Tất bật đi “giải hạn” Rằm tháng Giêng

12:37 | 04/02/2012

813 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rằm tháng Giêng sắp đến, những ngày này người dân đổ về các chùa lớn rất đông. Một phần đi lễ cầu an, cầu phúc, phần khác để tìm cách "giải hạn sao xấu" cho mình. Các dịch vụ cũng đua nhau tăng giá...

Dòng người ùn ùn đổ về Phủ Tây Hồ

Theo ghi nhận của PV Petrotimes, để chuẩn bị cho ngày Rằm tháng Giêng (15/01 ÂL), sáng nay 4/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch), tại các đền, chùa, miếu, phủ tấp nập người vào ra. Tại một số điểm như: chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Pháp Vân… lượng khách trung bình những ngày này lên đến hàng nghìn. Chưa đến 9 giờ sáng, ghi nhận tại Phủ Tây Hồ, phường Quảng An,đã chật ních khách hành hương.

Tuy lượng khách đông, nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn. Ngay cả việc hoá vàng mã, hương khói nghi ngút cũng được khắc phục. Dễ thấy người đi lễ đông và hướng thiện, lễ vật mang theo phần lớn chỉ là một chút vàng tiền, hoa quả, nén hương, tiền "dầu đèn” đều tập trung vào hòm công đức

Phủ Tây Hồ đỡ nghẹt thở hơn

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận trong năm nay là công tác an ninh, trật tự tại các khu vực đền chùa đều tăng cường hơn để tránh cho người dân nạn trộm cắp. Tại chùa Quán Sứ, một đội công an và tự vệ phường Trần Hưng Đạo được đã huy động hỗ trợ bảo vệ an ninh, không cho hàng quán bày bán đồ lễ tràn ra trước cửa, mà phải ngồi vào một dãy xa cổng chùa. Còn tại Phủ Tây Hồ, Ban quản lý của Phủ cũng đã dán lên bảng thông báo hình ảnh những kẻ trộm cắp, móc túi để người dân cảnh giác.

Ông Trương Công Đức, Trưởng ban Quản lý Phủ Tây Hồ cho biết: Hơn chục ngày qua, Phủ đã đón gần 10 vạn lượt khách. Từ trước Tết, BQL phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phân luồng giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, phân công người trông giữ xe, bố trí bảo vệ. Nhờ đó, không xảy ra hiện tượng móc túi, lấy trộm đồ lễ ở Phủ Tây Hồ trong dịp Tết nguyên đán vừa qua

Từ ngày 12 tháng Giêng, nhiều chùa ở Hà Nội đã bắt đầu mở các khóa lễ cầu an (kéo dài đến ngày 22 tháng Giêng).

Ước vọng của mỗi người đến cửa Phật dù có khác nhau, nhưng đều có chung một mong muốn là cầu xin một năm mới an lành, may mắn đến cả gia đình mình. Bà Nguyễn Minh Châu, sinh sống tại phố Ngọc Hà, Hà Nội, một phật tử quy bái nhiều năm tại chùa Quán Sứ cho hay cho hay: tháng nào vào ngày rằm cũng đi lễ chùa và ngày rằm tháng Giêng nào cũng không quên đi Phủ như một thói quen khiến mình cảm thấy thanh thản hơn trong ngày đầu năm mới. Bên cạnh những người đi lễ chùa với mục đich cầu may thì cũng cónhững gia đình đưa con nhỏ đi chùa vừa để vãn cảnh lại vừa để giáo dục con cái hiểu được những giá trị tốt đẹp truyền thống và những giá trị tốt đẹp trong tín ngưỡng của cha ông.

Dịch vụ đa dạng

Năm nay, tại các cửa chùa bán nhiều sinh vật cảnh như rùa đá, cá cảnh, chim sẻ… để khách thập phương mua và thực hiện hình thức phóng sinh, lấy đức đầu năm. Một con rùa đá được bán với giá khoảng 50.000đ và được rất nhiều du khách mua để phóng sinh tại chùa. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ mua sắm lễ cũng tăng lên vào ngày rằm như dịch vụ đổi tiền lẻ "10 ăn 7″ (tức là cứ đổi 10 ngàn đồng lấy tiền mệnh giá 500đ, khách được nhận lại 7ngàn), hay một thẻ hương vào ngày thường có giá 2000đ, thì vào ngày rằm tăng lên là 5000đ tại chùa Bà Đá (Hoàn Kiếm), và tại Phủ Tây Hồ.

"Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, đình, đền dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà sắp cơm, chút hương hoa thơm cúng tổ tiên, khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến. Một cặp trầu cau có giá 4.000-6.000 đồng; một cành hoa cúc có giá từ 2.000-3.000 đồng, hoa hồng cũng tăng lên so với ngày thường, tới 1.000-2.000 đồng/bông. Hoa đào vẫn được ưa chuộng.

Bác Đỗ Tấn Huy, chuyên bán đào ở Quảng An cho biết: Dịp Tết Thượng nguyên, những cành đào nhỏ nhắn nhiều lộc bán rất chạy, một cành đào bé cũng có thể thu về 50.000-100.000 đồng; bó đào lộc cũng phải 20.000-30.000 đồng.

Tại chùa Phúc Khánh trên đường Tây Sơn, nhiều người đã đăng ký dâng sao từ Rằm tháng Chạp, dịch vụ thi nhau mọc lên, hộ dân gần chùa "khoanh” vỉa hè làm bãi giữ xe cho khách. Giá gửi xe máy lên tới 10.000 đồng, thậm chí là 20.000 đồng/xe. "Giá sàn là thế rồi. Đất chật, kiếm được chỗ giữ xe vất vả lắm” – một chủ trông xe phân trần.

Mỗi lần dâng lễ cầu an ở chùa Quán Sứ, Hòa Mã, Phủ Tây Hồ, có giá từ 100.000-300.000 đồng cho một hộ gia đình; gặp "sao xấu”, muốn "giải”, tín chủ phải bỏ ra từ 50.000-100.000 đồng/người. Dù vậy, không mấy ai do dự bởi họ cho rằng được dâng sớ lên các chùa lớn trong ngày Rằm tháng Giêng đã là điều phúc.

Một thành viên Ban khánh tiết chùa Quán Sứ cho biết: Lượng sớ khách dâng lên mỗi ngày ở chùa không tính được bằng tờ mà là bằng cân, có ngày lên đến hàng chục cân.

Đại đức Thích Thanh Huân: "Để tránh vận hạn, bản thân và gia đình…cần làm nhiều điều tốt, cư xử tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội…”

Rằm tháng Giêng, lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt nhưng không mấy ai muốn thấy cảnh chen lấn nơi cửa Phật, phó thác việc đời cho một khóa lễ cầu may. Hòa thượng Thích Thanh Huân, chùa Pháp Vân phân tích:

Việc cúng lễ nói chung và đầu năm nói riêng, lễ vật do tâm thành, hương hoa quả rồi thành tâm niệm Phật, cầu nguyện, hướng tâm nguyện của mình lên để Phật chứng giám. Vận hạn không tự có mà do chính bản thân mình. Vì vậy, để tránh vận hạn, tai nạn… cho cả năm thì nên làm điều phúc. Làm nhiều điều phúc, mới cầu được bình an. Tuyệt đối không nên đốt vàng mã, nếu muốn "báo đáp” thì bằng tiền thật, đồ thật, sau đó để con cháu hưởng lộc hoặc ra tay cứu giúp người nghèo khó. Đặc biệt, để tránh vận hạn, bản thân và gia đình…cần làm nhiều điều tốt, cư xử tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội…”.

Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật, hình nhân thế mạng, vàng mã… lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý Nhân quả. "Thực tế các vị thầy không thể cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân… tha tội, giải hạn sao xấu cho những người làm điều ác được!”, đại đức chia sẻ.

Mạnh Kiên