Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Gỡ bỏ cản ngại, tạo sự đột phá

07:00 | 30/03/2019

307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sửa đổi và bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, nhưng Luật Doanh nghiệp (DN) sau hơn 3 năm đi vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho DN. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN, Luật Đầu tư và lấy ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có những cuộc phỏng vấn nhanh các chuyên gia.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Sửa đổi căn bản và đột phá

PV: Thưa ông, Luật DN 2014 mới có hiệu lực khoảng 3 năm nhưng đã phải sửa đổi. Ông có thể cho biết lý do?

go bo can ngai tao su dot pha

TS Vũ Tiến Lộc: Luật DN (sửa đổi) 2014 đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN. Một số thủ tục hành chính về đăng ký DN không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN.

Chẳng hạn, một DN đăng ký kinh doanh theo Luật DN hiện hành, nếu muốn chuyển sang kinh doanh một lĩnh vực mới, DN phải tiến hành giải thể, sau đó làm thủ tục thành lập mới, phải đăng ký tại một cơ quan chuyên ngành. Hậu quả là ngoài chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan thì DN mất đi tính liên tục trong kinh doanh, không tận dụng được lợi ích về hình ảnh, thương hiệu đã xây dựng.

Ngoài ra, một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn. Ví dụ Luật DN quy định trong một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập công ty phải thông báo với cơ quan quản lý cạnh tranh… Quy định này hiện không còn tương thích với Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018 về thông báo tập trung kinh tế…

PV: Theo ý kiến của nhiều chuyên luật gia và DN, Luật DN sửa đổi lần này phải theo tinh thần thúc đẩy kinh tế tư nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Vũ Tiến Lộc: Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh đến 2 sửa đổi căn bản là gia nhập thị trường của DN và quản trị DN. Một ngày bị chậm trễ khiến tính cạnh tranh của DN bị giảm đi, doanh thu, lợi nhuận cũng giảm sút…

Một vấn đề quan trọng, thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa đổi này là phải mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP, khu vực DN hoạt động theo Luật DN (hiện nay của chúng ta chỉ có 700.000 DN) chỉ chiếm 8% GDP.

Đây là luật của hàng triệu DN chứ không phải luật của mấy trăm nghìn DN, đây là sự lựa chọn lịch sử trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Mục tiêu không chỉ phát triển số lượng DN mà còn gắn với hiệu quả hoạt động, gắn với thu hút đầu tư nước ngoài.

go bo can ngai tao su dot pha
Doanh nghiệp ngồi chờ để đăng ký kinh doanh tại Hà Nội

Tôi đề nghị sửa đổi Luật DN, Luật Đầu tư căn bản và đột phá chứ không chỉ dừng lại ở bản dự thảo lần này. Quốc hội có thể cho lùi thời gian để bàn kỹ càng hơn các vấn đề căn bản.

PV: Theo ông để phát triển kinh tế tư nhân, thời gian tới chúng ta cần làm gì?

TS Vũ Tiến Lộc: Quốc hội đã có Nghị quyết để thúc đẩy, giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ. Quốc hội cần chung tay với Chính phủ vì rất nhiều nội dung trong các chương trình hành động này sẽ không thể thực hiện nếu không được đồng bộ hóa. Các địa phương là tuyến đầu trong phát triển kinh tế, nên cần khuyến khích và ủng hộ thực hiện những mô hình đột phá trong phát triển kinh tế ở các địa phương như: Cơ chế đặc thù, thực hiện chính quyền điện tử, thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, các cơ quan xúc tiến...

Tôi tin rằng, những mô hình thực tiễn tốt ở các địa phương, nếu được triển khai rộng khắp sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế một cách thiết thực trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật TNHH Inteco (Hà Nội): Bỏ bớt các điều kiện kinh doanh

PV: Ông nhận xét như thế nào về dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN lần này?

go bo can ngai tao su dot pha

Luật sư Hà Huy Phong: Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN lần này được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm thực tế, đó là những phản ánh của chính cộng đồng DN, nên khá sâu sát và có giá trị thực tế rất cao. Nó không xuất phát từ lý thuyết, nguyên tắc mà đi sâu vào những vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi lần này chưa triệt để, toàn diện như những ý kiến đóng góp của chúng tôi.

Tôi ví dụ, Luật DN trước đây có quy định bỏ con dấu, nhưng lần này điều chỉnh, bổ sung thông báo đăng ký con dấu. Những ảnh hưởng của con dấu vẫn còn tồn tại ở đâu đó mang tính gián tiếp của Luật DN và từ đó, cả luật chuyên ngành, cả cơ quan chuyên ngành phải căn cứ vào đó để đưa ra quy định về con dấu.

Một ví dụ nữa là về người đại diện pháp luật. Luật DN đang có hiệu lực quy định DN có nhiều người đại diện pháp luật và DN phải quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của người sử dụng con dấu. Tuy nhiên, thực tế cơ chế triển khai không có và hầu hết DN đều không có quy định. Vậy xử lý mâu thuẫn, xung đột khi DN có nhiều con dấu như thế nào, tranh chấp nội bộ như thế nào? Dự thảo chưa đưa ra được sự điều chỉnh cần thiết vấn đề này.

PV: Là một thành viên trong Ban Soạn thảo, theo ông, Ban Soạn thảo đã gặp khó khăn gì khi soạn thảo dự thảo Luật DN, Luật Đầu tư sửa đổi lần này?

Luật sư Hà Huy Phong: Luật DN và Luật Đầu tư là một trong những đạo luật rất vất vả khi phải chạy theo sự thay đổi và biến động rất nhanh của nền kinh tế. Đó là điều kiện khách quan mà ngay bản thân Ban Soạn thảo trước đây cũng không thể hình dung ra được nền kinh tế, cộng đồng thay đổi nhanh và tiến bộ đến mức như vậy.

Đặc biệt, thời gian gần đây, khi Chính phủ đưa ra chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, cốt lõi là loại bỏ điều kiện kinh doanh nhằm tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng nhất cho DN. Chính vì yêu cầu như vậy mà Luật DN, Luật Đầu tư bắt buộc phải bám theo một yêu cầu thiết yếu: Làm thế nào để bỏ các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là Luật Đầu tư.

Hiện nay, chúng ta đã cắt bỏ được rất nhiều điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, dự thảo lần này tiếp tục cắt bỏ sâu sát hơn nữa. Đó là những ảnh hưởng của hai đạo luật này tới thực tiễn hoạt động của DN.

PV: Hiện nay, chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nhiều ý kiến cho rằng, phải đưa 5 triệu hộ kinh doanh này vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN trong lần sửa đổi này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Hà Huy Phong: Chuyện hộ kinh doanh cá thể tồn tại là tất yếu, khách quan của xã hội. Luật của chúng ta từ trước đến nay chưa ghi nhận một cách chính thức địa vị pháp lý của hộ kinh doanh cá thể. Cho dù chúng ta có quy định hay không, hộ kinh doanh cá thể vẫn là một thực thể tồn tại khách quan trong xã hội và có vị thế rất lớn trong nền kinh tế (chiếm 30% GDP).

Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật DN lần này nhưng chưa làm được, đó là Luật DN phải quy định một cách chính thức địa vị pháp lý của hộ kinh doanh cá thể, để từ đó tạo hành lang pháp lý cho những văn bản khác.

Luật DN có những quy định về gia nhập thị trường. Vậy, hộ kinh doanh cá thể gia nhập thị trường như thế nào, điều kiện đối với họ ra sao, yêu cầu đối với quản lý ra sao… hiện luật còn bỏ ngỏ rất nhiều. Đây là một điểm nghẽn, nút thắt của vấn đề. Nếu Luật DN sửa đổi đưa hộ kinh doanh cá thể vào khuôn khổ chính thức và ghi nhận nó như một loại hình DN thì đương nhiên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sẽ thành 5 triệu DN và mục tiêu của Chính phủ năm 2020 đạt 2 triệu doanh nghiệp chắc chắn sẽ thành hiện thực. Nhưng đó không phải mục tiêu về hình thức, mà nó thỏa mãn những nội dung, yêu cầu khách quan của nền kinh tế, đó là chúng ta phải xây dựng được địa vị pháp lý của những người tham gia vào hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Hộ kinh doanh cá thể cũng là những thực thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, cũng giống như các DN tư nhân khác. Lâu nay, chỉ khác nhau về tên gọi và cách ghi nhận địa vị pháp lý mà chúng ta đã loại 5 triệu hộ kinh doanh cá thể ra ngoài những con số thống kê và những văn bản chính thức. Do đó, chúng ta chỉ cần sửa lại một chút, ghi nhận chính thức hộ kinh doanh cá thể vào trong luật thì ngay lập tức tăng số lượng DN trong đời sống kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luật sư Lê Xuân Hiền. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương: “Luật Doanh nghiệp cái thừa cái thiếu”

go bo can ngai tao su dot pha

Sau 4 năm có hiệu lực và triển khai thực hiện, theo ông Hiền, bên cạnh những điểm “đột phá” tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) gia nhập, thị trường hoạt động kinh doanh, tổ chức quản lý, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động thì Luật DN năm 2014 vẫn tồn tại một số bất cập. Ngay khái niệm “doanh nghiệp” ở phần mở đầu, ông Hiền cho rằng Luật DN đã không đưa hộ đăng ký kinh doanh vào đối tượng của Luật là một quan niệm sai. Vì bất cứ hình thức kinh doanh nào và ai làm kinh doanh thì đó chính là DN, phải là đối tượng của Luật DN.

Mặc dù số lượng đông nhất (khoảng 5 triệu hộ) và là khối tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế với gần 10 triệu việc làm, nhưng lại không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh.

Ông Hiền nói: “Sự tồn tại và phát triển của DN hộ gia đình, DN một chủ là thực tế khách quan. Ngay cả các nước phát triển, trong đó có Mỹ cũng vẫn duy trì loại hình DN “sở hữu duy nhất” với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ”.

Về mối quan hệ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và DN, ông Hiền cho hay, thời gian vừa qua, tình trạng quá tải và ách tắc trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp diễn chưa được khắc phục. Ông Hiền cho rằng Luật DN đã qua nhiều lần sửa đổi hoặc ban hành mới, kinh nghiệm và đòi hỏi về tổ chức, bộ máy cơ quan đăng ký kinh doanh đã rõ ràng. Vậy cần phải có các quy định ngay trong luật về thủ tục, biểu mẫu đăng ký kinh doanh, năng lực phục vụ của cơ quan đăng ký kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho DN.

Ông Hiền kết luận: “Luật nên dành một chương quy định về tổ chức bộ máy, hoạt động, dịch vụ, lệ phí của cơ quan đăng ký kinh doanh, biểu mẫu đăng ký kinh doanh cũng nên đưa vào Luật DN với các chỉnh sửa cho dễ dàng và thuận tiện thực hiện hơn.

Ông Hiền cũng cho biết, Luật DN hiện tại chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa công ty và cổ đông/thành viên công ty, giữa các cơ cấu tổ chức điều hành công ty (Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật, kiểm soát viên) và thành viên công ty, cổ đông đặc biệt là các thành viên và cổ đông thiểu số… Với DN nói chung, Luật DN đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên công ty… Tuy nhiên Luật vẫn thiếu cơ chế đảm bảo thực thi các quyền của cổ đông, thành viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thành viên trong trường hợp có tranh chấp giữa các đối tượng này với các cơ cấu điều hành của DN.

Ông Hiền nói: “Các quy định về giải quyết tranh chấp giữa thành viên công ty, cổ đông công ty với các cơ cấu tổ chức điều hành của DN hiện nay vừa thừa vừa thiếu”. Chẳng hạn, thiếu ở chỗ quy định “đẩy” các tranh chấp sang Tòa án giải quyết. Luật thì không quy định sự hỗ trợ và trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với các thành viên công ty, cổ đông công ty, đặc biệt là các thành viên, cổ đông thiểu số… Ông Hiền giải thích: “Bởi lẽ theo nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, tòa án chỉ hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ và xác minh chứng cứ trong những trường hợp Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định. Trong mối quan hệ tương quan liên quan đến tiếp cận các thông tin, hồ sơ liên quan đến quản trị công ty, thành viên, cổ đông thiểu số không có điều kiện tiếp cận hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp, do đó rất khó khăn và bế tắc trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh và xác minh chứng cứ làm cơ sở cho yêu cầu của mình trước Tòa án. Chính cái thiếu này đã làm cho Luật DN chưa hiệu quả trong việc ngăn ngừa tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp, bảo đảm lòng tin của giới đầu tư.

Nguyễn Anh (ghi)