Tăng viện phí bệnh nhân có còn phải nằm ghép?

17:29 | 19/09/2011

818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Y tế quyết tâm tăng viện phí vì giá viện phí áp dụng từ gần 20 năm trước đã quá lỗi thời. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là tăng viện phí nhưng chất lượng khám, chữa bệnh có được nâng lên hay không? Đặc biệt là hiện tượng quá tải bệnh viện dẫn đến bệnh nhân phải nằm ghép 23 người/giường bệnh, thậm chí nằm ngoài hành lang thì tính viện phí như thế nào?

Hành lang bệnh viện được tận dụng để kê giường cho bệnh nhân nằm điều trị.

Bệnh viện quá tải trầm trọng

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện lớn trên địa bàn TP HCM như: Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Bình Dân, Ung Bướu, Từ Dũ… đều ở trong tình trạng quá tải trầm trọng.

Bệnh viện Chợ Rẫy luôn quá tải trên 100%. Hầu hết các khoa phòng đều có hiện tượng nằm ghép 2 bệnh nhân/gường bệnh và bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang. Công suất sử dụng giường bệnh ở các khoa Ngoại tiêu hóa, Ngoại thần kinh, Tim mạch can thiệp luôn trên 200%.

Chị Nguyễn Thúy Vân, ngụ ở quận Tân Bình có mẹ đang điều trị bệnh tiểu đường tại khoa Nội tiết – bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Ngày đầu nhập viện, mẹ tôi đã 80 tuổi cũng phải trải chiếu nằm dưới đất vì bệnh nhân quá đông không đủ giường bệnh để nằm. Bệnh viện đã phải kê thêm giường ở ngoài hành lang nhưng các giường ở ngoài hành lang cũng đều đã 2 người/giường bệnh. Những người mắc bệnh tiểu đường thường bị lở loét hoặc phải đoạn chi mà nằm 2 người/giường bệnh dễ va chạm vào nhau gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.

Tình trạng quá tải dẫn đến vấn đề vệ sinh cũng không đảm bảo. Nhà vệ sinh bệnh viện thường trong tình trạng ứ đọng nước, dơ bẩn bởi bệnh nhân và người nuôi bệnh giặt rửa, đi vệ sinh quá đông. Nhiều người than phiền: “Bất đắc dĩ mới phải vào nhà vệ sinh bệnh viện vì ở đó quá dơ bẩn. Đáng lý bệnh viện phải là môi trường sạch sẽ để người bệnh thoải mái dưỡng bệnh nhưng tình trạng quá tải đã làm vấn đề vệ sinh bệnh viện trở thành nỗi ám ảnh của mọi người”.

Chị Đào Thị Minh, ngụ ở Q.3, đi khám bệnh tại bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Nếu muốn khám bệnh sớm phải đi từ mờ sáng để lấy số thứ tự khám, nếu không phải chờ đợi rất lâu. 7h sáng tôi đã có mặt ở bệnh viện để lấy số thứ tự khám nhưng đến đầu giờ chiều mới đến lượt khám vì quá đông bệnh nhân. Mỗi lần muốn đi khám bệnh cũng ngại vì phải chờ đợi quá lâu. Mặc dù, nhiều bệnh viện đã có những cải tiến như lấy số thứ tự, hẹn giờ khám qua điện thoại, khám dịch vụ… nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng quá tải”.

Tăng viện phí có giải quyết được việc nằm ghép?

Theo quy định về viện phí thì giá khám bệnh chỉ 2.000 – 3.000 đồng/lượt. Giá này đúng là quá lạc hậu so với mặt bằng giá cả hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế việc tăng viện phí đã được nhiều bệnh viện linh động điều chỉnh từ lâu. Hiện nay, hầu như không có bệnh viện nào áp dụng mức giá khám là 2.000 – 3.000 đồng/lượt theo quy định, mà giá này hầu như chỉ áp dụng để BHYT căn cứ vào đó chi trả cho bệnh viện khi khám cho bệnh nhân có BHYT. Còn đối với giá khám không BHYT thì đã áp dụng mức giá 15.000 – 30.000 đồng/lượt.

Việc điều chính giá viện phí cho phù hợp hơn với thực tế một mặt sẽ giúp cho người khám BHYT không bị phân biệt đối xử khi đi khám bệnh nhưng mặt khác cũng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người nghèo. Khi giá viện phí tăng lên thì người nghèo và cận nghèo nếu có BHYT cũng phải đồng chi trả 5% và 20%. Số tiền này cũng là một khoản không nhỏ đối với họ; đặc biệt với những bệnh nhân mắc các bệnh phải điều trị lâu ngày như chạy thận nhân tạo. Do đó, song song với việc tăng viện phí cần phải có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho những đối tượng này.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho rằng: Việc tăng viện phí là phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, một đòi hỏi chính đáng của người bệnh là tăng viện phí thì phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay, các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Một bác sĩ phải khám cho số lượng bệnh nhân gấp 3 – 4 lần so với trước đây thì chất lượng khám, chữa bệnh cũng khó đảm bảo.

Nhiều bệnh nhân than phiền bác sĩ chỉ khám qua loa trong 5 – 10 phút, hỏi các triệu chứng bệnh rồi kê toa thuốc. Hiện tượng bệnh nhân phải đi khám nhiều nơi mới phát hiện ra được đúng bệnh cũng không phải là hiếm.

Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi tăng viện phí thì có giải quyết được tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép hay không? Nếu điều chỉnh giá giường bệnh lên mức 100.000 đồng/ngày mà bắt bệnh nhân phải nằm đôi, nằm ba, nằm ngoài hành lang thì không chấp nhận được. Đối với những trường hợp này phải có những cơ chế tính viện phí linh hoạt cho phù hợp.

Mức quy định viện phí không thay đổi từ năm 1995 đến nay đã quá lạc hậu nên điều chỉnh tăng viện phí là điều tất yếu để phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, việc tăng viện phí phải đồng hành cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của bệnh nhân.

Mai Phương