Thấy gì từ chuyến thăm vùng Vịnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ?

08:34 | 21/07/2023

477 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào hôm 17/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã bắt đầu một loạt chuyến thăm đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Qatar. Dẫn theo phái đoàn gồm 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyến đi vùng Vịnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đem về nhiều thỏa thuận trong những lĩnh vực như quốc phòng và năng lượng.
Thấy gì từ chuyến thăm vùng Vịnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ?

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong chuyến thăm tới các nước vùng Vịnh.

Trong chuyến đi này đến vùng Vịnh này, có hai vấn đề đã được trao đổi, về mặt kinh tế và địa chính trị.

Mang theo phái đoàn gồm 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Arab Saudi, nơi ông ký kết một vài thỏa thuận với Ankara, bao gồm một thỏa thuận về việc mua máy bay không người lái nổi tiếng, những ngôi sao của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, đó là máy bay không người lái TB2 Bayraktar, nổi tiếng nhờ vai trò của nó trong cuộc chiến ở Ukraine.

Giám đốc điều hành của công ty Baykar – nhà sản xuất của mẫu máy bay TB2 Bayraktar, cho rằng đây là hợp đồng xuất khẩu hàng không và quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Trị giá thương vụ này có thể vượt qua cả con số 367 triệu USD được trả trong khuôn khổ một thỏa thuận trước đó giữa Ankara và Kuwait, được ký vào tháng 6 vừa qua. Ba phần tư doanh thu của công ty đến từ những thương vụ quốc tế. Vào năm 2022, Baykar thu được 1 tỷ 180 triệu USD nhờ xuất khẩu trên toàn thế giới. TB2 có giá thấp hơn 4 lần so với một máy bay không người lái của Mỹ với thông số tương đương. Đây là lý do vì sao đây là sản phẩm quốc phòng rất phổ biến ở châu Phi, nhất là ở Sahel, nơi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện mức độ hiệu quả cao trong cuộc chiến chống khủng bố. Những nước như Mali, Niger, Burkina Faso, Nigeria, Togo đều trang bị loại máy bay này. Benin cũng sẽ sớm được trang bị.

Những hợp đồng khác được ký kết tại Riyadh còn bao gồm hợp đồng về lĩnh vực năng lượng, đầu tư, quốc phòng và truyền thông.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa gợi ý về khả năng những quốc gia vùng Vịnh mở ra khoản đầu tư tài chính với trị giá 25 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có vẻ như có ý nghĩa quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì đây là một quốc gia có tình hình kinh tế rất suy thoái, và một trong những chìa khóa mở ra cơ hội cho quốc gia này phục hồi chính là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài ra, cũng nhân dịp này, ông Recep Tayyip Erdoğan cần phải đánh giá lại những thỏa thuận đã ký kết và những lĩnh vực có liên quan, nhất là những dự án mạng lưới đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thỏa thuận này sẽ không chỉ khẳng định vai trò của đất nước như một trung tâm năng lượng khu vực, mà còn củng cố tầm quan trọng địa chính trị của nó. Đây là vấn đề thứ hai được trao đổi trong chuyến công du của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta cần nhớ rằng, trong giai đoạn diễn ra làn sóng “Mùa xuân Arab” năm 2011, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Arab Saudi và UAE, đã bị đánh dấu bằng nhiều bất ổn lớn. Vào năm 2017, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Arab Saudi liên kết với một số nước láng giềng nhằm bóp nghẹt kinh tế và chính trị Qatar. Với tư cách là một nước đối tác, vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh ủng hộ quý giá nhất của vương quốc Qatar nhỏ bé, giúp nước này ngay lập tức phá vỡ vòng vây cấm vận.

Những căng thẳng này giờ đã là dĩ vãng, nhiều nỗ lực hòa giải đã được thực hiện từ vài năm nay. Ankara, cùng với Tehran và Riyadh, là một trong ba thủ đô nắm vai trò trọng yếu trong khu vực. Họ hoàn toàn hiểu rằng, ở giai đoạn này, tốt hơn là nên có hướng đi linh hoạt thay vì đối chọi nhau. Do đó, ta có thể thấy rõ ràng: Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách hòa giải với nhiều quốc gia mà nước này từng có mối quan hệ bất hòa. Tiến trình giải hòa với Israel đã xong xuôi, và đàm phán với Ai Cập đang được tiến hành. Tuy nhiên, khi nói đến Syria, quá trình này phức tạp hơn nhiều. Do đó, trong bối cảnh này, việc ông Recep Tayyip Erdoğan thực hiện chuyến thăm chính thức đến vùng Vịnh là điều dễ hiểu.

Ngoài mong muốn được tuyên bố đã nới lỏng quan hệ với những nước vùng Vịnh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn thể hiện một bước tiến về phía phương Tây vào tuần trước, bằng cách ủng hộ ý tưởng Ukraine gia nhập NATO và phê duyệt cho Thụy Điển. Trong khi trước đó, Ankara liên tục phủ nhận tư cách thành viên của Thụy Điển hơn một năm qua. Giờ đây, việc đảo ngược lập trường này phản ảnh điều gì về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ? Các nhà phân tích tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng cũng sẽ chấp nhận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Và điều này đã trở thành hiện thực, với quyền phê duyệt thuộc về quốc hội thứ 28 của Thổ Nhĩ Kỳ - vừa được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14/5. Khi đàm phán quốc tế, chiến thuật ngoại giao thông thường của Thổ Nhĩ Kỳ là "nâng tầm cuộc chơi" và kiên trì đề ra những yêu cầu với lập trường cứng rắn, rồi chấp nhận thỏa hiệp vào thời điểm cuối cùng.

Điều bất ngờ ở đây, là việc ông Recep Tayyip Erdoğan muốn dùng sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt cho Thụy Điển gia nhập NATO để kích hoạt lại những vòng đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Theo như chúng tôi biết, tiến trình đàm phán này đã bị đóng băng từ vài năm nay.

Yêu cầu có vẻ vô lý, vì trên thực tế, hai sự kiện không có mối liên hệ trực tiếp nào. Dù vậy, ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, sẽ tham gia đàm phán về vấn đề này ở Vilnius (thủ đô của Litva). Điều này cho thấy, hai bên muốn cố gắng (dù rằng biểu hiện còn khá mơ hồ) điều chỉnh thỏa thuận liên minh thuế quan Thổ Nhĩ Kỳ - Liên minh châu Âu (EU) năm 1996 và giải quyết vấn đề bãi bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn đi du lịch đến EU. Những yếu tố này chỉ ra rằng, tuy hai bên có mối quan hệ cực kỳ phức tạp, thì bây giờ, họ lại muốn xây dựng lại mối giao hảo để cùng tiến lên phía trước.

Nhưng trên hết, quyết định phê duyệt cho Thụy Điển gia nhập NATO là một minh chứng khác cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem trọng tư cách thành viên của mình trong tổ chức xuyên Đại Tây Dương, vì đây là cách đảm bảo an ninh tốt nhất của họ. Trái ngược với nhận định từ một số nhà quan sát, nhất là trong giai đoạn năm 2019-2020, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ có ý định rời NATO. Họ là một đồng minh khó đoán và khó bảo, nhưng vẫn là một đối tác thiết yếu.

Mặt khác, Moscow không có thiện cảm với định hướng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những thành viên của NATO, nhất là trong giai đoạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen – sáng kiến cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua Biển Đen, hết hạn vào ngày 17/7. Tuy nhiên, Ankara vẫn được xem là trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga. Như vậy, ông Recep Tayyip Erdoğan dự định thể hiện lập trường gì đối với thỏa thuận này? Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tiến triển như thế nào? Rõ ràng, trong một số vấn đề gần đây, quan điểm khác biệt giữa Moscow và Ankara đã lộ rõ. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã đón tiếp nồng nhiệt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Istanbul vào đầu tháng 7, rồi ủng hộ ý tưởng Ukraine gia nhập NATO, sau đó là phê duyệt cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Những điều này đã làm cho Nga bị bao vây thêm, và làm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khó chịu.

Nhưng thực tế cho thấy, Tổng thống Vladimir Putin thường xuyên duy trì mối giao hảo với ông Recep Tayyip Erdoğan - người không ngừng nói về vị nguyên thủ nước Nga và đề cao tình bạn chung của họ. Chúng ta cũng thấy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những người đầu tiên ủng hộ phe Tổng thống Nga trong tập đoàn lính đánh thuê Wagner nổi loạn. Chưa kể, ông Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm chính thức đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8, tạo điều kiện giải quyết những bất đồng.

Giới quan chức Nga hoàn toàn hiểu rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là một yếu tố trung gian mà họ cần. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi từ vai trò trung gian tiềm năng này. Tuy nhiên, ông Recep Tayyip Erdoğan không phải là người toàn trí, bằng chứng là Nga đã quyết định không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư rất nhiều. Ông cho biết sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục “ông bạn Putin của mình” thay đổi lập trường và chấp nhận gia hạn thỏa thuận. Chúng ta cùng chờ xem điều này sẽ gặt hái được kết quả gì.

Liệu có hy vọng nối lại xuất khẩu dầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IraqLiệu có hy vọng nối lại xuất khẩu dầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq
Rosatom thâu tóm lĩnh vực hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ?Rosatom thâu tóm lĩnh vực hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ?
Thổ Nhĩ Kỳ chọn Nga để phát triển điện hạt nhân?Thổ Nhĩ Kỳ chọn Nga để phát triển điện hạt nhân?

H.Phan

AFP