Tết ở làng cổ Đường Lâm

07:00 | 10/02/2021

665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nằm trong thủ đô năng động, đang vươn mình hội nhập, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng không tránh khỏi những đổi thay, nhưng đâu đó vẫn còn những nét văn hóa đặc trưng chỉ có ở ngôi làng nhiều tuổi này.
Tết ở làng cổ Đường Lâm
Nhà cổ hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Vững

Đến làng cổ Đường Lâm vào một ngày cuối năm, chúng tôi nhận thấy cảnh bình yên, chậm rãi đến lạ thường. Những cảnh vật như cây đa, cổng làng, sân đình... đến các cụ bà ngồi bán nước... đều đượm màu cổ xưa, tất cả đều từ tốn, chậm rãi, yên bình.

Theo sự chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi đến nhà ông Giang Vĩnh Phúc - hậu duệ đời thứ 14 của cụ Thám hoa Giang Văn Minh. Ông Phúc là một trong những người còn lưu giữ ngôi nhà cổ hàng trăm năm với thiết kế gần như nguyên bản, trừ những hạng mục cần cải tạo để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, người đàn ông 78 tuổi này cũng là một kho tàng sống về văn hóa, phong tục của người dân Đường Lâm xưa.

Tết ở làng cổ Đường Lâm
Ông Giang Vĩnh Phúc

Đón chúng tôi vào ngôi nhà cổ, ông Phúc vui vẻ giới thiệu về Đường Lâm, những nét văn hóa chỉ có ở Đường Lâm, đặc biệt là các nghi thức chỉ thực hiện trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Theo tục lệ, cây nêu thường được dựng vào ngày 25 tháng Chạp, còn tục gói bánh chưng được thực hiện từ ngày 28 Tết trở đi. Nếu ai bỏ qua cây nêu thì không phải ngày Tết, thiếu nồi bánh chưng thì ngày Tết không trọn vẹn. Trong ký ức của ông Phúc, các cụ ngày xưa rất nghèo nhưng vẫn phải cố có một đùi thịt lợn, 6 nhà chung nhau con lợn, nghèo nhưng hạnh phúc, mỗi nhà gói cái giò bằng gang tay nhưng cực thích...

Ông Phúc dẫn chúng tôi vào thế giới của những nghi lễ đêm giao thừa. Hướng về ban thờ đặt ở gian giữa ngôi nhà cổ, ông Phúc chậm rãi nói: “Vào những phút linh thiêng cận giờ giao thừa, người chủ gia đình sẽ tập hợp các thành viên để thắp hương, báo cáo bề trên những công việc, những biến cố đã gặp trong năm qua, đồng thời tạ ơn bề trên, dâng lời cầu xin có thêm nhiều ơn phúc cho đất nước, quê hương và gia đình trong năm mới...”.

Người dân ở làng cổ Đường Lâm có tục đi xông đất. Người được nhờ xông đất sẽ đến xông đất gia chủ với những sắp xếp từ trước, ngụ ý đem lại cho gia đình tài lộc, bình an, may mắn và sức khỏe trong năm mới. Sau khi xông đất, người xông đất sẽ phát lì xì cho gia chủ theo thứ tự từ trên xuống, tất cả diễn ra trong khoảng nửa giờ đồng hồ.

Người Đường Lâm rất chú ý đến lời ăn tiếng nói trong ngày đầu năm, đặc biệt là không nhắc đến những chuyện không may, mâu thuẫn, xô xát, đánh nhau để tránh xui xẻo cho gia đình.

Một nét văn hóa đặc sắc rất riêng của Đường Lâm, đó là đi chúc Tết. Nhưng khác biệt ở chỗ, người Đường Lâm sẽ mang những quả quýt đi chúc Tết, chúc tuổi chứ không phải hộp mứt, bánh kẹo, chai rượu...

Chia tay ông Phúc, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Vững, nơi phục dựng, lưu giữ văn hóa làng cổ. Ngôi nhà cổ của ông Vững được nhiều du khách đến thăm, khám phá về văn hóa và ẩm thực của làng cổ. Dẫn chúng tôi đi thăm từng gian trong ngôi nhà cổ, ông Vững chia sẻ, toàn bộ ngôi nhà và những vật dụng, đồ dùng đang trưng bày được ông phục dựng trong nhiều năm với mục đích để quảng bá hình ảnh, giới thiệu với du khách về những nét văn hóa của Đường Lâm. Ông Vững mong muốn giữ gìn ngôi nhà hơn 100 năm tuổi, những lu tương, bộ bàn ghế đã nhuộm màu thời gian..., kết hợp chúng trong một không gian để du khách một cái nhìn toàn cảnh về văn hóa cổ điển hình của xứ Đoài, để du khách có thể “chạm” vào quá khứ, trở về với văn hóa truyền thống của ông cha. Bởi trên thực tế, Đường Lâm khó tránh khỏi những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại dẫn đến những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày.

Tết ở làng cổ Đường Lâm
Gói bánh chưng ngày tết ở Đường Lâm

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Đường Lâm, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. Ông Thạo cho biết, trong nhiều năm qua, chính quyền Hà Nội nói chung, thị xã Sơn Tây nói riêng đã có nhiều hành động cụ thể để vừa bảo tồn vừa phát triển du lịch nhằm quảng bá hình ảnh làng cổ Đường Lâm. Tuy nhiên, trong xu thế chung hiện nay, làng cổ Đường Lâm cũng không tránh khỏi việc bị mai một các phong tục, văn hóa truyền thống.

“Để bảo tồn làng cổ Đường Lâm, ngoài bảo tồn các giá trị vật thể như đình đền, nhà cổ, còn phải khôi phục những giá trị văn hóa phi vật thể đang bị mai một như lễ hội truyền thống ở các làng, ngày giỗ Phùng Hưng, ngày giỗ Thám hoa Giang Văn Minh, huyền tích bà Chúa Mía... Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển nghề làm kẹo, tương, chè lam, thịt quay giòn, bánh gai..., kết hợp với việc xây dựng các điểm trình diễn làng nghề truyền thống, bảo tàng tư nhân giới thiệu các sản phẩm, trang phục, vật liệu, kiến trúc cổ truyền, xây dựng các homestay, hy vọng sẽ bảo tồn được làng cổ, thu hút khách du lịch ở lại Đường Lâm lâu hơn” - ông Thạo nói.

Rời mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, chúng tôi càng thêm trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử, những con người đang ngày đêm lưu giữ “báu vật” sống chỉ có ở làng cổ Đường Lâm.

Làng cổ Đường Lâm có 50 di tích có giá trị, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, Đường Lâm còn lưu giữ gần 1.000 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn…

Xuân Hinh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps