Thăm Trường Dục Thanh - nhớ mãi lời Bác dạy

06:53 | 03/09/2012

11,581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhân chuyến ra công tác tại Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power RE, đơn vị thành viên Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power) có trụ sở đặt tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), sau khi hoàn tất mọi công việc, chúng tôi được anh Tuấn (cán bộ tổ chức của PV Power RE) mời đi thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia Trường Dục Thanh, nơi mà 102 năm về trước Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn để ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Anh Tuấn hãnh diện khoe rằng, PV Power RE là đơn vị duy nhất của ngành Dầu khí đứng chân trên địa bàn Phan Thiết - thành phố biển nổi tiếng với “ngôi trường lịch sử” Dục Thanh, nên các cán bộ, công nhân viên và đoàn viên thanh niên trong công ty có cơ hội thường xuyên đến thăm mái trường mà Bác Hồ đã dạy học năm xưa, để cùng nhau ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, được thấy, được nghe, được hiểu hơn về những năm tháng Bác Hồ đã dạy học ở Trường Dục Thanh và cũng để học tập, lao động, rèn luyện thật tốt theo tấm gương đạo đức của Người.

Chúng tôi lại thoáng nghĩ, thật tự hào vô cùng, vì ở địa phương nào mà công trình dầu khí hay đơn vị trong ngành có mặt là như có hình ảnh thân thương của Bác, đơn cử như những công trình đền thờ Bác mà chúng tôi đến viếng khi đi công tác ở Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 hay Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau…

Khu Di tích lịch sử Trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh tọa lạc ở làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị,  nằm kề bên bờ sông Cà Ty xinh đẹp hiền hòa của thành phố Phan Thiết. Ngôi trường cổ cho đến nay vẫn được giữ nguyên vẹn với kiến trúc, nội ngoại thất xưa. Chúng tôi kính cẩn đặt từng bước chân vào lớp học dưới mái trường cổ kính đã hơn 100 năm tuổi mà trong lòng bồi hồi cảm xúc về nơi mà Bác Hồ giảng dạy khi xưa.

Đó là lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị. Trong lớp có 21 bộ bàn ghế của học sinh được bố trí thành 3 dãy ngăn nắp, 2 cái bảng đen phía 2 bên lớp học và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác từng ngồi giảng bài. Phía bên phải lớp học nằm ở gian nhà chính là Nhà Ngư, được xây dựng năm 1906 và đến năm 1908 được dùng làm nơi nội trú cho học sinh. Còn phía sau Nhà Ngư và gian nhà chính là ngôi nhà lầu nhỏ được gọi là Ngọa Du Sào. Đây là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của nhà văn, nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời cụ Nguyễn Thông ở tại căn nhà này ngâm thơ bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước. Lúc ở Trường Dục Thanh, thầy Nguyễn Tất Thành cũng thường đọc sách, soạn bài ở Ngọa Du Sào.

Di tích Trường Dục Thanh được trùng tu, phục dựng, tôn tạo lại nguyên gốc như trước trong các năm 1978-1980 nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ là học trò cũ của trường vào thời điểm Thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy. Khu di tích được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1986.

Chúng tôi như muốn được ngồi thật lâu trong những dãy bàn ghế của lớp học Trường Dục Thanh khi xưa để được ôn lại những kỷ niệm xưa. Nhiều du khách không khỏi xúc động khi được ngắm nhìn những hiện vật đang được lưu giữ như: Bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, 3 cái ly nhỏ, 1 cái khay. Tất cả đều cũ kỹ nhưng được cất giữ bảo quản tốt. Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với thời gian và lịch sử của những ngày dạy học ngắn ngủi ở Phan Thiết của Thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Phần di tích cũ vẫn còn nguyên vẹn gồm giếng nước được xây bằng gạch ở phía sau Ngọa Du Sào và vườn cây xanh tươi hoa lá, có cây khế gia đình cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm. Cô hướng dẫn viên cho biết: Hồi ấy, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường tưới nước chăm sóc cây khế này, nên người dân nơi đây gọi là cây khế Dục Thanh, cây khế Bác Hồ...

Đông đảo du khách tham quan ngồi thật lâu trong những dãy bàn ghế của lớp học Trường Dục Thanh khi xưa, để được nghe người hướng dẫn viên kể về một chặng đường lịch sử của trường

Theo tư liệu lịch sử được ghi chép lại, Trường Dục Thanh ngày trước được gọi là Dục Thanh Học Hiệu là tên viết tắt của “Giáo dục Thanh thiếu niên” do hai người con của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh cùng các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận (gồm các cụ Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lê Chất, Ngô Văn Nhượng) khởi xướng sáng lập vào cuối năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Khúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ.

Trước khi có Trường Dục Thanh, các sĩ phu yêu nước tỉnh Bình Thuận đã thành lập Liên Thành Thư Xã nhằm truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước, được thành lập năm 1905 và Liên Thành Thương Quán nhằm làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân, được thành lập năm 1906. Liên Thành Thương Quán hoạt động có hiệu quả, bí mật đóng góp một phần tài chính cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và các phong trào giải phóng dân tộc về sau. Liên Thành Thư Xã do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mời nhiều diễn giả đến diễn thuyết, trong đó có Phan Châu Trinh, gây được tiếng vang sôi nổi. Nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân hồi bấy giờ, Dục Thanh Học Hiệu được mở ra nhằm dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ. Đặc biệt Dục Thanh Học Hiệu đã đào tạo được một lớp trẻ học tập theo sách vở và tinh thần mới.

Vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 1910, trên đường tìm phương cứu nước, từ Huế, Nguyễn Tất Thành, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, được ông nghè Trương Gia Mô - vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) - giới thiệu đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, Thể dục thể thao… Thầy Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy quốc ngữ, Hán văn. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, bằng tình cảm người thầy, người anh, thầy Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh.

Theo dữ liệu tại Khu Di tích lịch sử Trường Dục Thanh, vào tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời Trường Dục Thanh với giấy thông hành tên Văn Ba do các cụ Trần Lệ Chất và Hồ Tá Bang lo giúp để vào Sài Gòn lên tàu vượt đại dương đi tìm đường cứu nước. Do nhiều lý do lịch sử nên trường Dục Thanh đã đóng cửa vào năm 1912.

Những tháng ngày dạy học tại Trường Dục Thanh ở thành phố biển Phan Thiết tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học.

Xin khép lại bài viết bằng một đoạn trong bài thơ “Về thăm trường Dục Thanh” của tác giả Trần Minh Giang:

“Về thăm Trường Dục Thanh
Nơi thầy Thành dạy học

Bỗng nhớ lời Bác dặn
Lúc người sắp đi xa:
Thanh niên của nước ta
Là rường cột quốc gia
Phải chăm lo đào tạo
Cho đủ đức, đủ tài”.

Thế Vinh

(Năng lượng Mới số 151+152, ra thứ Sáu ngày 31/8/2012)