Thầy giáo trẻ nơi “bốn không” giữa đại ngàn

22:08 | 11/06/2017

2,751 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm qua, tại Huổi Khe, một trong những điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của Trường Tiểu học Mường Cai (xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), nhiều giáo viên không quản ngại khó khăn, vất vả "bám bản gieo chữ”. Và nơi đây có một thày giáo trẻ đã 6 năm liền bám bản, quên cả tuổi xuân để mang từng con chữ đến với những học sinh vùng cao. Đó chính là thày giáo Vũ Duy Văn.

Gian nan hành trình “gieo chữ”

Huổi Khe là bản vùng sâu vùng xa thuộc xã Mường Cai, sát biên giới nước CHDCND Lào. Đây là nơi sinh sống của gần 70 hộ đồng bào dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, cơ sở vật chất rất khó khăn, thiếu thốn.

Được sự giới thiệu của Ban giám hiệu, phóng viên Báo Năng lượng Mới tìm gặp thày Vũ Duy Văn - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Huổi Khe. Sinh năm 1988, tuổi đời còn khá trẻ nhưng thày Văn đã có tới 6 năm bám bản. Xuất thân từ một gia đình công chức nghèo ở xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, Sơn La), mẹ làm giáo viên, nên từ nhỏ thày Văn đã mơ ước được trở thành một thày giáo đem con chữ đi khắp những bản làng. Và ước mơ đã trở thành hiện thực, năm 2009, chàng sinh viên Cao đẳng Sư phạm Sơn La Vũ Duy Văn ra trường, khoác balô hăm hở lên Trường Tiểu học Mường Cai nhận công tác và sau đó tình nguyện lên Huổi Khe - một trong những điểm trường xa và khó khăn nhất.

thay giao tre noi bon khong giua dai ngan
Thầy Vũ Duy Văn cùng học sinh tại điểm trường Huổi Khe

Kể về những ngày đầu lên Huổi Khe, thày Văn bồi hồi: “Lúc ấy tôi mới ra trường, chưa có kinh nghiệm gì trong nghề. Nhận công tác, tôi xách balô lên đường luôn, điểm đến chính là Huổi Khe. Từ đó đến giờ, tôi thấm dần những tháng ngày thiếu thốn điều kiện vật chất để bám bản dạy học. Năm 2010, chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng Huổi Khe là bản bốn không: không điện, không đường, không chợ, không sóng điện thoại. Nhà tôi thì ở ngoài Chiềng Khương, học sư phạm tôi lại được học ngoài thành phố Sơn La, mọi thứ đều khá đầy đủ, nên ban đầu tôi cũng khó mà bắt nhịp với cuộc sống nơi này”. Thế nhưng, chính vì những khó khăn ấy mà thày giáo Văn lại ngày một gắn bó với vùng đất “bốn không” này.

Thầy Văn kể, khó khăn nhất chính là đường lên bản. Từ nhà thày đến điểm trường dài 40km đường núi, quanh co, hiểm trở, trong đó có nhiều đoạn đường đất, đá leo dốc vô cùng khó đi. Nguy hiểm nhất là những khi trời mưa, đường đất trơn trượt, lại gồ ghề. Không ít lần thầy Văn gặp tai nạn trên đoạn đường đó và lần nào cũng chỉ một mình xoay xở vì quãng đường này luôn vắng vẻ. Đi nhiều thành quen, giờ thày Văn đã thuộc hết những khúc cua, những đoạn dốc trên từng cung đường ấy.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, thày giáo trẻ hào hứng: “Đầu năm học 2012, tôi và thày Trọng trên đường lên cơ sở, xe mỗi người chở hơn một bao tải sách để phát cho học sinh. Hôm ấy trời mưa nên đường có nhiều vũng trơn trượt, mà chạng vạng chiều rồi hai anh em mới bắt đầu đi. Chúng tôi càng tăng ga thì xe càng trượt trên đường đất. Lúc đó hai anh em đều không nói ra nhưng ai cũng chỉ sợ đường trơn quá trượt xuống vực thì chết chắc. Cứ đi một đoạn ngắn lại ngã, đi một đoạn lại phải dừng để cậy đất ở bánh xe ra, xe hai người thay nhau ngã, người với xe toàn bùn với đất bẩn bê bết. Nhưng lúc đó chỉ thấy nhiệt huyết tăng lên, cảm giác muốn chiến thắng khó khăn, trở ngại đó. Cứ ngã lại dậy, dường như đó chính là sức mạnh và ý chí của tuổi trẻ, chúng tôi chẳng ngại gì cả, bao sách cũng đã được bọc kỹ nên cứ thế mà đi, rồi ngã, rồi lại đi. Hôm đó tới tận 8 giờ tối chúng tôi mới lên được bản Huổi Khe, đường xuống bản thì dốc và trơn quá nên tôi phải gửi xe ở đầu bản rồi vác bao tải sách đi bộ. Đó là kỉ niệm khó quên của đời người thày giáo và không phải thày giáo nào cũng có được”.

Bản Huổi Khe mới có điện được khoảng 3 năm nay và có sóng điện thoại khoảng hơn 1 năm nay. Thời gian trước khi bản không có điện, không có sóng điện thoại, thày Văn gần như tách biệt hoàn toàn với “thế giới bên ngoài”. Thày giáo trẻ kể: “Tôi là con một nên phải có trách nhiệm với gia đình, họ hàng. Vì không có sóng điện thoại, nhiều khi có việc cần mà gia đình không thể liên lạc được với tôi. Tôi còn nhớ, hồi tháng 9 năm ngoái, chú tôi mất, trước khi nhắm mắt, chú muốn gặp tôi, ấy vậy mà gia đình không thể liên lạc được. Đến 4 giờ sáng, tôi mới nhận được tin, phi một mạch về nhà mà không kịp. Đó là điều mà tới giờ tôi vẫn hối tiếc”, thày Văn không giấu được nỗi buồn khi nhắc lại chuyện đó.

Để bám bản ngần ấy năm trời, người giáo viên trẻ này phải đánh đổi nhiều thứ chứ không chỉ là tuổi thanh xuân. Cái khó trong việc dạy học ban đầu là các em học sinh hầu hết không biết tiếng phổ thông, mà thày Văn lại chưa thạo tiếng bản địa để truyền đạt cho các em kiến thức. Ngoài ra, việc chưa quen với những thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán của người Mông cũng là trở ngại đối với thày Văn. Mệt nhọc là thế, nhưng mỗi lần bước lên lớp và đứng trước bao con mắt ngây thơ, tò mò về con chữ của các em học sinh thì thày Văn lại tự động viên mình tiếp tục cố gắng. Cho đến bây giờ, từng hoàn cảnh của từng em học sinh, thày đều nắm rõ.

“Thày Văn giúp đỡ em rất nhiều. Gia đình em khó khăn, bố mẹ em mất rồi, em đang ở với các anh trai và chị dâu, nhà em chỉ sống nhờ nương rẫy thôi. Thày Văn biết hoàn cảnh gia đình em, thày đã xin cho em được miễn giảm toàn bộ chi phí đóng góp. Được thày giúp đỡ, động viên nên em và các bạn ai cũng cố gắng học hành” - học sinh điểm trường Huổi Khe tên là Vàng Thị Nhìa kể về người thày mà cô bé coi như cha mình.

Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường Huổi Khe, nhiều năm liền thày Văn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường và năm học 2016-2017 thày đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Ngoài ra, thày Văn còn là một Bí thư chi đoàn giỏi của Trường Tiểu học Mường Cai. Ban giám hiệu luôn ghi nhận những thành tích của thày và trò điểm trường Huổi Khe nói chung và thày Vũ Duy Văn nói riêng.

Cô Nguyễn Ánh Tuyết - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Cai - cho biết: “Điểm trường Huổi Khe còn có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, đường xá xa xôi, hiểm trở, cách biệt với trung tâm. Tuy khó khăn như vậy nhưng các giáo viên trên Huổi Khe bám trường, bám lớp rất tốt và đặc biệt là rất quan tâm đến học sinh. Trong đó không thể không kể đến sự nỗ lực của thày Vũ Duy Văn - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Huổi Khe. Thày Văn là một giáo viên cực kỳ năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, vượt qua mọi khó khăn để bám bản. Ban giám hiệu ghi nhận điều đó và cũng thường xuyên tuyên dương, thăm hỏi, động viên, quan tâm nhiều hơn tới thày - trò trong điểm trường”.

Thày Văn sẽ vẫn tiếp tục cuộc hành trình "gieo chữ" cho các em nhỏ Huổi Khe. Những tháng ngày bám bản đối với thày giáo trẻ này là những tháng ngày sống trong tình thày trò và sống cùng những ước mơ bé nhỏ giữa đại ngàn.

Thảo Ngân