Thị trường ô tô nội địa: Cần hành động quyết liệt làm “ấm” thị trường

13:10 | 15/05/2023

123 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiếm khi nào thị trường ô tô nội địa “ngủ đông” dài như vừa qua từ cuối năm 2022 đến nay. Tình hình đang đòi hỏi những động thái quyết liệt ở cấp vĩ mô.

Thị trường ô tô chưa bao giờ “tệ” như suốt những tháng vừa qua khi nhà buôn lẫn doanh nghiệp, đặc biệt tại các trung tâm lớn về ô tô của cả nước như Vĩnh Phúc, Ninh Bình lẫn Quảng Nam ngao ngán nhìn những dãy ô tô phủ bạt, phủ bụi. Trong khi đó, người mua vẫn phải thắt chặt chi tiêu dù việc sở hữu một chiếc xe là khát vọng hiện hữu.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính ngày 25/4/2023, Bộ Công Thương nêu một con số rất đáng suy nghĩ là tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt chỉ đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022, một mức sụt giảm có thể khiến những chuyên gia thị trường khe khắt nhất cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Ở góc độ hiệp hội, số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng rất đáng suy nghĩ khi tổng sản lượng bán hàng cộng dồn quý I/2023 của các hãng thành viên đều có mức giảm sâu đáng kể. Theo đó, Thaco KIA chỉ đạt 8.600 chiếc, giảm đến 49%, Mitsubishi giảm 21%, Suzuki giảm 29%, Mazda giảm 25%, Toyota Việt Nam giảm 37%... so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) phản ánh thực trạng thực trạng tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng khiến nhiều lao động công việc bị ngưng trệ, an sinh xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Lượng xe tiêu thụ giảm cũng đồng nghĩa với việc phải chứng kiến cảnh tồn kho lớn. Tính riêng “ông lớn” Toyota ở Vĩnh Phúc mức tồn kho tăng 347%, tương đương tăng 1.931 xe.

Dưới góc độ người dùng, việc lãi suất cho vay của ngân hàng ở mức 13 đến 14% được xem là quá cao với nhiều người khiến cho việc chạm tay và sở hữu một chiếc xe phải đình lại, nhường chỗ cho những nhu cầu chi tiêu khác thiết thực hơn, cấp bách hơn.

Thị trường ô tô nội địa: Cần hành động quyết liệt làm “ấm” thị trường
Các doanh nghiệp, nhà buôn ô tô cũng đã kiên trì tổ chức nhiều hình thức, chương trình khuyến mại

Bản thân các doanh nghiệp, nhà buôn ô tô cũng đã kiên trì tổ chức nhiều hình thức, chương trình khuyến mại thậm chí chấp nhận lỗ để kéo người tiêu dùng lại gần hơn với mình song “một vài ngôi sao chẳng sáng đêm”. Dường như những nỗ lực ấy khó mà có thể sưởi ấm thị trường.

“Của đau con xót”, không thể mãi ngồi nhìn thị trường xe ế ẩm, các địa phương và doanh nghiệp đã kiên trì động thái kiến nghị với Chính phủ việc tiếp tục có các động thái vĩ mô để từ đó kéo thị trường lên.

Mới đây nhất trong buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, xe máy. Trong đó, trước mắt xem xét tiếp tục chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước.

Trong khi đó UBND tỉnh Ninh Bình trong văn bản gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành đã dẫn chứng từ nhà máy sản xuất đặt tại địa phương này là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công. Việc sản xuất và tiêu thụ ô tô của Thành Công đều bị sụt giảm lớn: Tháng 1/2023 sản lượng tiêu thụ chỉ đạt gần 3.000 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62,5%) so với tháng 1/2021 và giảm hơn 3.700 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1/2022.

Cũng như Vĩnh Phúc, tỉnh Ninh Bình đề xuất tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe ô tô. Trong đó, có giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp.

Với vai trò quản lý nhà nước, trước hàng loạt các đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp và địa phương như dẫn chứng nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho.

Có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Rõ ràng là như đã phân tích, bức tranh trầm lắng của thị trường ô tô nội địa vẫn đang diễn ra dài hơn dự liệu với mức độ trầm lắng có thể còn sâu hơn nữa. Kéo theo đó là hình ảnh ảm đạm cho thị trường tiêu thụ, ngưng trệ nhiều dây chuyển sản xuất về công nghiệp hỗ trợ cũng như đời sống và an sinh xã hội của hàng vạn lao động.

Một số chuyên gia lưu ý rằng, việc quá nặng về tư duy giảm thuế, lệ phí gây ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương cũng như việc kéo thị trường ô tô nội địa ấm trở lại có thể làm tăng tỷ lệ tai nạn, ùn tắc giao thông xem ra không thích hợp với bối cảnh hiện nay, thậm chí có thể làm chậm lại cơ hội thúc đẩy thị trường, thúc đẩy sản xuất cả yếu tố cầu lẫn cung.

Có thể nói Chính phủ coi chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lúc này nói riêng và cả năm 2023 nói chung là việc làm trọng tâm và gần như vấn đề này luôn xuất hiện trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà gần đây nhất là hai văn bản quan trọng của Chính phủ là nghị quyết cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tháng 3 và nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Đặc biệt, một quan điểm điều hành rất đáng chú ý được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh là trong khi vẫn phải kiểm soát lạm phát, cần dành ưu tiên cho các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan đến tháo gỡ khó khăn, trầm lắng cho thị trường ô tô nội địa, với Bộ Công Thương, Chính phủ yêu cầu Bộ tập trung tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ trong quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng các kênh phân phối hiện đại, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa.

Đặc biệt với Bộ chủ quản về các chính sách thuế, lệ phí là Bộ Tài chính, Chính phủ đã xác định rất rõ những nhiệm vụ cụ thể với Bộ này.

Theo đó, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trình Chính phủ trước ngày 20/5/2023. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét việc ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết: số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023, số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023.

Theo các chuyên gia, các bộ, ngành hữu quan cần tập trung và nhanh chóng cụ thể hoá các chỉ đạo được nêu tại hai nghị quyết nói trên của Chính phủ.

Vẫn biết rằng công việc kinh doanh, làm ăn là việc của thị trường, của chính doanh nghiệp song từ góc độ vĩ mô, việc các bộ chủ quản cụ thể hoá sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tạo ra được kỳ vọng cho sự ấm lên của thị trường, của tăng trưởng kinh tế cùng đời sống xã hội trong năm 2023.

Theo Báo Công Thương

Trung Quốc sẽ trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới

Trung Quốc sẽ trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới

Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai trên thế giới. Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu ô tô nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi Trung Quốc mới là Vương.