THẾ GIỚI 24H: Quân đội Nhật Bản được phá bỏ “xiềng xích”

07:24 | 20/09/2015

1,553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng dự luật an ninh mới của Nhật đã được thông qua. Như vậy từ nay trở đi, quân đội Nhật sẽ không còn bị bó chặt ở trong nước mà còn có thể ra nước ngoài bảo vệ đồng minh và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nữa.
the gioi 24h quan doi nhat ban duoc pha bo xieng xich
Hải quân Nhật Bản

Ngày 19/9, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nghị sỹ đối lập và cử tri.

Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến, cho phép binh sỹ nước này tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II.

Phẫn nộ với kết quả bỏ phiếu, nhiều người đã biểu tình bên ngoài tòa nhà Thượng viện Nhật. Những người phản đối cho rằng, bộ luật mới làm thay đổi tinh thần nội dung bản Hiến pháp chủ hòa của Nhật do Mỹ áp đặt năm 1947, theo đó quân đội Nhật cam kết không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào bên ngoài lãnh thổ. Chính vì vậy mà cho đến giờ quân đội Nhật vẫn được gọi là Lực lượng phòng vệ, giới hạn trong các hành động tự vệ hoặc ở bên ngoài chỉ được tham gia vào các hoạt động hậu cần trợ giúp nhân đạo.

Trong những tuần qua, hàng chục nghìn người dân Nhật vẫn hàng ngày xuống đường biểu tình phản đối bộ luật trên. Nhiều người dân nói rằng nước Nhật đã chịu quá nhiều đau thương mất mát bởi chiến tranh, ngoài ra người Nhật còn phải hứng chịu quá nhiều thảm họa thiên nhiên, họ không muốn có thêm những thảm họa do con người gây ra nữa.

Nhưng Thủ tướng Shinzo Abe biện hộ rằng việc thay đổi trên là cần thiết đối với đất nước trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật tuyên bố với báo chí rằng bộ luật là cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ sinh mạng cho nhiều người, bảo đảm cho họ được sống trong hòa bình và để giữ gìn hòa bình.

Ngoài ra, luật mới còn cho phép SDF thực thi (một cách hạn chế) quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước bạn bè khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công.

Ngay sau khi Nhật thông qua luật an ninh mới, Mỹ và Anh đã lên tiếng hoan nghênh trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc lại bày tỏ thái độ thận trọng về sự thay đổi quan trọng này trong chính sách thời hậu chiến của Tokyo.

Chính phủ Mỹ lại đứng trước nguy cơ bị đóng cửa

Cuối tháng 9 này, ngân sách để cho chính phủ Mỹ hoạt động trong năm nay sẽ hết trong khi các đảng vẫn còn đang tranh cãi. Kịch bản chính phủ Mỹ bị đóng cửa như năm 2013 đang có nguy cơ tái diễn.

Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày hôm qua, Tổng thống Obama nêu rõ các nghị sỹ đảng Cộng hòa cần khẩn trương phê chuẩn kế hoạch ngân sách vì điều này giúp nền kinh tế Mỹ phát triển tốt hơn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân hơn cũng như tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Ông cảnh báo ngân sách phải được phê chuẩn ngay trong tháng 9 này nếu không chính phủ sẽ phải đóng cửa lần thứ hai trong hai năm.

Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời kêu gọi các nghị s​ỹ tránh gắn dự luật ngân sách với "các vấn đề mang tính đảng phái không liên quan".

Hiện các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ còn hơn 1 tuần để đạt được một thỏa thuận về ngân sách chính phủ trước thời hạn chót vào ngày 1/10 tới.

Dự toán ngân sách cho tài khóa 2016 được Tổng thống Obama công bố hồi tháng Hai, theo đó Chính phủ Mỹ sẽ chi 4.000 tỷ USD cho năm tới, trong khi dự kiến thâm hụt ngân sách vào khoảng 474 tỷ USD.

Chính quyền Obama cũng sẽ thu về 2.000 tỷ USD tiền thuế trong 10 năm tới bằng việc đánh thuế cao hơn đối với tầng lớp giàu có, các doanh nghiệp và người hút thuốc lá.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa chỉ trích kế hoạch tăng chi tiêu nội địa và cải cách thuế của Nhà Trắng sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong khi không khắc phục được vấn đề lớn nhất là chi tiêu ngày một tăng cao của chính phủ.

Giới quan sát nhận định việc chính phủ đóng cửa sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng khiến hàng triệu người mất lương và gây nên tình trạng hỗn loạn kinh tế và tài chính. Năm 2013, việc Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa trong hai tuần đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 24 tỷ USD.

Trung Quốc cứng rắn với Triều Tiên

Chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tái khởi động lại lò phản ứng hạt nhân lớn nhất của nước này, ngày 19/9, phát biểu trong một hội nghị về tình hình Triều Tiên được tổ chức tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói “Tất cả các bên liên quan cần nối lại đối thoại về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và cần tránh mọi hành vi khiêu khích”.

Không trực tiếp nêu đích danh Triều Tiên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn với nước láng giềng sát cạnh. Ông Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh mong muốn các bên “tỏ thái độ trách nhiệm đối với tình hình bán đảo Triều Tiên và không bao giờ có thêm những hành động làm gia tăng căng thẳng cho khu vực Đông bắc Á”. Vẫn theo Ngoại trưởng Trung Quốc, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là con đường duy nhất để bảo đảm ổn định và hòa bình cho khu vực.

Đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên bao gồm 2 nước Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản đã được khởi động từ năm 2005. Lần cuối các bên gặp nhau là vào năm 2008. Đối thoại hoàn toàn bế tắc sau khi Bình Nhưỡng từ chối mở cửa cho các thanh tra viên quốc tế vào giám sát các cơ sở hạt nhân.

Là đồng minh thân cận của Triều Tiên, Trung Quốc một mặt đã bực mình trước các hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng, mặt khác Bắc Kinh vẫn chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc với đồng minh Mỹ do đó là hành động nhằm gây thêm căng thẳng trong vùng.

Cũ và mới phối hợp tại châu Phi

Là quốc gia có nhiều cựu thuộc địa cũ nhất tại châu Phi, Pháp đã bắt tay mới Trung Quốc-quốc gia đầu tư nhiều nhất tại châu Phi hiện nay.

Ngày 19/9, AFP cho biết trong chuyến công tác tại Pháp hồi tháng 6/2015 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phê chuẩn văn bản hợp tác, thành lập một quỹ đầu tư chung nhằm hỗ trợ cho một quốc gia thứ ba, chủ yếu là các nước ở châu Phi.

Đây là một trong những vế quan trọng của thỏa thuận “đối tác Pháp-Trung”. Theo các nhà quan sát, trong một thời gian dài Trung Quốc muốn một mình một chợ, đầu tư vào châu Phi. Nhưng giờ đây Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược. Các tập đoàn Trung Quốc muốn lợi dụng các kinh nghiệm của Pháp tại châu Phi, đổi lại thì các đối tác Pháp có thể trông cậy vào các phương tiện tài chính dồi dào của các tập đoàn Trung Quốc.

Tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi trong năm 2013 lên tới 1,6 tỷ USD. Để so sánh, cách nay 10 năm tổng FDI của các tập đoàn Trung Quốc trên châu lục này chỉ là 145 triệu USD.

Trong cuộc họp báo ngày 18/9 tại Bắc Kinh trong khuôn khổ đối thoại kinh tế và tài chính song phương, Phó Thủ tướng Trung Quốc Mã Khải chính thức thông báo về hợp tác của trục Paris - Bắc Kinh. Tuy nhiên cả phía Trung Quốc lẫn Pháp đều không đi sâu vào chi tiết của quỹ đầu tư chung nói trên. Tới nay không có thông tin về đóng góp của mỗi bên cho quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ châu Phi.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h quan doi nhat ban duoc pha bo xieng xich
Một chiếc thuyền đánh cá bị sóng thổi bay lên đất liền tại cảng Coquimbo, Chile sau trận động đất mạnh 8,3 độ richter

G.K

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)