Thị trường điện “thông” nhưng chưa “thoáng”

07:00 | 29/09/2013

599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong định hướng phát triển của ngành điện, thị trường điện cạnh tranh (VCGM) được xác định là một trong những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, đảm bảo sự phát triển bền vững cho hệ thống lưới điện quốc gia. Chủ trương là vậy và thực tế sau 1 năm vận hành, VCGM đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều nhà máy khi tham gia thị trường đã đạt được lợi nhuận. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), vấn đề “cốt tử” của VCGM là tính cạnh tranh thì lại rất hạn chế.

Mục tiêu lớn nhất mà VCGM hướng tới là tạo ra một mặt bằng giá được xác định dựa trên các yếu tố cung cầu của thị trường. Và theo Cục Điều tiết điện lực thì sau 1 năm VCGM đi vào vận hành, việc huy động nguồn điện đã được công khai trên website của VCGM; việc huy động các tổ máy phát điện thông qua việc chào giá cạnh tranh trên thị trường cũng đang dần tạo ra cơ chế giá phát điện khách quan và hợp lý, thể hiện được quan hệ cung cầu (giờ cao điểm giá lên cao, giờ thấp điểm giá xuống thấp)…

Thị trường điện nhờ thế ổn định hơn, qua đó khuyến khích các nhà máy điện tăng khả năng sẵn sàng phát điện và xây dựng phương án chào giá phù hợp, đảm bảo doanh thu. Điều này được thể hiện rõ thông qua số lượng các nhà máy điện tham gia chào bán trên thị trường tăng nhanh thời gian qua, từ 24/87 nhà máy thời kỳ đầu đã tăng lên 37 nhà máy tính đến thời điểm hiện tại và theo dự kiến, đến hết năm 2013, con số này sẽ lên tới 50 nhà máy.

Đưa quan điểm xung quanh vấn đề này, ông Ngô Sơn Hải - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho rằng, 1 năm vận hành chính thức chưa đủ dài để có thể khẳng định tính hiệu quả của một thị trường còn mới ở nước ta như VCGM. Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định, với những thành quả bước đầu có thể khẳng định VCGM đã và đang đi đúng hướng, hệ thống điện vận hành an toàn. Nguyên tắc tính toán lập lịch huy động các nhà máy phát điện hoàn toàn mới, nhưng A0 và các đơn vị đã bám sát các quy định cũng như tình hình vận hành của từng nhà máy trong hệ thống. Từ đó có phương án phối hợp điều chỉnh giữa các nhà máy trong và ngoài thị trường, chủ động can thiệp trong những thời điểm cần thiết và báo cáo các cấp có thẩm quyền về những can thiệp này nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, thị trường minh bạch.

Cũng theo ông Hải thì các đơn vị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nhất là các nhà máy chào giá trực tiếp, nguồn nhân lực đã được bồi dưỡng nâng cao kiến thức về VCGM, nắm được các phương thức huy động, từ đó hoạch định được các chiến lược chào giá phù hợp… Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo cho thị trường phát điện công bằng, minh bạch, đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị phát điện giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận thông qua VCGM.

Cái làm được của VCGM là vậy nhưng theo Cục Điều tiết điện lực thì VCGM vẫn tồn tại không ít vấn đề, cần thiết phải điều chỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề giá. Cơ quan này phân tích: Giá bán điện chủ yếu đạt trần vào mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 5/2013), còn mùa mưa, trên 50% số giờ phải chào giá thấp hơn 500 đồng/kWh. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế cho các dịch vụ phụ trợ nên chưa khuyến khích các đơn vị tham gia, đến nay các nhà máy điện trực tiếp chào giá mới chỉ chiếm 37,8% công suất lắp đặt toàn hệ thống; Việc xác định giá nhiên liệu vẫn phải tạm lấy số liệu quá khứ cho công tác thanh toán sau vận hành; Đặc biệt, do nguồn ở phía nam đang thiếu, giới hạn truyền tải điện từ bắc vào nam còn hạn chế, khiến một số nhà máy điện phía nam đã tận dụng lợi thế vùng miền để chào giá cao vẫn được huy động dẫn đến lãi cao bất hợp lý...

Cùng chia sẻ quan điểm về những khó khăn mà VCGM đang gặp phải, ông Hải cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, để đảm bảo công tác vận hành hệ thống trong thị trường điện, cần phải hoàn thiện các quy định kỹ thuật liên quan đến công tác vận hành, đưa ra cơ chế thanh toán phù hợp. Đồng thời, cũng cần bổ sung, nâng cao năng lực lưới điện truyền tải để đáp ứng với các yêu cầu huy động nguồn.

Qua đó để thấy rằng để VCGM thực sự cạnh tranh, ngành điện vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là cân đối cung - cầu điện tại các khu vực, vùng miền trên cả nước. Chuyện hạn chế nguồn điện ở miền Nam chẳng hạn, theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì những tháng cuối năm 2013 và năm 2014, khu vực miền Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng. Điều đó sẽ làm cho thị trường điện hoạt động khó khăn hơn, khả năng phải can thiệp thị trường điện cao hơn, số giờ thị trường điện đạt giá trần nhiều hơn.

Làm sao để VCGM thực sự cạnh tranh, công khai và minh bạch về giá đang là điều không chỉ ngành điện mà còn là nguyện vọng của đông đảo khách hàng sử dụng dụng điện và đây cũng là cơ sở để những tranh cãi xung quanh chuyện tăng giảm giá điện chấm dứt. Và để đẩy nhanh quá trình này, mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực tiếp tục chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và thương mại để sớm đưa các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc, kể cả nhà máy đa mục tiêu tham gia VCGM. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các đơn vị tham gia thị trường điện.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia - A0, tổng chi phí thanh toán cho các nhà máy tham gia thị trường điện trong tháng 8 là 2,969 tỉ đồng. Giá điện thị trường trung bình 512,4 đồng/kWh, tăng 45% so với tháng 7. Trong tháng 8 chỉ có 1 giờ giá điện thị trường đạt giá trần 1015 đồng/kWh, số giờ bằng giá sàn (1 đồng/kWh) chỉ còn 92 giờ (tháng 7 là 220 giờ).

Thanh Ngọc