Thu bảo hiểm y tế học sinh 15 tháng:

Thiếu chỉ đạo từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

07:00 | 02/10/2015

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc nhiều phụ huynh bức xúc vì mức thu cũng như cách thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh trong những ngày đầu năm học 2015-2016 đã trở thành một vấn đề nóng của xã hội, bởi diễn ra ở nhiều địa phương, tác động đến hàng nghìn gia đình.  
thieu chi dao tu bao hiem xa hoi viet nam Thu bảo hiểm học sinh, sinh viên 6 tháng 1 lần

Việc tham gia BHYT bắt buộc là một chủ trương đúng, vì chỉ với số tiền vài trăm nghìn, nhưng khi các cháu ốm đau, sẽ được BHYT chi trả gần hết và như thế, sẽ đỡ gánh nặng kinh tế cho các gia đình rất nhiều, đặc biệt là với những cháu ốm nặng, bệnh nan giải, hay bệnh phải điều trị dài ngày rất tốn kém.

Theo TS Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, thì việc điều chỉnh mức đóng lên 4,5% là thực hiện theo Luật BHYT và cũng để tất cả các đối tượng tham gia BHYT cùng có một mức đóng. Để không gây khó cho người dân, việc xác định số tiền đóng cụ thể lại được căn cứ vào từng nhóm đối tượng: Người lao động thì thu theo mức tiền lương, còn người không có lương sẽ thu theo mức lương cơ bản. Nhưng các cháu là con gia đình chính sách, gia đình nghèo; dân tộc thiểu số; bố mẹ trong LLVT; cư trú ở các xã đảo; sống ở các vùng khó khăn vv... đều được Nhà nước hỗ trợ đóng 100% BHYT; học sinh con các hộ cận nghèo còn lại được Nhà nước hỗ trợ tới 70%.

thieu chi dao tu bao hiem xa hoi viet nam
Thẻ BHYT là cần thiết cho học sinh khi đi khám, chữa bệnh

Thế nhưng BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đều có cùng phương án rất đơn giản là… chỉ cần thực hiện đúng theo Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện BHYT là đủ. Theo BHXH Việt Nam đã đề nghị liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng năm tài chính hoặc năm học, khóa học, đồng thời tăng mức hỗ trợ của Nhà nước, đảm bảo không có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng; cho phép gia đình có 2 học sinh, sinh viên tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp, chỉ đạo Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp cùng ngành BHXH tăng cường thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên; nhà trường khắc phục khó khăn để thu BHYT làm nhiều đợt, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh học sinh, sinh viên vào đầu năm học mới. Do thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh theo năm và phương thức đóng BHYT của học sinh là 6 tháng hoặc 1 năm, dẫn đến trong giai đoạn chuyển tiếp là, thời gian còn lại của năm học 2015-2016 còn 3 tháng năm 2015 và cả năm 2016 chưa đóng, gây khó khăn cho học sinh tham gia BHYT. Vì vậy, để linh hoạt trong việc đóng BHYT học sinh, sinh viên, đề nghị liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính bổ sung Thông tư 41 qui định thời gian đóng là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Tuy nhiên, việc tạo nên “sóng  gió” trong dư luận thời gian qua, trách nhiệm chính thuộc về BHXH Việt Nam, khi công tác tổ chức thu rõ ràng có vấn đề.

Việc điều chỉnh tăng mức thu sẽ là không có vấn đề gì nếu như cơ quan BHXH làm tốt công tác tuyên truyền. Lẽ ra, trước khi tiến hành thu vào đầu năm học, BHXH Việt Nam phải có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu theo đúng Thông tư 41, để các địa phương hướng dẫn cho các trường thống nhất thực hiện. Thế nhưng, cho đến nay, cả nước đã đồng loạt triển khai việc thu BHYT, mà vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của BHXH Việt Nam hướng dẫn việc thu. Thậm chí, sau khi các phụ huynh phản ứng, BHXH Việt Nam cũng chỉ gọi điện về BHXH các địa phương, yêu cầu dừng thu gộp 15 tháng, mà thu tách ra làm nhiều lần, chứ cũng không hề có văn bản chính thức. Rõ ràng, đối với một vấn đề tác động lớn đến xã hội, nhưng cách làm việc của BHXH Việt Nam thiếu nghiêm túc. Tại cuộc họp chiều 16-9, mặc dù phía BHXH Việt Nam khẳng định có hướng dẫn, nhưng đã không đưa ra được công văn nào để chứng minh.

Chính vì thiếu văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của BHXH Việt Nam, mà có gần 10 tỉnh tổ chức thu trái Thông tư 41. Rất tiếc, đây đều là những địa phương không phải giàu: Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Quảng Trị. Đủ thấy, những nơi này chỉ quan tâm đến việc thuận lợi cho cơ quan quản lý mà không chú ý đến thực tế cuộc sống của người dân.

Khi người dân bức xúc về việc thu BHYT 15 tháng liền, BHXH Việt Nam mới lên tiếng là do năm nay thay đổi cách thu theo năm, chứ không phải thu theo năm học, nên 15 tháng là gồm 3 tháng cuối năm 2015 và 12 tháng của năm 2016. Nhưng cách giải thích này càng thấy sự vô lý: Nếu thu theo năm, thì chỉ được thu hết 3 tháng còn lại của năm 2015, trong khi năm 2016 đã đến đâu mà  thu?

Hỏi ra mới biết, vì không được BHXH Việt Nam hướng dẫn thống nhất, nên các địa phương cứ “tùy nghi” thực hiện. Đương nhiên, cơ quan thu chỉ nghĩ đến thuận lợi cho mình, mới tổ chức “thu gộp” cho gọn nhẹ, mà quên đi quyền lợi người dân mới phải được quan tâm trước hết. Thế là, mặc dù đã có Thông tư liên tịch 41 hướng dẫn cho phép thu BHYT 6 tháng hoặc một năm một lần và ngày 8-6-2015, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Y tế cho tiếp tục thực hiện thu BHYT học sinh, sinh viên linh hoạt nhiều hình thức: theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học và đã được Bộ Y tế thống nhất, đồng thời, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể, nhưng BHXH các địa phương và các trường vẫn, tiến hành thu “một thể” cho tiện, tạo thuận lợi cho cơ quan BHYT mà bất chấp gánh nặng cho người dân.

Dư luận “đau đầu” ngay trong dịp đầu năm học về vấn đề BHYT, nhưng tại cuộc họp mới đây, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lại khẳng định đây không phải là “dư luận nhân dân” mà chỉ do… báo chí. Vì thế, nếu không có sự chất vấn của báo chí, thì người đứng đầu BHXH Việt Nam đã không chịu nhận trách nhiệm trong công tác tổ chức thu BHYT vừa qua. Mà, trước một vấn đề gây tác động xã hội, nếu không nghiêm khắc nhìn nhận trách nhiệm để rút ra bài học cần thiết về công tác tổ chức thu BHYT, thì sẽ khó vận động người dân tham gia BHYT.

 Vụ việc trên một lần nữa cho thấy ngành BHXH cần phải tăng cường cải tiến thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn, đặc biệt là phải thay đổi tư duy làm chính sách bằng việc đặt quyền lợi của người dân lên trên.

Dạ Miên