Thấy gì từ việc xuất khẩu tăng trưởng 17%?

20:15 | 30/06/2022

167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua 6 tháng năm 2022 đã tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là quả ngọt từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân khiến các mặt hàng chủ lực đều có sự tăng mạnh cả về chất và lượng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.

Thấy gì từ việc xuất khẩu tăng trưởng 17%?
Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi có sự tăng trưởng vượt bậc.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, có đến 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Trong đó, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Nhật Bản. Tính tới tháng 5 năm nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu của 97 doanh nghiệp tôm Việt Nam. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất, như: Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Công ty CP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, Công ty CP Hải Việt, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung…

Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Nhật Bản, gồm: Tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm tẩm bột xù chiên, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh, tôm thẻ chân trắng tẩm bột đông lạnh…

Một mặt hàng khác có sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc là dệt may. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu

Tôm và dệt may là 2 trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian qua, đóng góp tích cực cho xuất khẩu chung của cả nước nửa đầu năm. Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước.

Về nguyên nhân giúp xuất khẩu toàn ngành thu về kết quả khả quan như trên, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Các đơn vị tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil; đồng thời, các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông cũng được khai thác tốt.

Về nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%. Trong 6 tháng đầu năm có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Thấy gì từ việc xuất khẩu tăng trưởng 17%?
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng của cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức 2 con số đã thể hiện được sự bứt phá ngoạn mục của hoạt động xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam sang các thị trường truyền thống luôn giữ vững đà tăng trưởng ổn định.

Còn tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử. Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; Rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí hoặc đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao.

Có thể thấy rằng, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát khiến nhu cầu về tiêu dùng và sản xuất của thế giới đang ngày càng tăng cao, cùng với đó là lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã kí kết trong thời gian qua đã giúp Việt Nam có nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước và sản xuất xuất khẩu tăng cao. Điều này sẽ khiến giá hàng hóa sản xuất để xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

P.V

Tin tức kinh tế ngày 18/6: Dự báo GDP năm nay tăng 5,2 - 6,2% Tin tức kinh tế ngày 18/6: Dự báo GDP năm nay tăng 5,2 - 6,2%
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng khuôn đúc Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng khuôn đúc
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD