EVN kiến nghị xem xét phân cấp đầu tư theo Luật Doanh nghiệp

20:37 | 27/02/2025

148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay các dự án của EVN phần lớn là trên 5.000 tỷ đồng, những dự án dưới 5.000 tỷ đồng rất ít, nên có thể xem xét tạo điều kiện hợp lý để doanh nghiệp chủ động trong đầu tư sản xuất.

Sẵn sàng các phương án đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng 12 - 13%

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước ngày 27/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết để thực hiện mục tiêu cho năm 2025 thì ngay từ các tháng cuối năm 2024, EVN và các đơn vị thành viên đã xây dựng các kịch bản và tích cực triển khai các giải pháp, nhiệm vụ cần thiết để chuẩn bị "từ sớm, từ xa" với mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.

EVN kiến nghị xem xét phân cấp đầu tư theo Luật Doanh nghiệp
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Trên tinh thần đó, các kỹ sư, cán bộ nhân viên của EVN và các đơn vị đã tổ chức làm việc liên tục, xuyên lễ, Tết trên công trường và tổ chức vận hành các trạm điện, nhà máy điện 24/7 để đảm bảo dòng điện liên tục cho đất nước.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn dự kiến nhu cầu điện sẽ tăng trưởng tương ứng 12-13% so với năm 2024. Đây là thách thức rất lớn với EVN nói riêng và các doanh nghiệp tham gia vào ngành điện nói chung trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện trong năm 2025 và các năm tới.

Thời gian qua, EVN đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Trong sản xuất và cung ứng điện, Tập đoàn đã tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong sản xuất, đảm bảo độ tin cậy, sẵn sàng và đồng bộ trong tất cả các khâu: phát điện, mua điện, nhập khẩu điện, truyền tải điện, phân phối điện, quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị là cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, cấp điện an toàn, ổn định phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và các sự kiện chính trị, xã hội lớn trong năm 2025.

Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng đủ điện trong trường hợp nhu cầu điện năm 2025 tăng trưởng 12 - 13% tương ứng với mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Nỗ lực cao nhất để cùng với các tập đoàn nhà nước đảm bảo nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện, chủ động sẵn sàng các giải pháp để không để xảy ra thiếu nhiên liệu cho phát điện; siết chặt kỷ luật vận hành, chuẩn bị đủ vật tư thiết bị dự phòng, đảm bảo độ khả dụng cao nhất, đảm bảo vận hành ổn định, tin cậy, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2025.

Trong đầu tư xây dựng, Tập đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất đồng thời đảm bảo chất lượng các công trình, dự án điện. Trong đó phấn đấu hoàn thành 253 dự án lưới điện từ 110-500 kV để tăng cường năng lực của hạ tầng lưới điện truyền tải, phân phối, đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương.

Đồng thời phấn đấu hoàn thành các công trình trọng điểm như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I hoà lưới phát điện tổ máy 1, đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, cấp điện cho huyện Côn Đảo...

Đối với tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, Tập đoàn đã triển khai quyết liệt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của từng đơn vị để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện và tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động; đi kèm với biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể, nhất là người đứng đầu đơn vị để xảy ra thất thoát, lãng phí.

EVN kiến nghị xem xét phân cấp đầu tư theo Luật Doanh nghiệp
EVN nỗ lực cao nhất để cùng với các tập đoàn nhà nước đảm bảo nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.

Ngoài ra, EVN cũng khẩn trương hoàn thiện để án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị theo theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương khóa XII; tiếp tục đổi mới toàn diện, sắp xếp tổ chức bộ máy của toàn Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Tập đoàn đã triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tập đoàn đang tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, chương trình chuyến đổi số và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tạo thông thoáng đầu tư cho mục tiêu dài hạn

Tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu dài hạn đến năm 2030 đạt được các mục tiêu: Xây dựng và phát triển EVN thông minh, bền vững trên cơ sở chuyển đổi số toàn diện, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng sâu rộngcác công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, IoT, điện toán đám mây... trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn; Xây dựng EVN là doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực điện năng.

Phát triển hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí", khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu; Thiết lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và trung tâm dữ liệu ngành điện, là cơ sở cung cấp cho các nền tảng trí tuệ nhân tạo sử dụng trong các bài toán phân tích, tính toán tối ưu vận hành nhà máy điện, lưới điện truyền tải, phân phối hiệu quả.

Bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trên không gian mạng của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đối số.

Tại hội nghị này, Tập đoàn kiến nghị sớm hiện thực hóa, đổi mới và cải cách thể chế pháp luật, có cơ chế chính sách, tao không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp nhà nước.

Riêng lĩnh vực về phân cấp đầu tư, có thể xem xét theo Luật Doanh nghiệp. Vì hiện nay các dự án của EVN phần lớn là trên 5.000 tỷ đồng, những dự án dưới 5.000 tỷ đồng rất ít, nên có thể xem xét tạo điều kiện hợp lý cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động trong đầu tư sản xuất.

Đặc biệt, việc đổi mới theo Nghị quyết phát triển khoa học và công nghệ, hiện nay chúng tôi rất muốn đồng hành cùng với Viettel, VNPT hay FPT để thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, còn những quy định trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư khiến cho việc hợp tác chưa được cụ thể. Vì thế chúng tôi mong muốn, cần có quy định rõ ràng trong thể chế để thực hiện việc hợp tác trên.

Diệu Phương (T/h)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps