Thế giới phải chi hàng trăm tỷ USD trợ giá xăng, dầu

09:41 | 27/04/2011

736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
IMF cho rằng, khoản trợ giá “tốn kém và không công bằng” này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Giá dầu thế giới đứng ở mức trên 120 USD/thùng đã đe dọa ngân sách tài chính của một số nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế mới nổi có trợ cấp giá nhiên liệu.

Chính phủ Philippines đã trợ giá nhiên liệu cho chủ các xe jeepney, một loại xe bus tư nhân, nhằm giảm bớt chi phí nhiên liệu và ổn định lòng tin công chúng vào chính phủ từ việc giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, sự trợ giá này chỉ giải quyết được phần nào bởi giá dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Sự băn khoăn lo lắng của người dân cũng diễn ra phổ biến ở các nước châu Á khác, ở các quốc gia Trung Đông cũng như ở Mỹ La tinh bởi các chính phủ đang boăn khoăn giữa hai lựa chọn: hoặc tiếp tục trợ giá hoặc tăng giá nhiên liệu.

Nếu trợ giá nhiên liệu thì không những ngân sách quốc gia bị bội chi mà còn ảnh hưởng đến ngân sách dành cho các lĩnh vực khác. Hơn nữa, trợ giá nhiên liệu chỉ là “đệm giảm xóc” giữa giá bán buôn trên thị trường thế giới và giá bán lẻ trong nước nên sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng và qua đó làm giá nhiên liệu thế giới tiếp tục tăng lên.

Tương quan giá xăng dầu và tỷ lệ lạm phát dự kiến của một số nước.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2010, tổng chi phí cho trợ giá nhiên liệu toàn cầu ước khoảng 250 tỷ USD trong khi khoản này năm 2003 là 60 tỷ USD. IMF nhận định những khoản trợ giá này là “tốn kém, không công bằng và gia tăng”. Khoản trợ giá “tốn kém và không công bằng” này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi G20 đã kêu gọi ngừng trợ giá nhiên liệu bởi những lo lắng về ảnh hưởng của nó đến sự bùng nổ nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu và sẽ kéo giá dầu tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã thấy việc chấm dứt trợ giá nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu thế giới đang ở mức cao như hiện nay, là chưa nên.

Đối với các nước sản xuất dầu như Venezuela, Mexico, Indonesia, Malaysia và Saudi Arabia, việc trợ giá nhiện liệu là một phần trong kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù những khoản trợ giá này khá lớn nhưng thu nhập tăng thêm từ việc giá dầu cao đã giúp họ bù lại ngân sách cho những khoản trợ giá này.

Nhưng đối với các nước không sản xuất dầu mỏ như Sri Lanka và Bangladesh, những khoản trợ giá nhiên liệu thực sự là những gánh nặng lớn cho ngân sách tài chính.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các khoản chi cho trợ giá nhiên liệu “một lần nữa lại trở thành thách thức đối với các nước đang phát triển”. IEA coi những thách thức này như là “bỏ trứng vào giỏ đá”.

Một minh chứng cho sự ảnh hưởng của trợ giá nhiên liệu đến tài chính công là ở Ấn Độ, nơi mà giá dầu diezel đang thấp hơn 20 cent so với giá thế giới. Theo Credit Suisse, nếu giá dầu thô bình quân trong các tháng tiếp theo của năm 2011 là 120 USD/thùng thì khoản ngân sách dành cho trợ giá dầu Dieazel, khí hóa lỏng LPG và dầu hỏa có thể trên 22 tỷ USD, bằng 1,1% GDP của Ấn Độ.

Trong báo cáo mới đây, Robert Prior-Wandesforde, Trưởng bộ phận Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á của Credit Suisse, cảnh báo chi phí tăng cao sẽ khiến các quốc gia mới nổi ngừng trợ giá để tránh thâm hụt ngân sách quốc gia.

“Nếu giá dầu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay thì Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia sẽ phải tăng giá bán lẻ cho người tiêu dùng và đó sẽ là những thử nghiệm xã hội của thời kỳ mới khi mà sự yên bình đã xa”.

Ở Trung Quốc, do lo ngại về áp lực lạm phát nên chính phủ nước này đã miễn cưỡng phải tăng giá nhiên liệu ở mức cân bằng với ngân sách dành trợ giá nhiên liệu. Các nhà kinh tế nói rằng nếu giá dầu vượt mức 130 USD/thùng thì đất nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới này sẽ phải chi một khoản ngân sách lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Minggao Shen, nhà phân tích chiến lược đầu tư của ngân hàng Citi Group, nếu giá dầu bình quân cả năm là 150 USD/thùng thì khoản hỗ trợ nhiên liệu sẽ là 66 tỷ USD, nhưng ông cũng tin rằng kịch bản này khó xảy ra.

Trong tuần qua, Chính phủ Thái Lan đã nâng mức hỗ trợ dầu diezel, đưa tổng giá trị chương trình hỗ trợ nhiên liệu lên mức 13,3 triệu USD kể từ tháng 12 năm ngoái, khi giá dầu bắt đầu tăng.

Theo các nhà phân tích, vấn đề chủ yếu ở đây là các chính phủ đang phải chịu rất nhiều áp lực từ việc trợ giá xăng dầu, và việc trợ giá này cũng không thể kéo dài mãi.

Được biết, chỉ vài giờ trước khi đưa ra chương trình trợ giá nhiên liệu cho xe jeepney của Chính phủ Philippines, các tài xế đã phàn nàn rằng giá dầu tăng thêm đã triệt tiêu các khoản hỗ trợ của chính phủ nước này.

Theo NDHMoney