không có gì khó hiểu. Hơn nữa, Đại tướng còn là niềm tự hào của nhân dân Quảng Bình quê tôi".

Những ngày này, mắt đã yếu đi nhiều người họa sĩ này vẫn tận tụy vẽ Đại tướng bằng tưởng tượng trong trí nhớ

Sau bao tháng ngày vẽ về Đại tướng, họa sĩ nhớ nhất là bức vẽ chân dung lần đầu tiên khi Đại tướng đến thăm triển lãm ảnh và điêu khắc của ông tại Hàng Bài. Sự ân cần, chu đáo và lời đề tặng của người đã làm ông nhớ mãi, Đại tướng nhắn nhủ ôn: “Xem những bức tranh của Ứng tôi cảm thấy những bức vẽ đều rất đẹp. Người đều có thần, cảnh đều có hồn, cả đất nước đang đứng lên sống và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại, chúc Lê Duy Ứng với tâm hồn trong sáng và hiếm thấy có nhiều những tác phẩm lớn”. Sau khi Đại tướng đề tặng, người đã quay lại và yêu cầu tôi vẽ cho ông một bức chân dung ngay lúc đó. “Khỏi phải nói là tôi đã run và mừng như thế nào, tất cả mọi người ở cuộc triển lãm vây quanh Đại tướng và xem tôi vẽ” - họa sĩ nhớ lại.

"Một lần nữa, là khi ngay sau khi tôi trở về từ cuộc phẫu thuật, mắt tôi có nhìn thấy đôi chút. Tôi đến thăm Đại tướng, và đã vẽ tặng người một bức chân dung khác. Khi đó mọi người bịt mắt tôi bằng chiếc khăn quàng. Và bảo tôi vẽ theo trí nhớ và tưởng tượng của mình. Điều may mắn là, tất cả các bức vẽ đều được Đại tướng khen là rất giống. Khi tôi ký tặng lại, người đều trân trọng và cất giữ cẩn thận. Điều đó làm tôi thấy thực xúc động".

Có nhiều người thắc mắc với họa sĩ Lê Duy Ứng rằng điều gì khiến ông vẽ Đại tướng nhiều đến thế? Họa sĩ cho biết: "Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng tôi luôn nghĩ nhiều về con người cao cả mà bình dị ấy. Vì thế, cho đến nay số bức tranh khắc họa chân dung Đại tướng đến cả nghìn bức, mỗi bức là những tâm huyết, tình cảm của tôi muốn gửi đến người". Ông nói tiếp rằng, khi vẽ Đại tướng, chi tiết ông ấn tượng và muốn vẽ nhất là đôi mắt của Đại tướng, bởi theo ông thì đôi mắt ấy đã hội tụ đủ thần thái tinh anh của một con người vĩ đại!

Huy An