"Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ…"

14:25 | 07/09/2012

2,237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thời gian gần đây, hàng loạt các di tích lịch sử, văn hóa đã và đang bị phá tan hoang, những người có trách nhiệm lại chối bay chỉ bằng lý do “trùng tu di tích”. Thế nhưng, tại sao người ta lại hăng hái phá đi một di tích mang tính văn hóa và lịch sử lâu đời để dựng nên một ngôi chùa mới tinh, còn nguyên mùi vôi vữa?

>> Chùa Trăm Gian - Nghìn năm hóa lại một ngày!

>> Không thể phục dựng hoàn toàn chùa Trăm Gian

>> Sư trụ trì chùa Trăm Gian nhận hết lỗi về mình

>> Trùng tu hay phá hoại chùa chiền?

 

“Chủ sở hữu” vừa phá vừa cười

Chùa Trăm Gian không phải di tích cổ đầu tiên bị phá hoại bởi bàn tay con người, mà trước đó, đã có nhiều ngôi chùa đã bị “dỡ trắng” nhưng lại lấy lý do “trùng thu, tôn tạo”.

Làng cổ Đường Lâm – vùng đất “hai vua” bị tấn công, đình làng Mông Phụ được “làm mới” với số tiền 13 tỷ, lớp đá ong cổ bị thay bằng lớp đá ong mới, lớp vữa trát vẫn còn tươi nguyên.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, chùa Trấn Quốc cũng bị “cải tạo” với cổng Tam quan thô kệch, hay một ngôi đình cổ có giá trị về mặt kiến trúc - đình Yên Phụ (quận Tây Hồ) – những cấu kiến cổ cũng bị loại bỏ một cách không thương tiếc.

Và gần đây nhất, ngôi chùa Trăm Gian – một trong những công trình cổ có kiến trúc nghệ thuật truyền thống đặc sắc, hàm chứa ý nghĩa văn hóa và lịch sử, có tuổi đời hàng trăm năm tuổi cũng bị “dỡ bay”.

 

Họ hồ hởi ... phá chùa

 

Với lời giải thích “Trùng tu mới để giữ gìn cho đời sau”, người ta đã hăng hái phá chùa để xây mới toàn bộ. Nụ cười hồn nhiên và phấn khởi của người dân khi tham gia dựng chùa mới, là nỗi đau của nhiều người...

Ngôi chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia ngay từ những đợt đầu Nhà nước ta công nhận di tích. Người dân Tiên Lữ biết điều ấy. Chủ sở hữu đích thực của di tích chính là nhân dân. Nhưng vì sao "ông chủ" ấy, bỗng chốc lại trở thành kẻ "phá hoại" di tích của mình?

Người dân, họ thích phá đi để xây mới, âu cũng chẳng phải lỗi của họ. Bởi mặc dù họ là chủ sở hữu di tích, nhưng bao nhiêu năm qua, mấy người có cơ hội tìm hiểu về những điều luật này? Ðã có bao nhiêu người dân được nghe các nhà chuyên môn nói về giá trị kỹ thuật, mỹ thuật, lịch sử của những di tích mà họ là chủ sở hữu đích thực?

Họ chỉ biết rằng, chùa đã cũ, đã có nơi mối mọt thì phải sửa chữa. Mà sửa chữa đồng nghĩa với việc bỏ đi cái cũ và làm cái mới, cái mới phải to hơn, hoành tráng hơn.

Những người “chủ sở hữu” ấy không nghĩ đến việc phải bảo tồn những gì là cổ kính, lịch sử, họ chỉ sợ chùa đã cũ, sập xuống thì không còn nơi thờ tự, không còn nơi viếng thăm của người dân và du khách. Vì thế, họ rủ nhau đi … phá chùa mà tâm thế háo hức như đi trẩy hội, họ chuyền tay nhau, vứt đi từng viên ngói, từng viên gạch lát, từng hòn đá chân cột, từng cấu kiện cổ… để dọn đường cho thứ tân kỳ.

 

Thanh kèo cổ được dùng để kê những súc gỗ mới.

 

Còn sư thầy trụ trì Thích Đàm Khoa, do quá lo cho ngôi chùa đang bị mối mọt, sư thầy đã không kịp chờ ý kiến của UBND xã Tiên Phương mà đã hối hả đi vay tiền công đức của các chùa xung quanh để “giải phóng mặt bằng” phần nhà Tổ và gác Khánh.

Có lẽ, sư thầy suy nghĩ quá đơn giản rằng: người trông nom nơi di tích là chủ sở hữu của di tích. Và sư thầy đã sử dụng quyền “sở hữu” không chính đáng ấy để hô hào người dân dỡ bay hai hạng mục cổ kính của ngôi chùa.

Chính bản thân ông Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn- xã của xã Tiên Phương đã nhiều lần đề nghị với nhà chùa cung cấp cho thông tin về việc tu sửa chùa. Nhưng nhà chùa chỉ nói "ngoài lề" rằng Sở VH-TT&DL là chủ đầu tư. Sư trụ trì chùa Trăm Gian đã thừa nhận sai phạm. Nhưng thay đổi tư duy không phải điều dễ dàng, khi nó đã bắt đầu mang tính hệ thống.

Nhận lỗi để … phá tiếp?

Lỗi của người dân và sư thầy trụ trì đã rõ, họ hào hứng “phá chùa” vì thiếu hiểu biết cơ bản về những giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời mà ngôi chùa đang mang trong mình. Họ không biết và … họ cứ phá. Thậm chí họ còn bức xúc khi các cơ quan chức năng ngừng việc xây mới chùa.

Thế nhưng việc người dân hào hứng phá chùa không nguy hiểm bằng sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, cụ thể là chính quyền xã Tiên Phương. Có một điều chắc chắn rằng, một dự án lớn như vậy, một mình nhà chùa khó có thể làm được mà phải có sự “làm ngơ” của chính quyền địa phương.

Vì sao một công trình lớn và nổi tiếng như vậy, được thi công ầm ĩ ngay giữa thanh thiên bạch nhật trong suốt nhiều tháng trời mà không ai biết, không ai tuýt còi và không ai có ý định xử lý. Họ để mặc cho ngôi chùa bị “cải biên” vô tội vạ và coi như không biết, không liên quan và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Họ lặng im trước cảnh những người dân hò nhau dỡ ngói, hạ giải và vứt các cấu kiện cổ chỏng chơ trên mặt đất. Họ thờ ơ trước cảnh ngôi chùa cổ hàng trăm năm bị ép phải “khai sinh” chỉ trong mấy ngày. Họ cũng thờ ơ trước cảnh những giá trị văn hóa và lịch sử bị chà đạp, “bức tử” và nhường chỗ cho những thứ mới tinh, lai căng.

 

Nhà Tổ được khai sinh chóng vánh trong vài tháng.

 

Chính sự thờ ơ ấy mà chính quyền cấp xã – cấp quản lý gần nhất với di tích – đã để cho hai hạng mục cổ bị “san phẳng” và dựng mới hoàn toàn. Hoặc họ cho rằng điều này không quan trọng, nên họ đã không kiên quyết xử lý triệt để, đến khi các cơ quan truyền thông vào cuộc thì mới họp bàn, hội nghị, kiểm điểm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau để rồi “huề cả làng”.

Một vị bô lão Tiên Lữ, Tiên Phương còn nặng lòng với chùa Trăm Gian đã khẳng định: “Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ…”, có lẽ lời khẳng định ấy cũng chẳng sai. Bởi nếu không, những vị lãnh đạo có hiểu biết sâu rộng ấy, làm sao không hiểu được giá trị lịch sử của ngôi chùa? Họ không phải những người nông dân chân lấm tay bùn, cả đời không ra khỏi lũy tre làng mà chỉ chăm chăm dỡ đi xây mới một di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia. Họ biết, nhưng họ làm ngơ.

Họ - những người có chức, có quyền, có hiểu biết – lại mặc kệ cho người dân hồ hởi phá chùa, xây mới, khai sinh lại cho di lịch trăm năm tuổi bằng một ngôi chùa mới tinh chỉ vài ngày tuổi.

Dù có "kết tội" ai đi chăng nữa thì việc phục hồi nguyên trạng các hạng mục đã bị phá dỡ tại chùa Trăm Gian là điều gần như không thể. Vì khi tháo dỡ gác khánh, nhà tổ, người ta tiến hành với suy nghĩ là "đập đi, xây mới", coi cái cũ là thứ bỏ đi. Nó khác với quy trình hạ giải là đánh giá chất lượng các cấu kiện và cố gắng giữ lại những gì có thể.

Có lẽ, việc cần làm bây giờ là tìm cách cứu những hạng mục khác trong chùa Trăm Gian, cũng như cứu các di tích đang được đưa vào diện “trùng tu, tôn tạo”. Bởi nếu người dân cứ thiếu hiểu biết, sư trụ trì cứ nhầm lẫn, các cơ quan quản lý cứ thờ ơ như thế này, hàng trăm, hàng nghìn ngôi chùa cổ sẽ đồng loạt được dỡ bay và thay mới.

Lúc đó, những giá trị cổ truyền, những nét đẹp của lịch sử và văn hóa chỉ còn là “thời vang bóng”.

 

Vương Tâm