07:02 | 14/03/2024   4,257 lượt xem

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, tín chỉ carbon đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội lớn cho đất nước trong việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải cũng như khai thác tiềm năng kinh tế từ rừng và nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các khoảng trống pháp lý cần được khắc phục.

Thị trường carbon (CO2) bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Tiềm năng lớn

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến được ngày càng nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu. Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, không chỉ vì nguồn lực rừng phong phú mà còn nhờ vào sự đa dạng của các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải. Sự tham gia của Việt Nam vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho đất nước.

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng hiện đạt 42,02%. Tổ chức Lương - Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đánh giá trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam

Tại Việt Nam, vấn đề tín chỉ carbon đã và đang được thực hiện với những bước tiến đáng kể. Đến tháng 11 năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 276 dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch) và gần 29,4 triệu tín chỉ carbon đã được ban hành từ các dự án tín chỉ carbon được phát triển theo cơ chế CDM. Ngoài ra, còn có 32 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 27 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ được ban hành lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ. Điều này phản ánh sự nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong việc tham gia vào thị trường carbon toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính​​.

Trong năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về khoảng 1.200 tỷ đồng. Hoạt động này thuộc thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam và đã giúp cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề liên quan đến rừng tự nhiên​.

Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, cho rằng Việt Nam thuộc số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng phát thải carbon. Việt Nam nằm trong top 20 nước có lượng phát thải carbon cao nhất năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 2010 - 2022 đạt 57,3%, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải carbon cao nhất thế giới. Nhóm ngành năng lượng và công nghiệp (đốt cháy công nghiệp) chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng cơ cấu phát thải carbon của Việt Nam 12 năm vừa qua.

Cùng với đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam

Nói về nguồn tiềm năng này, ông Hoàng Anh Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thương mại (Intraco) cũng đưa ra nhận định: Việt Nam là một cường quốc, thậm chí vượt xa Thái Lan về số lượng dự án carbon và từng đứng thứ 4 thế giới. Vì vậy, nếu có đủ tiềm lực, trình độ và có đủ nhận thức, chúng ta sẽ trở thành top 5 thế giới về chứng chỉ carbon.

Cơ sở pháp lý cần được nhanh chóng hoàn thiện

Những vẫn đề liên quan đện thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam, đặc biệt là cơ sở pháp lý đến nay vẫn còn khá sơ khai, bộc lộ nhiều khoảng trống.

Luật Lâm nghiệp 2017 (điều 61, 63) quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 1 trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể để triển khai.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện các hệ thống quy định, chính sách để tạo nền tảng vững chắc cho thị trường vận hành, với mục tiêu chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam
Nguồn: Vneconomy

Cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 156/2018/NĐ-CP, trong đó đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh (điều 72a).

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang chú trọng vào việc tăng cường năng lực quản lý, phát triển công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bằng cách hợp tác với các đối tác quốc tế, Việt Nam hy vọng sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, qua đó nâng cao hiệu quả của các dự án giảm phát thải và tạo ra nhiều tín chỉ carbon chất lượng cao hơn.

Sự kiện Tập đoàn CT Group chính thức công bố thành lập Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN kỳ vọng là bước khởi đầu cho thấy tiềm năng phát triển sôi động của thị trường tín chỉ carbon ở nước ta.

Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN trở thành công ty tiên phong tại Việt Nam trong việc thiết lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Sàn giao dịch này, với tên gọi CCTPA, nhằm mục đích cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về cách thức phát triển các dự án tín chỉ carbon, bao gồm quy trình đăng ký, kiểm định và xác nhận, cũng như các cơ chế liên quan đến trao đổi, bồi thường, vay vốn tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

CCTPA cũng đang nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ blockchain và tiền mã hóa vào thị trường carbon, giúp đảm bảo các giao dịch được xác thực, an toàn và minh bạch, qua đó tăng cường niềm tin giữa các bên tham gia. Đây được xem là giải pháp tối ưu và mang tính đột phá cho thị trường carbon.

Giải pháp để có bước tiến quan trọng

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển ban đầu nhưng đã cho thấy những tiềm năng rõ rệt. Với sự cam kết mạnh mẽ từ chính phủ và sự tham gia của cả khu vực tư nhân, cùng với các đối tác quốc tế, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thị trường carbon toàn cầu. Bằng việc tiếp tục đầu tư và phát triển, Việt Nam không chỉ góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường toàn cầu mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho chính mình.

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam
Theo số liệu trong bài viết của báo cáo Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) số tháng 3-2023. Nguồn: Vneconomy

Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là những khoảng trống trong hệ thống pháp lý.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon là một bước tiến quan trọng, nhưng cần có những quy định cụ thể hơn nữa để tạo nền tảng cho thị trường vận hành. Cần phải có một hệ thống pháp lý đồng bộ và chi tiết hơn nữa, bao gồm cả việc xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường, cũng như cách thức quản lý, giao dịch tín chỉ carbon.

Mặt khác, hiện nay, việc giám sát và đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch tín chỉ carbon còn nhiều hạn chế. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác giá trị của tín chỉ carbon mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và thị trường.

Cùng với đó, việc thiếu các quy định rõ ràng về báo cáo và kiểm toán là một trong những hạn chế lớn, làm giảm khả năng kiểm tra và đảm bảo chất lượng của các dự án tín chỉ carbon. Việc xây dựng một hệ thống báo cáo và kiểm toán chặt chẽ sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và tín nhiệm cho thị trường.

Để khắc phục những khoảng trống pháp lý hiện tại, Việt Nam cần có các quy định chi tiết hơn, cụ thể hóa các nội dung trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP, bao gồm cả việc thiết lập cơ chế giám sát, quản lý giao dịch, và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tín chỉ carbon, với khả năng truy cập công bằng và minh bạch, giúp tăng cường giám sát và quản lý thị trường.

Tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia tiên tiến trong việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon, qua đó cập nhật những tiêu chuẩn, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế.

Tổ chức các chiến dịch thông tin, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan về vai trò, lợi ích và cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon.

Vấn đề tín chỉ carbon tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, việc khắc phục những khoảng trống pháp lý sẽ là chìa khóa quan trọng để mở ra tiềm năng này, đồng thời đảm bảo một thị trường hoạt động minh bạch, công bằng và hiệu quả. Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề tín chỉ carbon và những khoảng trống pháp lý tại Việt Nam

Đừng tưởng “bán không khí” là chuyện trên trời!

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ lâu chúng ta cứ nói sản xuất theo thị trường nhưng chưa hiểu thị trường cần gì. Để xuất khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Tất nhiên không phải thị trường nào cũng đều như vậy. Nhưng cần phải hiểu đòi hỏi của từng thị trường, để quản lý Nhà nước có định hướng đưa nông sản xuất khẩu đi xa hơn, vào các thị trường cao cấp, dần dần phải có tín chỉ carbon, dán nhãn sinh thái, organic....

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bây giờ người ta không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cách làm ra sản phẩm đó. Câu chuyện của chúng ta là phải thay đổi tư duy để thích ứng với xu thế thay đổi của thế giới, đó mới là điều quan trọng. Tư duy khoa học phải thay đổi, tư duy doanh nghiệp phải thay đổi và tư duy của chúng ta cũng phải thay đổi. Tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thực” và cho rằng tới đây, nông dân trồng lúa không chỉ bán lúa, người trồng cây ăn quả không chỉ bán trái cây, trồng lúa còn để bán rơm rạ, trấu, cho du khách tham quan. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp còn để bán tín chỉ carbon. Đừng tưởng “bán không khí” là chuyện trên trời, thực tế chúng ta đã bán thu tiền tươi. Trong tương lai, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày sôi động, vì vậy nông nghiệp Việt Nam cần phải đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận.

Hải Minh

Đồ họa: Hải Minh