Tăng cường kiểm soát chất lượng phụ gia thực phẩm

17:06 | 17/12/2011

584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm tăng cường kiểm tra VSATTP trong dịp Tết, ngày 17/12, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra việc kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP HCM.

Chợ Kim Biên hiện có 17 hộ kinh doanh ngành hàng phụ gia thực phẩm, chuyên cung cấp sỉ và lẻ mặt hàng này cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân thành phố. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện bảo quản phụ gia thực phẩm của các cơ sở ở đây thường không đạt do đa phần phụ gia thực phẩm phải bảo quản ở nhiệt độ 15 – 20 độ C và không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào nhưng các quầy sạp tại chợ rất nhỏ, không thể thực hiện được đúng yêu bảo quản. Việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, danh mục hàng hóa cũng còn nhiều hạn chế.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra việc kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên.

Qua kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, việc kinh doanh phụ gia thực phẩm ở chợ Kim Biên tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một số tồn tại như: nhiều sản phẩm còn vi phạm về nhãn hàng hóa (không niêm yết ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất…), sản phẩm được chiết rót ra để bán lẻ thường không có nhãn mác, kinh doanh hóa chất chung với phụ gia thực phẩm, điều kiện bảo quản không đảm bảo, không công bố chất lượng sản phẩm…

Phụ gia thực phẩm là chất mà các cơ sở kinh doanh thực phẩm sử dụng hằng ngày nhằm làm cho món ăn thêm đẹp mắt và hấp dẫn, do đó cũng là chất mà người dân dùng hằng ngày. Bằng mắt thường không thể kiểm soát, phát hiện được các phụ gia độc hại. Do đó, mức độ nguy hiểm của phụ gia độc hại rất lớn, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý ngành hàng này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cơ sở hóa chất Đăng Hưng vừa bị đình chỉ việc kinh doanh phụ gia thực phẩm.

Chiều 16/12, thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên và đã đình chỉ việc kinh doanh mặt hàng phụ gia thực phẩm đối với cơ sở hóa chất Đăng Hưng, số 3 Trang Tử, P.14, Q.5 do cơ sở này vẫn kinh doanh phụ gia thực phẩm nhưng trong giấy phép đăng ký kinh doanh không có đăng ký ngành hàng phụ gia thực phẩm; cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, điều kiện bảo quản không đạt, kinh doanh hóa chất chung với phụ gia thực phẩm…

Trong năm 2011, ngành Y tế TP HCM đã tiến hành kiểm tra 32.585 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử phạt hành chính 1.463 cơ sở với số tiền hơn 4,9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 181 cơ sở, tịch thu và tiêu hủy gần 25 tấn thực phẩm các loại, 107 gói phụ gia thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay, TP HCM xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 5 vụ so với năm 2010. Tuy giảm về số vụ ngộ độc nhưng số người ngộ độc lại gia tăng gần 100 người, vì các vụ ngộ độc của năm 2011 thường có quy mô lớn, số lượng người bị ngộ độc nhiều.

TP HCM là thành phố đông dân nhất nước, ngoài việc cung cấp các sản phẩm thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân nơi đây, thành phố còn là đầu mối chế biến thực phẩm cung cấp cho các tỉnh và xuất khẩu. Tuy nhiên, khoảng 80 % hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thành phố là từ các tỉnh chuyển về nên các cơ quan quản lý cũng gặp khó khăn trong việc truy nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Việc kiểm soát chất lượng nông sản thông qua test nhanh và lấy mẫu ngẫu nhiên chưa mang tính khả thi để có thể kiểm soát được 100 % nông sản thực phẩm vào thành phố.

Bên cạnh đó, TP HCM vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức công tác quản lý về thực phẩm như: chợ tự phát, thức ăn đường phố phát triển nhiều, số lượng bếp ăn tập thể lớn, việc kinh doanh, sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất, bảo quản thực phẩm vẫn còn nhiều vi phạm do việc giám sát về kinh doanh phụ gia thực phẩm hiện chưa đủ mạnh.

Mai Phương