Thận trọng với chính sách vĩ mô

09:10 | 13/05/2021

883 lượt xem
|
(PetroTimes) - Kiểm soát lạm phát, siết chặt tín dụng, cân bằng dòng tiền hay tiếp tục kích cầu kinh tế bằng các gói hỗ trợ… là những bài toán kinh tế hóc búa mà các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế quý I/2021 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại tọa đàm
Thận trọng với chính sách vĩ mô

PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR: Còn nhiều rủi ro

Sự tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn.

Xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện với những rủi ro bất ngờ.

Lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, mà chỉ là những “rủi ro đang tiếp tục tích lũy”. Đặc biệt, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng...

Với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế, kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng khoảng 6,0-6,3%.

Thận trọng với chính sách vĩ mô

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế: Không quá lo lắng về lạm phát!

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên là dịch bệnh còn rất phức tạp. Doanh nghiệp đang khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tháng 3-2021 giảm so với tháng 2. Nhưng tháng 2 là tháng nghỉ Tết, tháng 3 là quay lại làm việc, tính chung số doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Rủi ro về giá nguyên vật liệu tăng đang rất thách thức. Ví dụ, dầu thô từ đầu năm tăng 30%. Giá dầu tăng có thể khiến CPI của nước ta tăng 0,4-0,6 điểm. Giá cả đầu vào thiết yếu như sắt, thép, kim loại đều tăng hơn 40%. Ngành thép Việt đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu vào.

Thêm nữa là rủi ro về tài chính, bong bóng tài sản đang hiện hữu trong 2 năm qua. Mặt khác, rủi ro tác động xã hội của dịch bệnh ảnh hưởng đến giới tính, việc làm, chất lượng học online, chấn thương tâm lý, bạo lực... đang có xu hướng tăng lên.

Thận trọng với chính sách vĩ mô
Việc kiểm soát tín dụng được xem là một giải pháp đối với tình trạng đầu cơ bất động sản, cổ phiếu

Nỗi lo lạm phát là có thật, nhưng không đáng lo ngại. Có hai lý do là sức cầu còn nhiều và vòng quay đồng tiền đang ngày càng chậm khi người dân đang giảm chi tiêu, tiết kiệm nhiều. Chính vì vậy, áp lực lạm phát không quá lớn, dù dòng tiền mà Chính phủ kích cầu vẫn chưa hoàn toàn đi vào sản xuất kinh doanh mà đọng lại ở chứng khoán, bất động sản, đầu cơ.

Tình hình kinh tế của Việt Nam dù có nhiều thách thức nhưng sẽ vẫn tăng trưởng tốt. Quan điểm của tôi là chúng ta phải thận trọng ứng xử với lạm phát. Nếu chúng ta lo lắng quá, thắt chặt quá thì cực kỳ nguy hiểm, sẽ khiến kinh tế không phục hồi được.

Thận trọng với chính sách vĩ mô

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính: Không để tăng trưởng tín dụng nóng

Tháng 10-2020, Mỹ đưa Việt Nam, Thụy Sỹ vào các quốc gia thao túng tiền tệ, trước đó có cả Trung Quốc. Việt Nam đủ cả 3 tiêu chí do Mỹ đặt ra về lượng ngoại hối Nhà nước mua vào, tài khoản vãng lai có thặng dư hơn 2% GDP và thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam hơn 20 tỉ USD. Vừa qua, Bộ Ngân khố Mỹ tuyên bố không tìm ra bằng chứng Việt Nam thao túng tiền tệ và quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, nhưng vẫn cảnh báo tiếp tục xem xét trong vòng 6 tháng tới.

Việt Nam không thể chủ quan bởi là một quốc gia đang đứng ở giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khi việc áp thuế vào hàng hóa hai quốc gia vẫn đang ở mức rất cao. Trong cuộc chiến thương mại, Mỹ vẫn dùng chiêu bài “thao túng tiền tệ” để đưa ra các biện pháp trừng phạt các quốc gia khác. Chính vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt nhưng không được để tỷ giá tăng quá mạnh để Mỹ có thể lấy cớ đưa nước ta vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Quý I/2021, tín dụng tăng 2,93%. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%. Tín dụng Việt Nam đi về đâu khi năm 2020 có hơn 80 nghìn doanh nghiệp phá sản, người dân tiêu dùng ít đi? Hình như tín dụng đi vào tài sản sinh lời như ngoại tệ, vàng, bất động sản, chứng khoán? Năm 2020, tỷ giá ngoại tệ đi ngang, giá vàng lên xuống thất thường, nên chỉ còn bất động sản và chứng khoán. Chứng khoán có hai thị trường, thị trường phục vụ sản xuất kinh doanh và thị trường phục vụ mục đích đầu cơ, đẩy giá cổ phiếu lên. Chính vì thế, phải cẩn trọng nếu VN-Index tiếp tục tăng.

Thận trọng với chính sách vĩ mô
WB đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6% trong các năm sắp tới

Đáng lưu ý là bong bóng thị trường bất động sản khi “đất nền đắt như tôm tươi”. Có một điều đáng quan ngại nữa là các khoản vay tiêu dùng cá nhân thực tế là dùng tiền mua đất và mua cổ phiếu.

Kinh tế Việt Nam những năm qua là điểm sáng nhưng sự phát triển kinh tế không hỗ trợ giá bất động sản tăng mạnh như vậy. Bởi vậy, cần phải cẩn trọng với vấn đề tăng trưởng tín dụng. Tôi hoàn toàn đồng ý với sự cảnh cáo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc cần xem xét, kiểm soát tín dụng, tránh tăng trưởng nóng. Không nên mở rộng tín dụng bởi tín dụng đang có xu hướng đầu cơ tài chính mà không đi vào sản xuất kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu của VEPR khẳng định kinh tế Việt Nam trong quý I/2021 có mức tăng trưởng 4,48% là một sự “thần kỳ”.

Thành Công

Người nổi tiếng kêu gọi đầu tư tiền ảo: Cẩn thận Người nổi tiếng kêu gọi đầu tư tiền ảo: Cẩn thận "mất cả chì lẫn chài"
Kiểu đầu tư lạ lùng của Shark Phú: Rót vốn vì CEO xinh, không do sản phẩm?Kiểu đầu tư lạ lùng của Shark Phú: Rót vốn vì CEO xinh, không do sản phẩm?
Quản lý phí bảo trì chung cư là vấn đề cực “nóng bỏng”, có nơi là tranh chấp!Quản lý phí bảo trì chung cư là vấn đề cực “nóng bỏng”, có nơi là tranh chấp!

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc