Thời của “tin đồn”

13:37 | 15/03/2012

683 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Chưa bao giờ báo chí Việt Nam lại đầy rẫy những “tin đồn”, những “nghe nói” và những “phỏng đoán” như thời gian gần đây. Công chúng phải sống trong bể thông tin đa chiều, đa diện… như đứng giữa ngã năm ngã bảy, không biết ngả nào tới núi cao, ngả nào sẽ xuống vực sâu. Và đôi lúc, nó cũng khiến công chúng (một cách vô tình) trở thành những kẻ đạo đức giả, dùng cái nhìn phiến diện làm chuẩn mực cho cuộc sống.

Chắc hẳn rất nhiều người biết truyện “Một câu chuyện có thật” của nhà văn Đan Mạch – Hans Christian Andersen. Câu chuyện bắt đầu từ việc một cô gà mái rỉa lông và vô ý làm rụng một sợi lông tơ. Sự việc bình thường này được truyền tai nhau, hết chuồng gà này đến chuồng gà khác, và cuối cùng lại trở về nơi xuất phát, và trở thành câu chuyện về “năm ả gà mái đã tự vặt tiệt cả lông đi để thi xem đứa nào gầy mòn đi nhất vì tương tư một anh gà trống. Sau đó chúng đánh nhau, máu me đầm đìa rồi chết cả nút”. Và “ả gà mái lúc đầu đã đánh rụng một cái lông con, bây giờ không nhận ra được đấy là chuyện của chính mình, vốn đứng đắn, ả ta kêu lên: Nhục nhã thay cho những mụ gà mái ấy! Phải phổ biến rộng rãi câu chuyện này ra mới được”.

Những câu chuyện của Andersen được viết ra dành cho trẻ con, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc cho cả người lớn về sức mạnh của “tin đồn”. Những tin đồn có sức lan tỏa và sức ảnh hưởng rất dữ dội, đặc biệt là những tin đồn vô căn cứ trong cộng đồng. Và tệ hại thay, đôi lúc những tin đồn này lại bắt nguồn từ báo chí.

Không khó khăn để tìm thấy một bài báo với cái tít giật gân về những clip sex, những bộ ảnh nude trong giới show-biz, tưởng như ngày nào không có những thông tin về ca sĩ nọ, người mẫu kia thì báo chí và công chúng sẽ buồn biết bao.

Nhiều người bám vào những scandal, những phát ngôn, những sơ sẩy của thần tượng để dèm pha, để “phỏng đoán”. Không những đưa ra quan điểm cá nhân của mình (đương nhiên dựa trên tiêu chuẩn họ tự đặt ra), họ còn tạo điều kiện cho công chúng “ném đá” thông qua các diễn đàn hiện đang rất phát triển.

Lúc này, công chúng như đứng giữa ngã năm ngã bảy, không biết ngả nào tới núi cao, ngả nào sẽ xuống vực sâu, họ chỉ biết tin những gì báo chí nói. Không những tin, họ – những công chúng trung thành và đúng mực – còn giúp báo chí “thêm mắm dặm muối” vào những câu chuyện của các sao, các thần tượng cốt để vấn đề thêm nghiêm trọng và tồi tệ hơn, đôi lúc chỉ để thỏa mãn cái “Tôi” của mình.

Tin đồn - chúng có sức mạnh khủng khiếp

Câu chuyện về bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” của Hoa hậu Việt Nam 2006 – Mai Phương Thúy – là một ví dụ. Bộ ảnh được chụp cách đây 4 năm, khi đó có nằm mơ chắc cô cũng không thể ngờ được rằng, chỉ vì mấy kiểu nằm, ngồi “uốn éo” của mình mà vương miện Hoa hậu có nguy cơ bị tước khỏi tay – kể cả đó là vương miện cách đây 6 năm.

Không dừng lại ở việc “ném đá”, chê bai bộ ảnh và người mẫu, công chúng còn hô hào nhau giữ gìn sự trong sáng của bộ quốc phục, họ đưa ra những dẫn chứng hùng hồn về sự nguy hại của bộ ảnh tới việc phát triển của con cái họ và về nhận thức của chúng với truyền thống dân tộc. Cuối cùng, như để “chốt hạ”, công chúng – với sự phẫn nộ – đã kêu gọi những cơ quan có thẩm quyền tước danh hiệu hoa hậu của cô. Và để vấn đề thêm nghiêm trọng, một cán bộ có tên tuổi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại có cùng quan điểm với đa số quần chúng. Báo chí nhảy vào, đưa tin từng phút từng giây về sự việc, thêm vào đó những lời phát biểu hùng hồn, kiên định của nhiều quần chúng, khiến cho không chỉ Mai Phương Thúy, mà có lẽ rất nhiều người yếu bóng vía khác, phải thót tim sợ hãi.

Công chúng – họ cũng chỉ là những con gà ở chuồng bên cạnh, dè bỉu, khinh thị một con gà không quen biết chỉ bởi 1 chiếc lông tơ rụng ra. Lời đồn, dư luận – chúng có sức mạnh thật kinh khiếp. Như trường hợp của cô ca sĩ Trần Nguyễn Uyên Linh, xuất phát điểm là một cô sinh viên của HV Ngoại giao với tình yêu cháy bỏng với âm nhạc, cùng một giọng ca đầy bản năng và nội lực.

Không thể phủ nhận nhờ có Uyên Linh, chương trình Vietnam Idol 2011 đã thu hút số lượng khán giả rất lớn, lập một kỷ lục về độ bao phủ và sức ảnh hưởng. Lúc ấy, báo chí xưng tụng cô là “diva thứ 5”, là “niềm tự hào của ca sĩ trẻ” và nâng cô lên ngang tầm với các đàn chị như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần. Và khán giả, họ cũng ngây ngất trong niềm hân hoan vì sự xuất hiện của một tài năng trẻ.

Sau chương trình, họ kỳ vọng một Uyên Linh chói sáng, một Uyên Linh rực lửa – nhưng không, cô lại im lặng và không đưa ra sản phẩm âm nhạc nào. Thời gian sau đó, câu chuyện “Uyên Linh bị tát” do ghen tuông đầy rẫy trên báo chí, các tờ báo thi nhau giật tít “Uyên Linh bị …tát”, “Uyên Linh bị tát và bị dạy đời?”hay “clip Uyên Linh bị tát”. Các nhà báo – những người đã từng tung hô cô lên “chín tầng mây” – giờ đây lại đi đầu trong việc “dìm” cô xuống. Và công chúng, những người đã từng yêu mến cô, quay tỏ thái độ thất vọng và đả kích cô. “Diva thứ 5” đã không còn, chỉ còn một cô Uyên Linh Idol bị tát, bị đánh ghen và bị công chúng chỉ trích. Ranh giới giữa sự yêu mến và sự ghét bỏ thật mong manh, đặc biệt đối với những người nổi tiếng.

Uyên Linh chọn cách im lặng sau scandal đánh ghen

Họ, những công chúng trung thành và cả tin ấy, nói, bình luận, dèm pha, thậm chí là “ném đá” “ném gạch” chỉ để thỏa mãn cái “Tôi” quá lớn. Đôi lúc họ tự cho mình cái quyền được đứng trên người khác, tự coi bản thân là chuẩn mực để nhận xét, đánh giá một con người mà họ chỉ biết mặt, biết tên qua báo chí. Họ chính là động lực để báo chí nhảy xô vào những nghệ sĩ, những ca sĩ, những diễn viên, người mẫu … để tìm hiểu, thậm chí là bới móc, soi mói cuộc sống riêng tư rồi “trưng” lên mặt báo dành tặng độc giả.

Đó là show-biz, nơi mà những scandal, những tin đồn, những phát ngôn gây shock của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đã không còn quá xa lạ. Nhưng trong cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, những tin đồn cũng có sức ảnh hưởng ghê gớm.

Sự kiện “Ngân hàng Habubank (HBB) bị ngân hàng SHB thâu tóm” gần đây cũng khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Thông tin mỗi báo đưa một kiểu, chỉ riêng trong ngày 13/3/2012, hai tờ báo lớn đã có 2 thông tin trái chiều nhau về hợp đồng mua bán này. Người nói "Lãnh đạo hai bên đã ngồi với nhau cả tháng nay, và thương vụ này coi như đã xong 99,99%” trong một cuộc thâu tóm thân thiện”; kẻ bác lại “Habubank không bị SHB thâu tóm” – công chúng phải tin vào ai? Công chúng dao động, thị trường chứng khoán cũng không yên lành. Kể cả khi thông tin đã bị HBB phủ nhận, cổ phiếu của SHB cũng đã có phiên giao dịch rất mạnh trong ngày 13/3 trong khi cổ phiếu của HBB vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Đó là những “câu chuyện có thật”, câu chuyện về những tin đồn, những “phỏng đoán” do công chúng hoặc báo chí đặt ra. Tuy nhiên, những tin đồn này không tự nó sinh ra, nó được kết hợp từ 3 nguồn: người nổi tiếng – công chúng – báo chí. Người nổi tiếng – bản thân họ đã là trung tâm của sự chú ý, mỗi cái sẩy chân, lỡ lời đều có thể trở thành mục tiêu cho sự bàn tán và dèm pha. Họ không thể cứ làm sai rồi lên báo phân bua, thanh minh, trình bày và đòi hỏi sự cảm thông từ công chúng. Hoa hậu Mai Phương Thúy có thể thanh minh, xin lỗi, nhưng không thể phủ nhận bộ ảnh của cô rất không nghệ thuật. Thay vì tiếp tục “sản xuất” scandal, có lẽ cô nên tập trung vào các công việc từ thiện đúng đắn và việc học hành, đến lúc ấy, công chúng sẽ nhìn cô với con mắt khác.

Bộ ảnh của Mai Phương Thúy thật sự không nghệ thuật

Công chúng – những người tiếp nhận thông tin cần sáng suốt và thông thái khi tiếp nhận những nguồn trên báo chí. Đừng nên dùng sự tự ái vặt và đố kỵ để đánh giá một con người. Công chúng có quyền phán xét, nhưng họ không thể khoác cho người nổi tiếng những kỳ vọng hay tự cho mình cái quyền hạch tội người khác bằng suy nghĩ cá nhân và, đôi khi, rất bảo thủ của mình.

Báo chí – là nơi đăng tải những thông tin chính thống, không thể chỉ “nghe hơi nồi chõ” để mang tới cho độc giả những thông tin thiếu xác thực hay những thông tin một chiều. Nhiều người cho rằng: “Tại sao các nhà báo không viết về những người tốt, việc tốt mà cứ chạy theo các cô người mẫu, hoa hậu chờ họ “khoe thân”?”. Họ cố lấy mục tiêu “phục vụ nhu cầu công chúng” làm tấm bình phong để tiếp tục những “người mẫu khoe thân”, những “scandal sex”, những “nghi án bầu bí”. Báo chí là công cụ truyền tải thông tin, nhưng cũng cần là nơi định hướng thông tin đúng đắn cho công chúng. Nhà báo là những người làm rõ những tin đồn, chứ không phải là người tạo ra tin đồn. Đừng nên để công chúng tự bơi trong bể thông tin “đa chiều, đa diện” như hiện nay, và cũng đừng để những tờ báo trở thành những vườn cải, những bụi chuối rậm rịt, um tùm không thấy ánh sáng, không thấy lối ra.

Vương Tâm